Ngày 1/1/1990, Mr. Bean, “con chung” của hai bộ não thiên tài Rowan Atkinson và Richard Curtis, phát sóng tập đầu tiên trên hệ thống truyền hình Anh. Từ đây, hành trình của một biểu tượng văn hóa đại chúng bắt đầu.
Gương mặt hài đa dạng
Theo CNA, tại thời điểm sáng tạo ra Bean, và thủ vai nhân vật trên màn ảnh, tên tuổi Rowan Atkinson đang gắn liền với thành công của series Blackadder. Blackadder là series hài kịch tình huống lấy đề tài lịch sử, phát sóng từ năm 1983 tới 1986 với bốn mùa trên sóng đài truyền hình quốc gia Anh.
Yếu tố hài hước, châm biếm của Blackadder không phụ thuộc vào các tình tiết tréo nghoe mà đến từ nội dung các cuộc đối thoại giữa nhân vật. Trong màn đấu đá bằng ngôn từ ấy, Rowan Atkinson thường xuyên vào vai kẻ láu cá với những lời thoại “đâm bị thóc chọc bị gạo”.
Mr. Bean trong lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình năm 1990. Ảnh: ITV.
Hình ảnh Rowan Atkinson trong Blackadder đối lập hoàn toàn với Mr. Bean. Phần lớn thời gian, Bean im lặng, hoặc cạy miệng chỉ lọt ra được vài tiếng lầm bầm khó hiểu. Người đàn ông luôn hành xử ngược đời trong những tình huống bình thường như gặp nha sĩ, đi bơi, ngồi máy bay hay ăn trưa trong công viên…
Chất hài hước trong thế giới của Mr. Bean đến từ những tình huống tréo nghoe khi điều vụn vặt bị thổi phồng. Khán giả say mê theo dõi bộ phim, bởi họ không biết điều quen thuộc gì sắp bị biến thành thứ bất thường nhất vũ trụ. Bean mù tịt cách thế giới vận hành, nhưng lại luôn thiếu sự quan sát và học hỏi.
Ở một mức độ nào đó, Bean tựa gã gàn dở, lại vừa giống một người ngoài hành tinh được cử tới Trái Đất để thám thình tình hình. Về phần Rowan Atkinson, ông thích mô tả nhân vật mình thủ vai là “một đứa trẻ trong thân xác người đàn ông trưởng thành”.
Biểu tượng văn hóa đại chúng
Mr. Bean của Rowan Atkinson xứng đáng được xếp ngang hàng với những nhân vật do Charlie Chaplin, Buster Keaton, Harold Lloyd, Harpo Marx hay Jacques Tati tạo ra trên màn ảnh. Họ có khả năng khiến khán giả bật cười mà không cần mở miệng nói một lời.
Sự kiệm lời, nhưng đa dạng trong ngôn ngữ hình thể của Mr. Bean khiến bộ phim dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa để vươn tầm ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Tới nay, bên cạnh series gốc phát sóng từ năm 1990 tới 1995, Mr. Bean được sản xuất thêm hai phim dài, một series phim hoạt hình cùng nhiều sản phẩm phái sinh khác.
Rowan Atkinson trong vai Mr. Bean tại sự kiện khai mạc Olympic London 2012. Ảnh: Gify.
Năm 2012, Mr. Bean cùng loạt nhân vật tiêu biểu của văn hóa đại chúng Anh như James Bond, Mary Poppins, Chúa tể Voldermort, Nữ hoàng Elizabeth… đã có màn xuất hiện hoành tráng trong lễ khai mạc Olympic tại Anh.
Theo IMDb, năm 2007, bộ phim Mr. Bean’s Holiday đã thu về hơn 232 triệu USD từ phòng vé toàn cầu trên kinh phí sản xuất 25 triệu USD. Con số tiếp nối thành công mà phần phim điện ảnh đầu tiên về Mr. Bean từng gặt hái năm 1997. Bean (1997) mang về cho nhà sản xuất hơn 251 triệu USD, gấp 13,8 lần vốn đầu tư 18 triệu USD ban đầu.
Thống kê của MentalFloss chỉ ra cho tới nay, Mr. Bean đã được phát sóng trên 200 quốc gia. Trả lời phỏng vấn ABC, Rowan Atkinson từng nói: “Dường như ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ tôi từng đặt chân đến, người ta đều biết và yêu thích nhân vật Mr. Bean”.
Gánh nặng trên vai
Dù mang lại cho Rowan Atkinson danh tiếng, sự nghiệp cũng như khối tài sản khổng lồ, Mr. Bean vẫn là một đỉnh cao trong sự nghiệp mà nam diễn viên đã sẵn sàng để quên đi.
Trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph, Atkinson thừa nhận đã tới lúc ông phải chia tay nhân vật gắn bó cùng mình hơn một thập kỷ: “Dù là những yếu tố mang đến thành công về mặt thương mại cho tôi - một chút cường điệu trong bộ dạng và ấu trĩ trong tính cách - tôi ngày càng cảm thấy mình nên tiết chế chúng.
Năm 2020, series Mr. Bean tròn 30 tuổi. Ảnh: Belfast Telegraph.
Khoan hãy bàn đến việc thể chất không còn đáp ứng được đòi hỏi của nhân vật, tôi cho rằng việc một gã đàn ông ở tuổi 50 cố tỏ ra ngây ngô trên màn ảnh thực sự rất thảm hại. Bạn phải cân nhắc một cách thật cẩn thận”.
Hồi tháng 11/2020, nhân dịp Mr. Bean tròn 30 tuổi, Rowan Atkinson đã có những trải lòng về nhân vật trên tờ Belfast Telegraph: “Dù không muốn thừa nhận, tôi cảm thấy việc quay phim rất căng thẳng, đặc biệt là ghi hình cho Mr. Bean. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải khiến mọi thứ trên phim trở nên hài hước”.
“Tất nhiên bạn có được sự trợ giúp từ những diễn viên tài năng khác, nhưng những trò đùa trong phim có ‘đắt’ hay không đều thuộc trách nhiệm của tôi. Và điều này khiến tôi căng thẳng”, Atkinson nói thêm.
Nam diễn viên 65 tuổi cho biết ông chỉ có thể thưởng thức bộ phim sau khi mọi công đoạn sản xuất đã xong xuôi. Và “nếu khán giả cảm thấy bộ phim hài hước, thì mọi công sức bỏ ra đều xứng đáng”.
Gần đây, khi được hỏi về khả năng sẽ có thêm các tập Mr. Bean mới trong cuộc phỏng vấn cùng Radio Times, ông chia sẻ: “Chúng tôi đã sản xuất một series hoạt hình về nhân vật.
Hiện, ê-kíp lên kế hoạch sản xuất một phim hoạt hình dài về Mr. Bean. Sẽ dễ dàng hơn khi tôi chỉ phải lồng tiếng cho nhân vật thay vì trở thành anh ta trên màn ảnh”.
Ông tiếp tục: “Tôi không còn hào hứng thủ vai Mr. Bean nữa. Gánh nặng trách nhiệm thật chẳng dễ cáng đáng. Nhân vật khiến tôi cảm thấy căng thẳng và kiệt sức. Tôi mong chờ tới ngày loạt phim kết thúc.
Tôi luôn cảm thấy căng thẳng trong quá trình thực hiện các dự án, có lẽ ngoại trừ Blackadder. Bởi trách nhiệm khiến series ấy hài hước được chia đều cho mọi người chứ không riêng gì tôi”. Tuy nhiên, nam diễn viên cũng thẳng thắn thừa nhận việc trở lại với Blackadder là bất khả thi.
Sau ba thập kỷ tung hoành trên màn ảnh, Mr. Bean vẫn là Mr. Bean, nhưng Rowan Atkinson đã trở thành một người đàn ông trung niên. Việc đơn độc gánh vác trách nhiệm duy trì sự duyên dáng và hài hước của Mr. Bean trước ống kính dần trở thành nhiệm vụ quá sức với ông.
Câu chuyện thành công của Atkinson với Mr. Bean là ví dụ khác cho câu thoại trứ danh: “Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn”. Có khác, trong phiên bản của ông, quyền lực biến thành sự yêu mến của khán giả dành cho Mr. Bean, còn trách nhiệm lớn lao của ông, là đáp lại tình cảm và sự kỳ vọng ấy.
Theo Zing