Bạn biết gì về trào lưu rooftopping nguy hiểm mới đến Việt Nam? Rooftopping là trào lưu selfie, quay phim tại công trình có độ cao chóng mặt nhằm "kiếm fame" trên mạng xã hội.

Đoạn video ám ảnh về phút cuối đời của Ngô Vịnh Ninh - được mệnh danh là Spider Man Trung Quốc với hơn 300 clip trên mạng, thách thức 11 tòa nhà chọc trời - gây "rúng động" truyền thông thế giới khi lan truyền trên mạng vào ngày 9/12/2017 (một tháng sau khi chàng trai qua đời ở tuổi 26).

Trong bài báo Who is to blame for Chinese rooftopper's dramatic death? (Tạm dịch: Ai chịu trách nhiệm cho cái chết bi thảm của 'rooftopper' Trung Quốc?), phóng viên CNN nhận định Vịnh Ninh là nạn nhân của trào lưu mạo hiểm ngày càng lan rộng trên thế giới với tên "rooftopping".

Ma lực từ sự tung hô trong thế giới ảo

Vịnh Ninh chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ ưa mạo hiểm chết vì mạo hiểm trên thế giới.

"Luật chơi" của "rooftopping" là người tham gia - "rooftopper" -  trốn bảo vệ, trèo lên tầng thượng, đi lại, nhào lộn trên mép nóc nhà chọc trời, trong khi không sử dụng đồ bảo hộ. Mục đích của họ là có được ảnh chụp, video ngoạn mục đăng lên mạng xã hội.

Với "rooftopper", cách tạo dựng danh tiếng và duy trì tên tuổi không gì hiệu quả bằng cho ra đời bức ảnh, cảnh quay mạo hiểm càng ít người dám làm càng tốt. Cứ thế, họ tiến dần đến tử thần.


"Rooftopper" thường tìm đến nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp cao hàng trăm mét để thực hiện các bức ảnh ngoạn mục. Ảnh: Viki Odintcova, Daniel_Lau.

Với "rooftopping", ranh giới giữa sống và chết là rất mong manh. Chỉ một chút sơ sẩy, "rooftopper" sẽ phải trả giá đắt. Đó là mạng sống, tuổi thanh xuân, cùng nỗi đau cho những người ở lại.

Thế nhưng "ma lực" nào khiến "rooftopper" đặt bản thân vào lằn ranh nhạt nhòa đó? Câu trả lời được các chuyên gia đưa ra là tác động của mạng xã hội.

TS tâm lý học người Mỹ - Harry Stratyner - cho rằng mục đích chính của thanh thiếu niên khi hùa theo các trào lưu nguy hiểm là được tung hô, trở thành tâm điểm chú ý.

Bác sĩ Wendy Sue Swanson (sống tại TP Seattle, Mỹ) cũng có chung quan điểm rằng người trẻ luôn cố gắng sống trong thế giới ảo, tìm mọi cách thu hút sự chú ý của người khác.


Tác động của mạng xã hội khiến trào lưu chết người "rooftopping" ngày càng "bành trướng". Ảnh: Angela Nikolau.

Phần lớn "rooftopper" khi trả lời phỏng vấn đều nói rằng mình tham gia trào lưu vì đam mê độ cao. Tuy nhiên, họ không thể phủ nhận những nút like, share trên mạng đem lại cho họ cảm giác thỏa mãn khi được tung hô.

Oleg Sherstyachenko - "rooftopper" 27 tuổi, người Nga - là một trong những cái tên hot nhất nhì cộng đồng này với hơn 920.000 follow sau 3 năm theo đuổi "rooftopping".

Ngày 24/4/2015, Oleg chia sẻ trên Instagram clip mạo hiểm đầu tiên. Trong đó, anh cầm gậy selfie ghi cảnh mình đi dọc mép nóc nhà chọc trời.

Đoạn video thu về 19.100 like (thích), gần 2.000 bình luận. Nhiều dân mạng không khỏi hồi hộp, "lạnh sống lưng" khi dõi theo Oleg và hỏi "Anh ta bị làm sao vậy?".

Ba ngày sau đó, chàng trai Nga xuất bản clip thứ 2 kèm chú thích "Thư giãn trên tầng 49". Lượt view tăng vọt lên 28.000, thu hút gần 10.000 bình luận. Đến khi CNN đưa bài về Oleg hôm 12/5/2015, nhiều người bình luận: "Anh nổi tiếng rồi đấy".

Từ đó, mật độ ra clip, ảnh chụp mạo hiểm đều đặn hàng tháng khiến lượt theo dõi anh chàng tăng lên rất nhanh.


Sức hút từ sự tung hô trên mạng ảo do các bức hình, clip trải nghiệm "rooftopping" khiến Oleg Sherstyachenko không ngại thách thức tử thần.

Trong một bài phỏng vấn với Redbull TV, Oleg tiết lộ: "Tôi yêu độ cao và thích ghi lại những khoảnh khắc mạo hiểm để xem phản ứng của những người theo dõi Instagram của mình ra sao".

Theo đó, chính những nút "like", "share" và bình luận từ hàng chục nghìn người xa lạ trên mạng ảo đã tiếp thêm động lực cho Oleg ngày càng liều mạng.

Ngăn chặn bằng cách giảm sức mạnh của nút "like"

Năm 2017, số lượng ảnh chụp, clip "rooftopping" của Oleg Sherstyachenko giảm đi trông thấy, có khi cách vài tháng anh mới tung ra sản phẩm.

Từ đầu năm nay, 9X chỉ chia sẻ 2 đoạn video điểm lại các màn mạo hiểm đã thực hiện gần 3 năm qua kèm dòng tự hỏi: "Tôi có thể tiếp tục làm thế này, nhưng để làm gì"?

Có lẽ khi đã đủ trải nghiệm (chinh phục 50 nóc nhà chọc trời ở Pháp, Đức, Trung Quốc, Dubai...), sự nổi tiếng và tiền bạc, chàng trai Nga không còn muốn mạo hiểm mạng sống.

Sức hấp dẫn của trào lưu chết người "rooftopping" đến từ tác động của mạng xã hội. Bởi vậy, theo các nhà nghiên cứu, “rooftopping” hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng việc giảm sức mạnh của các bức ảnh, clip trên mạng xã hội.

Ngày nay, selfie cùng với sức mạnh của công nghệ số trở thành một thứ văn hóa, trào lưu phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ xấu khi bị biến tướng thành "rooftopping", "killfie"... khiến người trẻ mất mạng.


Bảng hướng dẫn "selfie an toàn" do Bộ Nội vụ Nga phát hành nhằm ngăn chặn những cái chết vì chụp ảnh, quay clip "sống ảo". Ảnh: Russian Ministry of Internal Affairs.

“Nhiều người trẻ đang tự làm hại chính mình. Một bức ảnh selfie không đáng để các bạn phải mạo hiểm cuộc sống”, ông James Millidge thuộc Viện nghiên cứu tàu cứu hộ hoàng gia Anh nhận định về “đại dịch” selfie mạo hiểm của giới trẻ thế giới hiện nay.

TS tâm lý học người Mỹ - Harry Stratyner - hy vọng giới trẻ thể hiện sự nghiêm túc, có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.

"Rooftoppier" Daniel Lau không khuyến khích người trẻ tham gia trào lưu mạo hiểm: "Mỗi người nên biết giới hạn của mình ở đâu và thận trọng khi tham gia các trò chơi nguy hiểm. Đừng bao giờ làm vậy chỉ để khoe mẽ. Chính bạn là người chịu trách nhiệm cho những rủi ro mình gặp phải chứ không phải ai khác".


Giới trẻ Việt có dám liều mạng chinh phục nóc nhà chọc trời?
Hầu hết người nhận lời phỏng vấn Zing đều nhầm lẫn giữa "rooftopping" và "parkour". Họ không dám trải nghiệm thú chơi mạo hiểm trên nóc nhà chọc trời như giới trẻ thế giới.

"Rooftopping" là trào lưu mà người tham gia, được gọi là "rooftopper", trốn lực lượng an ninh, không sử dụng đồ bảo hộ, thực hiện các động tác nguy hiểm trên nóc tòa nhà chọc trời.

Mục đích của họ là có được ảnh chụp, video ngoạn mục đăng lên mạng xã hội. Thiết bị ghi hình thường là camera gắn trên đầu, máy quay GoPro hay "combo" điện thoại và gậy selfie.

"Rooftopping" được cho là ra đời ở Nga, "biến tướng" từ trào lưu tồn tại hàng chục năm nay, với tên gọi "urban exploration" (tạm dịch: Thám hiểm đô thị).

Theo Zing