Vì sao Bộ Y tế ngừng công bố ca bệnh Covid-19 của các địa phương?

Đại diện Bộ Y tế cho biết dịch Covid-19 đang được kiểm soát, thời gian gần đây số ca mắc ổn định, dao động ở mức 600-700 và hầu như không ghi nhận bệnh nhân tử vong.

Bộ Y tế cho biết từ ngày 29/6, Bản tin về tình hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ được rút gọn. Theo đó, Bộ Y tế sẽ ngừng công bố số ca bệnh của các địa phương cũng như thông tin về số ca mắc tăng - giảm tại các tỉnh, thành và chỉ đưa ra tổng số ca mắc trên toàn quốc, thông tin về ca khỏi bệnh, tử vong, tình hình tiêm vắc-xin Covid-19...

Trao đổi với phóng viên đại diện Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, độ bao phủ vắc-xin lớn, các địa phương đang triển khai tiêm mũi 3 và nhắc lại mũi 4 cho người có chỉ định.

Vì sao Bộ Y tế ngừng công bố ca bệnh Covid-19 của các địa phương?-1
Số ca mắc Covid-19 dao động từ 600-700 ca trong thời gian gần đây

"Hiện số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tương đối ổn định, trong 2 tuần gần đây giao động ở mức 600-700 ca mắc/ngày. Việc ngừng công bố ca bệnh của các địa phương nhưng công tác phòng chống dịch vẫn tiếp tục được thực hiện. Trong trường hợp dịch có diễn biến bất thường, Bộ Y tế sẽ bổ sung việc công bố các thông tin về dịch bệnh phù hợp với thực tế"- vị đại diện này nói.

Tại dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế vẫn đề xuất Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành.

Bộ Y tế cũng nhận định lý do chưa chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B do SARS-CoV-2 biến đổi liên tục (từ tháng 12/2019 đến nay ghi nhận 5 biến thể mới và trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ), nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng, tỉ lệ tử vong cao, khả năng né tránh miễn dịch vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, chưa dự báo được.

Bộ Y tế cũng cho biết qua trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/5 vừa qua, chưa có quốc gia nào trên thế giới báo cáo tổ chức này về việc chính thức công bố Covid-19 là bệnh lưu hành. Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để xem Covid-19 là bệnh lưu hành, như Thái Lan, Indonesia (cùng với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Australia...) trên cơ sở thông qua các chỉ số như tỉ lệ tử vong thấp, tỉ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm và độ bao phủ vắc-xin cao tại nhiều độ tuổi, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ.

Nhiều nước châu Âu và một số nước châu Á trong thời gian qua cũng đã từng bước nới lỏng nhiều biện pháp trên cơ sở tỉ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 cao (trên 80%) và số trường hợp mắc mới, tử vong giảm trong thời gian gần đây.

Cách đây ít Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, đồng thời khuyến cáo người dân tích cực và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vắc-xin Covid-19.

Về tính lây lan của biến thể phụ BA.5, Bộ Y tế cho biết các nhà khoa học thế giới vẫn đang tiếp tục các đánh giá. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.

Theo Người Lao Động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/suc-khoe/vi-sao-bo-y-te-ngung-cong-bo-ca-benh-covid-19-cua-cac-dia-phuong-2022063008521139.htm

COVID-19

Tin tức mới nhất