Ngày 26/4, bạn trai cũ Trương Hằng tố Trịnh Sảng nhận cát-xê tới 160 triệu nhân dân tệ (24,6 triệu USD) cho vai diễn trong phim Thiến Nữ U Hồn. Thông tin làm dấy lên nghi vấn nữ diễn viên trốn thuế bằng hợp đồng âm dương.

Mức lương "trên trời" của nữ diễn viên khiến khán giả tức giận, đặc biệt khi Trung Quốc đang ở trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Trong bài viết đăng tải ngày 2/5, SCMP so sánh rằng với mức cát-xê trên, cô có thể sở hữu một căn penthouse xa hoa chỉ với hai ngày đóng phim, trong khi người dân bình thường cố gắng làm lụng 30 năm cũng chưa chắc mua được.

Hành vi trốn thuế, nếu là thật, của Trịnh Sảng cũng được quy vào một trong những tội nghiêm trọng. Phòng thanh tra của Cục thuế thành phố Thượng Hải cũng quyết định vào cuộc điều tra nữ diễn viên Cùng Ngắm Mưa Sao Băng.

Vì sao diễn viên Trung Quốc mua được penthouse sau 2 ngày quay phim?-1
Trịnh Sảng bị điều tra vì nghi ngờ sử dụng hợp đồng âm dương để trốn thuế.

Lần gần nhất ngành giải trí phải xôn xao vì vấn đề thuế là khi bê bối của Phạm Băng Băng bị phanh phui vào năm 2018. Thời điểm đó, ngôi sao họ Phạm cũng sử dụng hợp đồng âm dương để trốn thuế, tương tự như cách Trịnh Sảng và đoàn phim Thiến Nữ U Hồn dùng.

Tất nhiên, Phạm Băng Băng đã thân bại danh liệt và phải rút khỏi ngành giải trí sau bê bối thuế trên. Nhiều người tin rằng nếu quyết liệt làm rõ vụ việc của Trịnh Sảng, nghệ sĩ gian lận thuế cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng theo.

Kỷ nguyên của mức cát-xê trên 100 triệu nhân dân tệ đã đến lúc kết thúc”, SCMP trích dẫn lại một tiêu đề bài báo ở Trung Quốc.

Tài năng hạn chế, cát-xê ngất ngưởng

Phạm Băng Băng và Trịnh Sảng không phải hai ngôi sao duy nhất được trả cát-xê ở mức "khổng lồ" - theo SCMP mô tả. Trái lại, tiền lương giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu nhân dân tệ đã trở thành một thông lệ quen thuộc trong ngành giải trí Hoa ngữ những năm gần đây.

Ví dụ được đưa ra để nói về sự thay đổi của thị trường và sức nặng danh tiếng của ngôi sao là trường hợp của Dương Mịch. Khi đóng Thần Điêu Đại Hiệp vào năm 2006, cô chỉ là diễn viên trẻ vô danh và thậm chí không có quyền mặc cả mức cát-xê của mình. Nhưng tới năm 2018, khi đảm nhận vai chính trong Người Đàm Phán, nữ diễn viên đã nhận tới 860.000 nhân dân tệ (132.880 USD) cho mỗi tập phim, theo thông tin từ tờ Nhân Dân Trung Quốc.

Vì sao diễn viên Trung Quốc mua được penthouse sau 2 ngày quay phim?-2
Dương Mịch là một trong những sao nữ lưu lượng của Trung Quốc, được trả cát-xê xấp xỉ 1 triệu nhân dân tệ/tập phim.

Vào năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã ra quyết định hạn chế mức lương trả cho diễn viên và ca sĩ, nhưng giới nghệ sĩ vẫn có cách lách luật. Một phương thức chủ yếu là đăng ký khu vực hoạt động của công ty hoặc phòng làm việc (đơn vị quản lý trực tiếp của nghệ sĩ) ở những nơi có chính sách ưu đãi thuế, chẳng hạn khu tự trị Tân Cương - nơi được miễn thuế cho doanh nghiệp trong 5 năm (theo SCMP).

Một cách khác là sử dụng hợp đồng âm dương. Đơn vị sản xuất hoặc doanh nghiệp thuê bản quyền hình ảnh của nghệ sĩ sẽ làm hai bản hợp đồng, một là hợp đồng với mức cát-xê thật để giao cho nghệ sĩ, một hợp đồng còn lại với mức giá khai khống chỉ bằng một phần nhỏ của giá thật sẽ được nộp lên cơ quan thuế.

Nguồn tin trong ngành nhận định rằng các đơn vị đầu tư phim ảnh hoặc doanh nghiệp vẫn đổ những khoản tiền khổng lồ vào túi nghệ sĩ không phải vì coi trọng tài năng của họ. Theo SCMP, việc này sẽ khiến thị trường giải trí trở nên méo mó, coi trọng giá trị thương mại của nghệ sĩ hơn là tài năng nghệ thuật.

Sự bành trướng của ngôi sao lưu lượng

Một nhà sản xuất có văn phòng làm việc tại Bắc Kinh nói với SCMP mức cát-xê càng cao, càng chứng tỏ sức ảnh hưởng của nghệ sĩ đó tới thị trường và cộng đồng người hâm mộ. Xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 2014-2015, qua vài năm, ngành giải trí dần trở nên ám ảnh với số liệu về lượt xem phim, giá trị thương mại do diễn viên mang lại.

Uông Hải Lâm - một biên kịch nổi tiếng từng làm việc với Trịnh Sảng - cho biết xu hướng ám ảnh về số liệu trên hình thành bởi các doanh nghiệp về truyền thông, công nghệ đã bước vào ngành giải trí.

Những "gã khổng lồ" như Tencent (Đằng Tấn), iQIYI hay Alibaba tạo ra nền tảng video riêng, sản xuất chương trình truyền hình và phim ảnh để phục vụ khán giả. Nhưng để được xem trước toàn bộ phim, nhận quà, hay xây dựng số liệu cho thần tượng, khán giả phải bỏ tiền mua quyền lợi trên nền tảng video.

Các nền tảng trên có xu hướng bỏ qua các kịch bản gốc chất lượng, chỉ tập trung sản xuất các phim thần tượng dựa trên tiểu thuyết mạng ăn khách. Những phim được làm lại từ tiểu thuyết nổi tiếng thường được gọi là "đại IP" và nhà sản xuất - tức các nền tảng mạng - sẽ chọn ngôi sao lưu lượng để tăng khả năng thu hút khán giả cho tác phẩm.

"Xu hướng này dần khiến mọi thứ mất đi sự chuyên nghiệp. Các ngôi sao lưu lượng như Lộc Hàm (Luhan), Hoàng Tử Thao hay Ngô Diệc Phàm không biết diễn xuất, họ vốn được đào tạo để làm ca sĩ thần tượng", Uông Hải Lâm chia sẻ quan điểm.

Vì sao diễn viên Trung Quốc mua được penthouse sau 2 ngày quay phim?-3
Ngô Diệc Phàm bị chỉ trích vì không biết diễn xuất, đóng phim đơ cứng.

Nhưng các ngôi sao lưu lượng trên có thể kéo theo lượng lớn người hâm mộ, giúp tác phẩm có lượt xem cao, từ đó thu hút quảng cáo từ các thương hiệu. Lợi nhuận nảy sinh từ các tác phẩm chiếu mạng có lượt xem cao rất lớn.

Do đó, nhiều ê-kíp phim không ngần ngại làm giả dữ liệu hoặc tìm cách để tạo nên các cuộc thảo luận trực tuyến về tác phẩm, dù theo cách tiêu cực hay tích cực, Uông Hải Lâm nói.

Thế hệ diễn viên lười biếng

Vì lợi ích lớn do ngôi sao lưu lượng có thể mang lại, các ê-kíp sản xuất bắt đầu có xu hướng dành phần lớn chi phí làm phim để mời họ góp mặt trong tác phẩm.

Trái với kỳ vọng nhà sản xuất đặt vào họ, các ngôi sao lưu lượng dần có xu hướng lười biếng trên phim trường, không chịu đầu tư vào diễn xuất, dù đã cầm trong tay cát-xê ở mức "trên trời".

MC nổi tiếng Kim Tinh khiến khán giả "dậy sóng" khi tiết lộ các diễn viên trẻ hiện nay không còn học thoại nữa, thay vào đó họ sẽ đếm số khi cần quay phim, lời thoại sẽ được người khác lồng tiếng thay thế trong quá trình làm hậu kỳ.

Vì sao diễn viên Trung Quốc mua được penthouse sau 2 ngày quay phim?-4
Các diễn viên trẻ lười biếng, thường đếm số thay vì học thuộc lời thoại.

Thậm chí, không chỉ lười đọc thoại, các ngôi sao hiện nay còn thường xuyên vắng mặt trên phim trường hoặc không muốn quay cảnh nguy hiểm, nên đoàn phim phải sử dụng nhiều diễn viên đóng thế. Chẳng hạn, Angelababy (Dương Dĩnh) từng bị chỉ trích nặng nề khi liên tục dùng thế thân trong các cảnh quay của phim Cô Phương Bất Tự Thưởng vào năm 2017.

Hiện tượng "dồn tiền mời sao lưu lượng" ngày càng phát triển, các công ty sản xuất nhỏ khó có kinh phí để mời được những tên tuổi nổi tiếng góp mặt trong phim. Trong khi đó, ngôi sao lưu lượng như Trịnh Sảng vẫn liên tục chiếm đóng thị trường, xuất hiện trong các tác phẩm do nền tảng lớn chi tiền đầu tư.

"Trả mức cát-xê gây choáng váng chỉ để quay các bộ phim rác rưởi''

Người trong giới đã nhận ra xu hướng lạm dụng ngôi sao lưu lượng đang dần giết chết ngành công nghiệp phim ảnh, theo SCMP. Và các đơn vị sản xuất bắt đầu có những hành động, như một tia sáng cuối đường hầm, để chống lại sự bành trướng của các ngôi sao tài năng hạn chế nhưng luôn được hưởng cát-xê cao.

Năm 2018, một nhóm các nền tảng video và công ty điện ảnh, gồm cả Youku và iQIYI, đã họp bàn và thống nhất đưa ra tuyên bố chung về việc các diễn viên không được nhận mức cát-xê quá 50 triệu nhân dân tệ (7,7 triệu USD) cho một bộ phim.

Thêm vào đó, các tác phẩm được sản xuất với kinh phí thấp, diễn viên có thực lực và nội dung kịch bản hay vẫn tạo được sức hút với khán giả. Chẳng hạn, Lang Nha Bảng hay Sơn Hải Tình là hai phim truyền hình được sản xuất với mức giá hợp lý, và nhận điểm đánh giá cao trên Douban, tới mức 9,4 điểm.

Vì sao diễn viên Trung Quốc mua được penthouse sau 2 ngày quay phim?-5
Angelababy thường dùng diễn viên đóng thế khi quay "Cô Phương Bất Tự Thưởng" (2017).

SCMP một lần nữa trích lời Uông Hải Lâm: “Vài năm gần đây, chúng ta thỏa hiệp và trả cho các ngôi sao mức cát-xê gây choáng váng chỉ để quay được các bộ phim rác rưởi, các chương trình tạp kỹ kém chất lượng".

Đất nước đúng là giàu có, nhưng văn hóa thì lại nghèo nàn. Chính phủ không sai, xã hội và ngành công nghiệp này không sai, người sai là chính chúng ta", biên kịch họ Uông nói thêm.

Theo Zing