Trách nhiệm cao của người đứng đầu ngành công an
Liên quan đến vụ thảm án ở Bình Phước, chiều 13/7, Cơ quan CSĐT Công an Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 4 tháng với Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến về 2 tội: giết người và cướp tài sản.
Trước đó vào chiều ngày 8/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án hình sự.
Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đã mời 3 luật sư tham gia bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, nhằm đảm bảo tính khách quan theo đúng luật định.
Qua điều tra ban đầu, Dương thừa nhận mình là kẻ trực tiếp giết hại cả gia đình ông Mỹ còn Vũ Văn Tiến là người giúp sức và động cơ dẫn đến việc ra tay thảm sát 6 người là do “hận tình”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhìn nhận, vụ thảm án ở Bình Phước là vụ án rất nghiêm trọng, thể hiện sự dã man, tàn ác của kẻ gây án và gây ra sự phẫn nộ lớn trong dư luận xã hội.
Hai nghi phạm Tiến (trái) và Dương (phải).
Theo ông Quyền, việc cơ quan điều tra đã nhanh chóng khám phá được vụ án, bắt hai nghi phạm cho thấy, năng lực, chuyên môn, điều tra án của công an Việt Nam rất tốt.
"Như tôi đã từng nói, về năng lực điều tra, khám phá án của công an Việt Nam so với các nước mà tôi có điều kiện so sánh về cơ bản là rất tốt.
Qua vụ việc án này càng khẳng định rõ điều đó và việc khám phá nhanh vụ án đã thể hiện trách nhiệm của lực lượng công an trong việc đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn của xã hội", ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, việc Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Trần Đại Quang trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác điều tra, thăm hỏi gia đình nạn nhân đã thể hiện trách nhiệm rất cao của người đứng đầu ngành công an.
Bởi lẽ, thông thường, theo phân cấp những vụ án này thuộc trách nhiệm của cơ quan công an cấp tỉnh.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Trần Đại Quang, các vị tướng đứng đầu trong ngành điều tra hình sự đã có mặt suốt quá trình điều tra vụ án. Ảnh Công an Nhân dân
"Ngành công an là ngành có vai trò rất quan trọng trong việc khám phá các vụ án, phòng chống tội phạm nên việc Bộ trưởng Trần Đại Quang có mặt trực tiếp tại hiện trường, chỉ đạo công tác điều tra cho thấy trách nhiệm rất cao của người đứng đầu.
Nói cách khác, trước sự việc của dân, trước đau lòng của dân thì Bộ trưởng Bộ Công an đã phúc đáp được yêu cầu của ngành và thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với sự mất mát của người dân.
Tôi cho rằng, nhân dân sẽ đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm đó", ông Quyền bày tỏ.
Không có oan sai
Trước một số ý kiến bày tỏ sự nghi ngại về liệu có thể xảy ra oan sai trong vụ án này không, ông Quyền khẳng định, sẽ không có điều đó.
"Oan sai như tôi đã nói là không phải do năng lực mà là do làm ẩu. Làm ẩu ở đây có hai khía cạnh là quá tự tin nên làm ẩu và do ham thành tích nên làm ẩu.
Trong vụ án này thì tôi thấy không có việc làm ẩu. Mọi việc đều được cơ quan điều tra thực hiện rất bài bản, chặt chẽ, các chứng cứ được thu thập đầy đủ, rõ ràng.
Thêm vào đó, trách nhiệm trong vụ án này được tăng cường rất cao với sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng nên đảm bảo việc bắt giữ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nói cách khác, theo tôi, không có oan sai trong vụ án này", ông Quyền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, Luât sư Lê Văn Thiệp (Trưởng VP Luật Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho hay, việc dư luận lo lắng về việc vụ án tàn khốc được khám phá quá nhanh, có thể dẫn đến oan sai là do có một số vụ án oan sai trước đây.
Tuy nhiên, trong vụ án này thì hoàn toàn khác biệt.
Luật sư Thiệp cho biết thêm, trên phương diện khoa học pháp lý về điều tra hình sự thì bất kỳ một hành vi nào của tội phạm đều để lại dấu vết, liên quan và có mối quan hệ nhân quả.
Mô phỏng vụ thảm án ở Bình Phước: Đinh Linh - Phượng Nguyễn - Việt Đức. Ảnh: Zing.vn
Các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Bình Phước và các cơ quan hữu trách đã rất thận trọng, tuân thủ pháp luật khi tiến hành điều tra vụ án này vì hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà tội phạm gây ra trong hoàn cảnh dư luận xã hội đang rất phẫn nộ.
"Tôi không được tiếp cận hồ sơ vụ án, mọi tình tiết nếu báo chí phản ánh trung thực thì việc khởi tố các bị can sau khi khởi tố vụ án là có căn cứ và phù hợp pháp luật.
Việc suy diễn chủ quan, lấy hiện tượng để nâng thành bản chất là không ổn, trong vụ án này, cơ quan điều tra đã thực hiện các nghiệp vụ điều tra cần thiết để có đủ bằng chứng buộc tội các bị can.
Chúng ta phải hiểu rằng cơ quan điều tra không có thù oán cá nhân với hai bị can, họ làm việc để bảo vệ sự bình yên của xã hội, tức là mục đích công vụ.
Những chứng cứ thu được đến nay cho thấy là có thật, có liên quan và được thu thập đúng trình tự mà luật quy định, việc suy diễn theo cảm tính là không nên", Luật sư Thiệp nói thêm.
Cũng theo Luật sư Thiệp, hiện nay, Dương và Tiến mới là bị can và chỉ khi viện kiểm sát cùng cấp truy tố ra trước TAND có thẩm quyền thì họ trở thành bị cáo, việc quyết định hình phạt sẽ do hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở luật định.
Và nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi phạm tội giết người, cướp tài sản của hai nghi phạm này thì chắc chắn sẽ có hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình để răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Theo Trí Thức Trẻ