Vì sao hoa cẩm chướng được lựa chọn trở thành biểu tượng cho 'Ngày của mẹ'?

Nhiều người vào ngày Mothering Sunday (năm nay rơi vào 13/5) vẫn trưng bày hoa cẩm chướng đỏ nếu mẹ họ còn sống, hoặc màu trắng nếu mẹ họ đã qua đời.

Ngày của Mẹ (tên tiếng Anh: Mother's Day) là ngày để cả thế giới tôn vinh những người mẹ được kỷ niệm vào Chủ nhật thứ 2 của tháng 5. Năm 2018, Ngày của Mẹ sẽ rơi vào Chủ nhật, ngày 13/5 tới.


Ngày của Mẹ được kỷ niệm vào Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 (Ảnh minh họa)

Mặc dù không phải là một ngày lễ quốc tế lớn như ngày 8/3 nhưng nhiều năm trở lại đây, Ngày của Mẹ cũng được đông đảo các nước trên thế giới hưởng ứng kỷ niệm như một ngày trọng đại trong gia đình, nhằm ghi nhớ công ơn của hiền mẫu.

Đặc biệt ở nhiều nước châu Âu, nơi nhiều người dân theo Thiên Chúa Giáo, Ngày của Mẹ còn có tên gọi là Mothering Sunday (ngày Chủ nhật dành cho các bà mẹ).

Nhắc tới Ngày của Mẹ, người dân Mỹ sẽ không bao giờ quên được tên tuổi của 2 người phụ nữ đã khai sinh ra ngày lễ quan trọng này. Đó là 2 mẹ con: Ann Maria Reeves Jarvis (1832 - 1905) và Anna Marie Jarvis (1864 -1948).

165 năm trước, Ann Maria Reeves Jarvis là nữ giáo viên công tác tại ngôi trường Thánh Andrew ở thành phố Grafton, bang West Virginia, Mỹ.

Khi đời sống chính trị - xã hội Mỹ bấy giờ đang bất ổn vì cuộc nội chiến, Ann đã cùng nhiều phụ nữ sáng lập nhóm Mothers' Work Days (Ngày các hiền mẫu làm việc) với nhiều hoạt động xã hội nhằm gắn kết tình cảm gia đình, đặc biệt khi cuộc sống của nhà gia đình binh lính bị đảo lộn bởi chiến tranh.

Không những vậy, người phụ nữ này còn muốn có 1 ngày riêng dành cho các bà mẹ, tuy nhiên mong muốn của bà Ann chưa kịp thực hiện thì bà đã qua đời vào năm 1905.

Để hoàn thành di nguyện của mẹ, con bà Ann là Anna Marie Jarvis đã thề trước mộ của mẹ rằng sẽ khởi xướng 1 ngày để tôn vinh hiền mẫu.


Ann Maria Reeves Jarvis (bên trái) và con gái Anna Marie Jarvis (bên phải) (Ảnh: Myhero)

Năm 1907, Anna Marie Jarvis tổ chức một lễ kỷ niệm nhỏ để tưởng nhớ mẹ mình. Năm sau đó, Anna Marie Jarvis lại mang 500 bông hoa cẩm chướng đến tặng cho các bà mẹ tới tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Andrew - nơi mẹ cô từng dạy học.

Cũng vào năm 1908 đó, Nhà thờ Thánh Andrew ở Mỹ được xem là nơi lần đầu tiên tổ chức ngày lễ tôn vinh hiền mẫu.

Năm 1910, Thống đốc bang West Virginia công bố về Ngày của Mẹ. Từ đó, nhiều gia đình tổ chức kỷ niệm ngày này ở Grafton, West Virginia, sau đó lan rộng ra nhiều thành phố khác.

Ngày 8/5/1914, Tổng Thống Mỹ Woodrow Wilson ký nghị quyết ấn định ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 là ngày lễ để tôn vinh các bà mẹ. Kể từ đó, Ngày của Mẹ ra đời. Hoa cẩm chướng cũng được xem là loài hoa của tình mẫu tử.

Nhiều người vào ngày này vẫn trưng bày hoa cẩm chướng đỏ nếu mẹ họ còn sống, hoặc màu trắng nếu mẹ họ đã qua đời.


Hoa cẩm chướng, loài hoa tượng trưng cho Ngày của Mẹ (Ảnh minh họa)

Mộc (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/vi-sao-hoa-cam-chuong-duoc-lua-chon-tro-thanh-bieu-tuong-cho-ngay-cua-me-n-153415.html

ngày của mẹ lịch sử thế giới

Tin tức mới nhất