Gần đây, Anastasia Kysluk (12 tuổi, đến từ Ukraine) đã tự kết liễu đời mình tại nhà riêng bằng một sợi dây thừng. Trước đó, em được cho là đã lên mạng xem những video về thắt cổ tự tử và thậm chí còn tìm kiếm trên Google loại dây thừng nào dùng tốt nhất.

Cái chết của cô bé mới 12 tuổi này liên quan đến trò chơi chết chóc "Cá voi xanh". Theo Daily Mail, Anastasia là thành viên của hội nhóm "Cá voi xanh". Em quyết định kết liễu đời mình sau khi nhận được thử thách từ người chủ trì trong ngày cuối cùng của trò chơi.

Nói đến đây, không ít người thắc mắc về vai trò của người chủ trì. Người chủ trì nắm trong tay sinh mạng của người chơi.

Nếu như ở những ngày đầu, kẻ này dường như đem lại cảm giác thấu hiểu, đồng cảm thì đến cuối hành trình, hắn sẽ nhanh chóng lật mặt, biến thành tên sát nhân, gián tiếp gây ra cái chết oan uổng cho các nạn nhân.


 Những kẻ đứng sau trò chơi đẫm máu này chắc chắn phải trả cái giá đắt cho hành vi xúi giục, cổ vũ tự tử của mình. Ảnh: Daily News Egypt.

Chân dung kẻ gián tiếp tước đoạt bao mạng sống

Không ai có thể ngờ được kẻ đứng đằng sau trò chơi nguy hiểm "Cá voi xanh" lại là Philipp Budeikin - một chàng trai người Nga mới chỉ bước sang tuổi 22.

Hơn hết, anh ta còn có khả năng thấu hiểu cảm xúc, tâm lý của mọi người xung quanh. Nhờ khả năng ấy, Philipp dễ dàng tiếp cận nhiều bạn trẻ, lợi dụng sơ hở, đẩy họ vào trong cái bẫy chết chóc do gã tạo ra.

Bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh Philipp quả thực sở hữu tài năng về tâm lý học có lẽ chính là những gì anh ta nhận được ngay cả khi đã bị tống giam. Nghe thì có vẻ khó tin nhưng tên phạm nhân nguy hiểm này lại đang "chết ngập" trong biển thư tình các cô gái tuổi teen gửi đến trại giam.


Gã trai 22 tuổi đã gián tiếp đoạt mạng 17 cô gái bằng những chiêu trò tâm lý. Ảnh: Laughing Colours.

Theo nhà tâm lý học Veronika Matyushina, phần lớn cô gái có cảm tình với Philipp đều không nhận được nhiều sự yêu thương, quan tâm từ gia đình. Vì thế, họ bắt đầu dựa dẫm vào thứ tình cảm ảo trên mạng xã hội để rồi coi nó là cả sinh mạng.

"Mật ngọt chết người", Philipp Budeikin dễ dàng đưa nạn nhân, đặc biệt là phái nữ, vào vòng xoáy tuyệt vọng không lối thoát mang tên "Cá voi xanh".

Thủ đoạn của Philipp cũng rất thâm hiểm. Ngày qua ngày, hắn dần dần thao túng được tâm trí của nạn nhân, xúi giục họ tự tử theo nhiều cách khác nhau bằng lời lẽ nhẹ nhàng, thậm chí mang tính chất trấn an tinh thần.

Tuy có tài thấu hiểu tâm lý người khác, Philipp Budeikin lại không biết sử dụng nó đúng cách. Vô tình hay cố tình, tài năng ấy nhanh chóng trở thành công cụ để hắn thỏa mãn dã tâm của mình.

Khi bị bắt, Philipp thú nhận mọi tội lỗi. Hắn cho rằng các nạn nhân của "Cá voi xanh" đã không đáng được tồn tại, hoàn toàn "hạnh phúc khi được chết", rằng những gì hắn làm không sai,

Dù bị cáo buộc gián tiếp gây ra cái chết của hàng trăm người, Philipp chỉ thừa nhận tội lỗi đã làm ra với 17 cô gái. Tên tội phạm cho rằng những người còn lại không hề nhận được lời chỉ dẫn nào từ hắn mà chỉ tự ý làm theo.

Đây chưa phải là kết thúc bởi dường như, vụ phạm tội của Philipp Budeikin đã mở đầu cho hàng loạt sự kiện liên quan đến "Cá voi xanh" xảy ra sau này. Tháng 8/2017, một nữ sinh người Nga 17 tuổi đã bị điều tra vì cầm đầu hội nhóm tự tử có tên "Cá voi xanh".


Tranh vẽ và sách ảnh kỳ dị cho là liên quan đến những vụ tự tử được tìm thấy trong nhà của nữ sinh 17 tuổi chủ trì hội nhóm cổ vũ người trẻ tự tử. Ảnh: Daily Mail.

Cảnh sát đã lục soát nhà nữ sinh này và tìm được rất nhiều tranh vẽ, sách ảnh không bình thường. Đặc biệt còn có tranh vẽ Philipp Budeikin, chứng tỏ cô gái này bị ảnh hưởng không ít từ tên này.

Giống như Philipp, nữ sinh 17 tuổi đã giả làm một người đàn ông lịch lãm, tốt bụng, thâu tóm được trái tim phái nữ cô đơn. Mỗi ngày, cô ta lại bắt người chơi phải tự làm tổn thương chính mình hoặc những người xung quanh theo nhiều cách khác nhau. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là bức nạn nhân vào đường cùng, đó là cái chết.

Trang Daily Mail cho biết hội nhóm do nữ sinh Nga chủ trì đã gây ra hàng chục cái chết thương tâm.

Không chỉ dừng lại ở nước Nga, "Cá voi xanh" lan rộng đến cả châu Á, trong đó mạnh mẽ nhất phải kể đến Trung Quốc. Tại thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, một chàng trai 17 tuổi đã bị bắt vì tuyên truyền những tư tưởng tiêu cực, xúi giục tự tử.

Theo South China Morning Post, nam sinh này điều hành một nhóm chat gồm 500 thành viên. Cậu ta thừa nhận với cảnh sát rằng mình đã đăng những hình ảnh và thông tin về luật chơi trò "Cá voi xanh". Song thông tin 11 thành viên trong nhóm đã hoàn thành thử thách là giả, đó chỉ đơn giản là chiêu trò gây chú ý.

Kết cục cho những kẻ gây ra tội ác

Sau khi tội ác bị bại lộ, Philipp Philipp Budeikin đứng trước bản án 16 năm tù giam. Thế nhưng, nhờ vài tình tiết giảm nhẹ, gã trai 22 tuổi chỉ nhận mức án 3 năm tù và không bị canh chừng nghiêm ngặt.

Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra bất bình vì họ cho rằng đây là bản án quá nhẹ đối với tên cầm đầu trò chơi nguy hiểm, đồng thời gián tiếp gây ra vô số cái chết thương tâm. Đáng nói, trước khi tòa chính thức công bố mức án của Philipp một tuần, tại Mỹ, lại xuất hiện thêm hai trường hợp nữa tự sát vì tham gia "Cá voi xanh".


Philipp Budeikin bị bắt giữ và lĩnh án 3 năm tù vì hành vi xúi giục tự sát. Ảnh: Daily Mail.

Sergey Pestov - cha của Diana Kuznetsova (16 tuổi), người đã nhảy xuống từ tòa nhà cao 9 tầng vì "Cá voi xanh" - cho biết: "Chúng tôi mong muốn thấy một bản án cứng rắn hơn nữa".

Với vai trò là cựu cảnh sát, ông Sergey cũng bày tỏ mong muốn Cơ quan điều tra Nga vào cuộc và tìm ra mối liên quan giữa các vụ tự tử bởi ông tin rằng Philipp không phải là kẻ phạm tội duy nhất.

"Không chỉ riêng Philipp Budeikin phải trả giá vì cái chết thảm thương của con gái tôi, còn có những kẻ khác vẫn đang nhởn nhơ ngoài kia. Nhưng tất cả chỉ là vấn đề thời gian", ông nói.

Bản án 3 năm của "kẻ đầu sỏ" trào lưu tự sát "Cá voi xanh" Philipp Budeikin đã tạo nên làn sóng bất bình trên mạng xã hội.

Tài khoản Monkkey bình luận: "3 năm? Thời gian đó cũng đủ để tên bệnh hoạn này nghĩ ra một trò chơi khác thực hiện khi ra tù".

Đối với những trường hợp còn ở độ tuổi vị thành niên, tất cả chỉ dừng lại ở quản thúc trong một khoảng thời gian nhất định. Thế nhưng với tội lỗi mà các thanh niên này gián tiếp gây ra cho người khác, vì bất kỳ lý do gì, cũng không thể dễ dàng được tha thứ.

Đừng dại dột đắm chìm vào "Cá voi xanh"

Loạt bài viết về "Cá voi xanh" đã nói lên tất cả. Chúng ta đều có thể thấy rõ những "kẻ đầu sỏ" và cả người tham gia đều phải trả giá đắt cho sự dại dột, ngông cuồng nhất thời.

Kẻ lao đao trong trại giam, bị xã hội lên án, hủy hoại cả tương lai tươi sáng phía trước. Người thì mãi mãi rời bỏ cuộc sống khi còn trẻ tuổi, để lại bao tiếc thương cho người thân ở lại.

Sau cùng, những kẻ gây ra tội ác vẫn phải đền tội. Họ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt thích đáng từ pháp luật, đồng thời dằn vặt chính lương tâm mình.


Đừng vội vã tự đeo lên mình án tử để rồi ra đi ở tuổi còn xuân trong sự nuối tiếc. Ảnh: Hindustan Times.

Buồn chán và tuyệt vọng là những cảm xúc bình thường ai cũng từng trải qua nhiều lần trong cuộc đời. Nhưng không nên để nó làm chủ, khiến bạn chìm đắm trong ảo ảnh, bị cám dỗ bởi các đối tượng trên mạng xã hội.

Cũng đừng vì thế mà tạo nên một cộng đồng người trẻ chỉ biết đến tiêu cực, thi nhau tự tử với suy nghĩ cuối cùng hiện lên trong đầu trước khi chết là: "Cuối cùng, tôi cũng được hạnh phúc, được giải thoát".

Không phải cứ chết là chạm tới hạnh phúc, là được tự do vì có nhiều cách để nhận được yêu thương, quan tâm từ người khác, cũng có nhiều cách thoát khỏi nỗi chán chường, bế tắc. Tất cả tùy thuộc ở chính mỗi cá nhân.

Thay vì nghĩ đến "Cá voi xanh" hay tự tử, hãy nhớ tới lời ca trong bài hát When You Believe của nữ danh ca Whitney Houston. Hạnh phúc với những gì đang có, tin tưởng vào chính bản thân mình bởi "Phép màu sẽ xuất hiện khi bạn biết tin tưởng" và bởi "Ai biết bạn sẽ đạt được điều kỳ diệu nào khi tin tưởng" vào một điều gì đó trong cuộc sống.


Giới trẻ Việt: "Có điên mới tham gia trào lưu Cá voi xanh": Trước thông tin có thể thử thách "Cá voi xanh" đã đến Việt Nam, nhiều bạn trẻ chia sẻ với Zing rằng họ thấy trò này quá điên rồ, không dại gì chơi thử.

Thử thách "Cá voi xanh" (Blue Whale Challenge) bắt nguồn từ Nga vào khoảng 3 năm trước.

Qua mạng xã hội, quản trị viên (admin) dùng tài khoản ảo xúi giục người tham gia thực hiện nhiệm vụ điên rồ trong 50 ngày như dùng dao khắc lên tay hình cá voi, thức dậy lúc 4h sáng, giết động vật… và tự sát vào ngày cuối cùng. Khi làm nhiệm vụ, người chơi phải chụp ảnh để làm bằng chứng gửi admin.

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời khi hưởng ứng trào lưu "Cá voi xanh" từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016.

Theo Zing