Công an tỉnh Vĩnh Long vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Ngoại Giao (30 tuổi, ở xã Long An, huyện Long Hồ) để điều tra về tội Giết người.
Hành vi giết người của Giao bắt nguồn từ việc vợ anh này bị một nhóm người xông vào xịt hơi cay, khống chế rồi đưa lên ôtô. Khi nghe tiếng vợ la hét, Giao lao ra giải cứu. Bị xịt hơi cay vào mặt, Giao cầm thanh sắt đâm một người tử vong và làm 2 người khác thuộc nhóm bắt cóc bị thương.
Có nhiều quan điểm xoay quanh việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người chồng. Chúng tôi trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), người có nhiều năm làm điều tra viên, về việc khởi tố Trần Ngoại Giao.
Camera ghi lại không rõ hành vi
Để xác định Giao có phạm tội hay không, tội gì, theo luật sư Dũ cần phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh diễn biến hành vi của bị can này và những người liên quan.
Bị can Trần Ngoại Giao.
Theo camera tại quán cà phê của Giao ghi lại thì chưa rõ hành vi của Giao, chỉ ghi được hành vi của nhóm người bắt cóc diễn ra bên trong quán. Trong khi đó, hành vi của Giao diễn ra bên ngoài và camera của quán không ghi được. Do đó, phải sử dụng lời khai của Giao, người liên quan, người làm chứng, dấu vết thương tích của bị hại, hung khí... để xác định bản chất vụ án.
Với thông tin báo chí nêu thì chưa đủ cơ sở để đưa ra quan điểm pháp lý chuẩn xác được. Hiện tại, Giao bị khởi tố và bắt giam về tội Giết người. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu có đủ căn cứ xác định Giao thực hiện hành vi đâm bị hại thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng thì anh này sẽ được đình chỉ điều tra hoặc được toà án tuyên không phạm tội (nếu Giao bị đưa ra xét xử tại toà án).
Hoặc nếu có đủ căn cứ xác định Giao phạm tội khác như Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân thì Giao sẽ được thay đổi tội danh (chuyển sang tội khác nhẹ hơn tội Giết người).
Vậy khi nào thì Giao được xác định là phòng vệ chính đáng, khi nào là Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, khi nào là Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân?
Điều kiện để được xem là phòng vệ chính đáng
Điều kiện để xác định hành vi của Giao thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, gồm: Bị hại đang có hành vi tấn công Giao hoặc đang xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của vợ Giao; hành vi tấn công của bị hại đang diễn ra (đã diễn ra, đang còn diễn ra, chưa kết thúc); Giao thực hiện hành vi chống trả bị hại ở mức cần thiết, đủ để ngăn chặn hành vi tấn công của họ; mục đích Giao chống trả là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Giao (khi Giao đang bị tấn công) hoặc của vợ Giao (khi vợ Giao bị bắt lên ôtô).
Theo thông tin từ các cơ quan truyền thông, các đối tượng không có chủ ý tấn công, xâm hại Giao mà chỉ nhằm mục đích chính là bắt cóc vợ Giao. Khi thấy Giao xuất hiện, những người bắt cóc đã có hành vi xịt hơi cay nhằm cản trở Giao ngăn chặn hành vi bắt cóc của họ, để bắt cóc cho được vợ Giao theo đơn đặt hàng. D
o đó, diễn biến hành vi của nhóm bắt cóc đã thoả mãn điều kiện “đang có hành vi tấn công, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp" của Giao và người vợ.
Giao dùng hung khí đâm nhóm bắt cóc, làm cho một người chết và hai người bị thương. Hành vi của Giao là chống trả lại những người này để bảo vệ mình và vợ. Tuy nhiên, việc chống trả của Giao để được xác định là phòng vệ chính đáng phải đáp ứng điều kiện “chống trả lại một cách cần thiết”.
Việc xác định mức độ chống trả là “cần thiết” trong nhiều trường hợp rất khó khăn.
Hiện trường vụ việc xảy ra trên quốc lộ 53 qua huyện Long Hồ.
Trong vụ này, nếu nhóm người bắt cóc chỉ xịt hơi cay để thoát thân, để bắt cho được vợ Giao nhưng Giao dùng hung khí đâm họ dẫn đến làm chết một người và làm bị thương hai người, theo quan điểm của luật sư Dũ, hành vi đó là quá mức cần thiết.
Bởi mức độ nhóm người bắt cóc, tấn công Giao (xịt hơi cay) không đến mức đe doạ tính mạng của người đàn ông này. Vợ mình bị bắt lên xe, Giao cũng không có điều kiện để xác định họ đang xâm hại tính mạng vợ Giao (đương nhiên họ đang xâm hại quyền tự do về thân thể, tự do đi lại của vợ Giao). Nhưng, Giao dùng hung khí đâm họ dẫn đến chết người và gây thương tích là quá mức cần thiết để bảo vệ mình và vợ.
Trường hợp nhóm bắt cóc sử dụng hung khí, vũ khí tấn công Giao đến mức đe doạ đến tính mạng, thì hành vi chống trả gây chết người và thương tích cho nhóm người bắt cóc mới có thể xem xét là hành vi chống trả ở mức “cần thiết”, là điều kiện thứ hai của phòng vệ chính đáng.
Tuy nhiên, vụ này, Giao đâm tới 3 người nên cần phải xét hành vi tấn công của từng người bị đâm tới mức độ nào, có người nào không còn tấn công Giao nữa nhưng Giao vẫn đâm hay không?
"Từ sự phân tích trên, cùng với thông tin về vụ án thông qua báo chí, đến thời điểm này, tôi cho rằng Giao khó đủ điều kiện để được xem là phòng vệ chính đáng", luật sư Dũ nêu quan điểm.
Khó xác định trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
Về dấu hiệu tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, điều kiện để áp dụng tội này là: Người bị hại có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với Giao hoặc người thân thích của Giao; Giao thực hiện hành vi giết người do hành vi trái pháp luật đó (phải có hậu quả chết người); hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại làm cho Giao bị kích động mạnh về tinh thần; Giao không còn đủ khả năng nhận thức mức độ nguy hiểm hành vi tấn công của mình và không đủ khả năng điều khiển hành vi của mình.
Trong vụ này, người bị hại rõ ràng là có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng gồm: Bắt cóc vợ Giao, tấn công Giao khi Giao ra ngăn chặn. Vấn đề còn lại là xét mức độ kích động tinh thần của Giao khi thực hiện hành vi đâm người bị hại. Đây cũng là một vấn đề không dễ dàng.
Để xác định mức độ kích động mạnh về tinh thần, cần xét hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại; diễn biến hành vi từ đầu cho đến khi kết thúc của Giao; trạng thái tâm lý của Giao khi thực hiện hành vi đâm bị hại; đặc điểm tính khí của Giao...
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của bị hại trong tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có một số điểm khác với hành vi xâm hại trong tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Cả hai trường hợp thì bị hại đều có hành vi trái pháp luật, xâm hại người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội. Hành vi của bị hại trong tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ phải thoả mãn tiêu chí “đang diễn ra”. Hành vi của bị hại ở tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động có thể đang diễn ra hoặc đã kết thúc (thường chỉ được xét khi mới vừa kết thúc. Nếu đã kết thúc một khoảng thời gian tương đối lâu thì không xem xét tội danh này).
Về mức độ nguy hiểm đối với hành vi của bị hại cùng thuộc trường hợp “đang diễn ra” thì trong tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ có tính chất nguy hiểm cao hơn, quyết liệt hơn, cần thiết phải bị chống trả để ngăn chặn hậu quả nên luật cho phép chống trả ở mức cần thiết.
"Trong vụ này, tôi cho rằng nên xét hành vi phạm tội của Giao có phải là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không để áp dụng cho bị can. Vì tội danh này nhẹ hơn tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Trước tình trạng tội phạm manh động, liều lĩnh diễn ra trong xã hội hiện nay, với hành vi chống trả của Giao, tôi chỉ dám hy vọng Giao được xác định là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, được thay đổi tội danh nhẹ hơn tội Giết người. Qua đó cũng làm bài học cảnh tỉnh cho những kẻ hoạt động theo kiểu 'xã hội đen', băng nhóm lưu manh, côn đồ", luật sư Dũ bày tỏ.
Theo Zing