Ngoài các loại hương hoa, trái cây, bộ đồ ông Công ông Táo bằng vàng mã cùng mâm cỗ gồm nhiều món ăn thịnh soạn, lễ cúng tiến Táo quân lên thiên đình chầu Ngọc hoàng ngày 23 tháng Chạp luôn có 3 con cá chép đỏ.
Vì sao cúng ông Công ông Táo cần có cá chép?
Tục lệ dâng cá chép rồi phóng sinh sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp đã có từ xa xưa. Dân gian tin rằng vào ngày này, các vị thần Bếp sẽ lên trời báo cáo lại tất cả những việc tốt xấu của gia chủ trong một năm.
Vì vậy, các gia đình đều làm lễ cúng tiễn Táo quân. Trong số lễ vật có 3 con cá chép đỏ còn sống khỏe được thả trong chậu nước.
Sau khi nghi lễ cúng hoàn tất, ngoài việc thiêu hóa đồ mã, gia chủ cũng sẽ đem những con cá chép ra phóng sinh ở sông, ao, hồ... Vì sao cúng ông Công ông Táo cần có cá chép? Vì loài này được coi là vật cưỡi để mang các Táo quân lên trời.
Việc Táo quân lại chọn cưỡi cá chép thay vì những con vật khác được cho là liên quan đến sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng trong dân gian. Trong câu chuyện này, thuở khai thiên lập địa, ông Trời tạo ra nước với mưa gió, sông, biển và những sinh vật sống trong nước.
Vì quá bận bịu, sau đó Trời không trực tiếp làm mưa nữa mà giao việc này cho rồng. Tuy nhiên, số lượng rồng quá ít, không đủ đáp ứng công việc, do đó Trời tổ chức kỳ thi tuyển chọn những con vật ở trần gian có đủ phẩm chất để trở thành loài vật linh thiêng ở thiên giới này.
Ở thủy cung, các giống loài đều nô nức dự thi, hy vọng mình "một bước lên trời".
Tranh cá chép vượt vũ môn. (Ảnh: Pinterest)
Kỳ thi diễn ra qua 3 vòng, mỗi con vật đều phải vượt qua 3 đợt sóng dữ mới có thể hóa rồng. Yêu cầu này quá khó khiến hầu hết các loài đều bị loại.
Con cá rô chỉ nhảy qua được một đợt sóng, con tôm qua được hai đợt, ruột gan, vây, vảy, râu và đuôi đã gần hóa rồng nhưng lại đuối sức và ngã khi vượt qua đợt sóng thứ ba. Cú ngã khiến tôm gãy cong cả lưng.
Riêng cá chép khi vào thi có ngậm một viên ngọc trai quý. Thấy lạ, thần gió tò mò bay đến xem, khiến xung quanh cá chép gió mây kéo đến ào ạt, sấm sét ầm trời.
Những đợt sóng cao trỗi dậy và cá chép nương theo những con sóng đó, nhờ chúng đưa lên cao, vượt qua vũ môn, nhả ngọc và hóa rồng.
Trong văn hóa Việt Nam, hình ảnh cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự can đảm, may mắn, thành công, chiến thắng. Cá chép vượt vũ môn là biểu tượng của sự phát triển, thăng hoa trong sự nghiệp kinh doanh hay khoa cử, sự thịnh vượng trong cuộc sống.
Tục thả cá chép cúng ông Công ông Táo phổ biến nhất ở miền Bắc. Người dân miền Nam thường đốt hình cá chép bằng giấy.
Khi cúng ông Táo, người ta đặt chậu cá chép trước bàn thờ, sau khi làm lễ xong thì mang cá đi phóng sinh để ông Táo có phương tiện lên chầu trời. Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h) ngày 23 tháng Chạp thì Táo mới kịp lên thiên đình.
Thả cá chép đúng cách
Thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao nilon hoặc đồ đựng cá xuống dưới mặt nước để cá tự bơi ra.
Không nên dùng tay chạm vào cá vì có thể làm mất lớp nhầy trên vảy cá, khiến cá dễ bị nhiễm trùng và chết.
Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống sông, hồ, khiến cá không thể sống được. Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.
Sau khi thả cá, nên quan sát xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị sóng xô dạt lại vào bờ.
Theo VTC