Nóng lên theo quy luật toàn cầu
Thời tiết Việt Nam được nhận định đang nằm trong quy luật chung của toàn cầu.
Theo Zing đưa tin, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng ta liên tục ghi nhận các mức nhiệt và thời gian nắng nóng kỷ lục ở Bắc Bộ. Do tác động của biến đổi khí hậu, năm nay tiếp tục là một năm rất nóng”. Có thể thấy, từ khi bắt đầu bước vào hè đến giờ (giữa tháng 7), đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Trung nước ta liên tục trải qua những ngày nắng nóng gay gắt với chỉ số tia UV lên kỷ lục.
Theo Thanh Niên đưa tin trước đó, tính từ đầu tháng 5, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước đều tăng ở mức từ 1 - 2,5 độ C, có những nơi cá biệt lên đến 3 độ C.
Vào thời điểm đầu hè này, nhiệt độ liên tục tăng nhanh. Đợt nắng nóng kỷ lục của tháng 5 từ 15- 21/5, nhiệt độ liên tục đạt ngưỡng 40- 41 độ C. Cụ thể một số nơi như: Lào Cai ( 41,8 độ C), Thanh Hóa (41,2 độ C), Hà Giang (40,4 độ C) và Hà Nội (40,9 độ C).
Tương tự như thế, nắng nóng tiếp tục kéo dài theo diện rộng vào tháng 6 và tháng 7. Đặc biệt, đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài 14 ngày đầu tháng 6. Nhiệt độ những ngày này luôn đạt ngưỡng 39 - 42 độ C. Và đây được coi là đợt nắng nóng có thời gian dài nhất tại Việt Nam trong suốt 27 năm vừa qua.
Điểm mặt những nguyên nhân tác động đến nền nhiệt nước ta
Do tự nhiên
Những yếu tố tự nhiên tác động trực tiếp đến nền nhiệt chính là sự thay đổi cường độ ánh sáng mặt trời, các hoạt động của núi lửa và đặc biệt xuất hiện các điểm đen mặt trời.
Do con người
Theo đánh giá khoa học của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, việc tiêu thụ năng lượng do đốt nhiên liệu trong ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng,… cũng góp khoảng một nửa vào sự nóng lên của toàn cầu. Đặc biệt là sự ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính.
Do nước biển dâng
Nghe có vẻ hơi vô lý nhưng đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi nhiệt độ. Bởi lẽ, mực nước biển tăng phù hợp với xu thế nóng lên do sự đóng góp của các thành phần chưa nước trên toàn cầu được ước tính gồm: giãn nở nhiệt của các đại dương, các sông bang trên núi, bang Greenland, băng Nam cực và các nguồn chứa nước trên đất liền.
Năm 2020 được dự đoán là năm có nhiệt độ nóng nhất
Theo thông tin từ Hà Nội Mới, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng thế giới - ông Petteri Taalas cho biết: “Thế giới đang đứng trước những thách thức trong việc đáp ứng thỏa thuận Paris về mục tiêu biến đổi khí hậu. Thỏa thuận này nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ XXI tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đồng thời, chúng ta cũng theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế nhiệt độ tăng trên 1,5 độ C”.
Nhiều người cho rằng sự suy giảm kinh tế và công nghiệp từ đại dịch Covid- 19 có tác động đến biến đổi khí hậu do giảm tải được nhiều lượng khí thải thải ra môi trường. Tuy nhiên, Tổ chức Khí tượng thế giới đã nhấn mạnh điều đó hoàn toàn không chính xác. Bởi lẽ, CO2 tồn tại được rất lâu trong khí quyển nên dù có giảm thải thì lượng CO2 đang tồn tại sẵn không thể mất đi được mà CO2 chính là nguyên nhân dẫn đến làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
Hiếu Thảo (Tổng hợp)
Theo Vietnamnet