Hyun Bin và Son Ye Jin đón con đầu lòng.
Ngày 27/11, công ty quản lý MSteam Entertainment thông báo Son Ye Jin đã sinh một bé trai. "Son Ye Jin đã sinh con trai và cả mẹ lẫn con đều khỏe mạnh".
Nhiều người sau đó tập trung suy đoán Hyun Bin không thể ở bên cạnh vợ và chưa gặp mặt con đầu lòng do vướng lịch quay phim ở nước ngoài. Tuy nhiên, công ty quản lý của nam diễn viên, VAST Entertainment, phủ nhận thông tin này: "Hyun Bin đã trở về Hàn Quốc sau khi quay phim ở Mông Cổ vào ngày 26 và ở bên cạnh Son Ye Jin khi cô ấy sinh con".
Ngay lập tức, một số trang tin có những bài viết khen ngợi Hyun Bin, gọi anh là "ông chồng quốc dân" vì nỗ lực thu xếp công việc để ở bên vợ con trong ngày quan trọng. Nhiều bài viết còn liệt kê hàng loạt hành động được cho là đáng khen của tài tử dành cho Son Ye Jin từ khi cô mang thai đến lúc sinh em bé, bao gồm "sẵn sàng hy sinh công việc vì vợ con".
Trong khi đó, chưa một bài viết nào nói về việc Son Ye Jin đã từ bỏ bao nhiêu dự án phim ảnh từ khi mang thai, sinh con.
Lời khen có cánh dành cho người chồng tạm hoãn công việc trong một vài ngày để ở bên vợ con đối lập hoàn toàn với mong đợi hiển nhiên rằng phụ nữ phải nghỉ việc trong nhiều tháng để sinh và chăm sóc con cái. Sự khác biệt này một lần nữa nói lên những vấn đề lớn hơn về kỳ vọng giới tại nơi làm việc và trong cuộc sống gia đình.
Không ca ngợi và cũng đừng phán xét
Cuối năm 2020, khi vợ sinh em bé, Ryan Bonnici, một giám đốc tiếp thị tại Mỹ, thông báo trên trang cá nhân rằng anh sẽ nghỉ đủ 12 tuần để chăm sóc vợ con.
Bonnici không ngờ rằng ngay sau đó anh nhận được phản hồi dồn dập. Thông qua mạng xã hội, email, tin nhắn và điện thoại, anh được khen ngợi và thậm chí là cảm ơn vì đã nghỉ phép, nhiều hơn lời chúc mừng có con.
Nhiều người cũng đã khuyến khích Bonnici hãy chắc chắn "thực sự có thể nghỉ phép" thay vì tiếp tục gắn bó với công việc tại nhà trong thời gian nghỉ thai sản.
"Tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ thấy phụ nữ được biết ơn và khen ngợi như vậy khi họ nghỉ phép sau khi sinh con".
Theo Bonnici, trẻ em được hưởng lợi khi có cha mẹ cùng chăm sóc. Và việc đảm bảo nam giới được nghỉ thai sản là điều quan trọng đối với bình đẳng giới.
"Đó là một chính sách hướng đến gia đình giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn. Chúng ta muốn cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc? Hãy bình thường hóa chuyện đàn ông nghỉ phép chăm con", vị giám đốc bày tỏ.
Bình thường hóa trong câu chuyện của Bonnici là không ca ngợi quá mức, nhưng trong một số trường hợp đó là không gièm pha hay phán xét.
Nhiều đàn ông không muốn hoặc không thể nghỉ phép dù công ty có chính sách thai sản dành cho nam giới. Ảnh: Kyodo.
Khi Paul và Caroline Roberts có con đầu lòng cách đây gần 5 năm, Paul quyết tâm làm việc nhà nhiều hơn cha mình, người đã làm việc 18 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cha mình làm việc nhà và tôi không muốn điều đó xảy ra với con trai mình. Ngay khi con chào đời, tôi biết mình muốn ở bên con mọi lúc có thể".
Paul làm việc trong một nhà máy ở phía bắc nước Anh, nơi anh sống cùng vợ là Caroline, kế toán cho một tổ chức lớn.
Vợ chồng Roberts đã nghe nói về chế độ nghỉ sinh con chung (SPL), chính sách được đưa ra vào năm 2015, cho phép các bậc cha mẹ đủ điều kiện được chia thời gian nghỉ thai sản. Caroline rất quan tâm, bởi vì cô lo lắng phải nghỉ làm quá lâu khi sinh em bé.
Tuy nhiên, mong muốn được chia sẻ thời gian nghỉ phép của cả hai đã sớm vấp phải vô số sự phản đối.
"Tại sao anh lại muốn ở nhà?", Paul nhớ lại những câu hỏi đầy hoài nghi của các đồng nghiệp nam. Các mẫu đơn xin SPL không được lưu hành rộng rãi. Bộ phận nhân sự không giúp được gì. Chia sẻ thời gian nghỉ phép cũng sẽ khiến gia đình nghèo hơn vì gói thai sản dành cho nam giới không hào phóng như phụ nữ.
Chỉ hai tuần sau khi con trai chào đời, Paul quay trở lại nhà máy. "Tôi cảm thấy thực sự suy sụp" anh nói. Caroline cũng bực bội vì phải tự xoay xở ở nhà và bỏ lỡ cơ hội thăng tiến tại công ty.
"Nhiệm vụ của phụ nữ"
Tại nhiều quốc gia, chế độ nghỉ thai sản được mặc định dành cho nữ. Nhưng ở những nước có chính sách thai sản tiến bộ hơn dành cho nam, rất ít đàn ông có thể nghỉ vài tháng để ở nhà chăm sóc vợ con sau sinh.
Một nghiên cứu trên gần 12.000 người tại 7 quốc gia cho thấy chưa đến một nửa số nam giới được nghỉ phép đầy đủ, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Một đồng tác giả của báo cáo giải thích rằng định kiến giới "vẫn còn rất mạnh mẽ".
Han-Son Lee, người sáng lập trang web nuôi dạy con cái DaddiLife, nói: "Đối với thế hệ hiện đại, vai trò làm cha được thể hiện theo những cách hoàn toàn khác so với trước đây. Nhưng phần lớn nơi làm việc vẫn chưa bắt kịp và các ông bố vẫn phải tuân theo khuôn mẫu coi công việc là ưu tiên hàng đầu".
Ở nhiều nước, chăm con vẫn được xem là "công việc của phụ nữ". Ảnh: Reuters.
Ở nơi làm việc, nam giới thường ngầm hoặc rõ ràng không khuyến khích việc nghỉ phép khi vợ sinh con. Trên thực tế, một số nam giới đã bị trừng phạt vì nghỉ thai sản bởi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tin rằng nuôi dạy con cái là "nhiệm vụ của phụ nữ" và "công việc của đàn ông" là ở lại làm việc và kiếm tiền.
Nghỉ sinh con, chưa nói đến nghỉ đầy đủ, có thể đồng nghĩa với việc mạo hiểm sự nghiệp, điều mà nhiều người không thể làm khi gia đình có thêm thành viên.
"Rất nhiều ông bố được giao những công việc nặng nhọc vì dám thách thức các chuẩn mực", Lee nói thêm.
Ryan Bonnici, giám đốc tiếp thị tại Mỹ, không bao giờ quên hình ảnh một đồng nghiệp gọi điện để tham dự cuộc họp nhóm bán hàng trong khi vợ anh đang sinh con.
"Đối với anh ấy, đó là một huy hiệu danh dự, thể hiện lòng trung thành với công ty. Nhưng đối với tôi, nó thật điên rồ".
Một đồng nghiệp khác ngại hỏi sếp liệu anh ấy có thể nghỉ thai sản khi đứa con thứ ba sắp chào đời hay không. "Ngay cả ý tưởng rằng anh ấy sẽ phải xin xỏ hay đề nghị cấp trên của mình cũng khiến tôi bối rối. 'Đừng hỏi vì đó là quyền lợi của bạn. Chỉ cần thông báo cho sếp của bạn khi cần', tôi đã khuyên anh ấy", Bonnici kể.
Theo Zing