Vì sao thể thao Triều Tiên thành công rực rỡ sau khi tái xuất?-1

Những kỳ tích mang tên Triều Tiên

Chứng kiến đội tuyển nữ Triều Tiên giành chiến thắng trước Hàn Quốc (vừa dự World Cup nữ 2023), không ít người cảm thấy giật mình.

Trong những năm gần đây, bóng đá nữ Triều Tiên gần như "mất tích" ở các giải đấu quốc tế vì ảnh hưởng của Covid-19. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng sức mạnh tiềm tàng của đội tuyển nữ Triều Tiên lớn tới như vậy.

Tới vòng bán kết, đội tuyển nữ Triều Tiên đã biến trận đấu với Uzbekistan giống như một cuộc dạo chơi với chiến thắng tới 8-0.

Họ còn trận chung kết với đội tuyển nữ Nhật Bản ở phía trước. Còn gì tuyệt vời hơn với những người Triều Tiên nếu như họ kết thúc với tấm huy chương vàng (HCV) lịch sử.

Vì sao thể thao Triều Tiên thành công rực rỡ sau khi tái xuất?-2
Đội tuyển bóng đá nữ Triều Tiên gặt hái thành công ở Asiad 19 (Ảnh: Getty).

Ở môn bóng đá nam, Triều Tiên chỉ chịu dừng bước ở tứ kết sau thất bại đầy tranh cãi trước Nhật Bản. Đó thực sự là kỳ tích mà nhiều đội bóng có sự chuẩn bị tốt chưa chắc đã đạt được.

Sự trở lại mạnh mẽ của thể thao Triều Tiên thực sự là nét chấm phá ở Asiad 19. Họ đã khiến tất cả nhắc tới mình không phải vì quốc gia bí ẩn nhất thế giới, thay vào đó là những VĐV và tấm HCV vô cùng xuất sắc.

Kỳ Asiad 19 mới là lần đầu tiên, VĐV cử tạ Kang Hyong Yong bước ra sân chơi quốc tế. Thế nhưng, cô khiến tất cả ngỡ ngàng khi phá tới 9 kỷ lục (ba kỷ lục thế giới, ba kỷ lục châu Á và ba kỷ lục Asiad) với thành tích cử giật là 103kg, cử đẩy 130kg và tổng cử 233kg ở nội dung 55kg của nữ.

Triều Tiên còn gây sốt khi VĐV Ri Song Gum giành tấm HCV ở nội dung 49kg nữ.

Cô gái có chiều cao hơn 1,4m này tiếp tục cho thấy đẳng cấp khi giành HCV và phá tới 6 kỷ lục, trong đó có kỷ lục thế giới vừa được Jiang Huihua xác lập ở giải vô địch thế giới ở Saudi Arabia ba tuần trước.

Vì sao thể thao Triều Tiên thành công rực rỡ sau khi tái xuất?-3
Các VĐV Triều Tiên lập hàng loạt kỷ lục ở môn cử tạ (Ảnh: Hangzhou2022).

Kim Ilgyong cũng là VĐV đáng chú ý khác của Triều Tiên khi giành HCV phá 5 kỷ lục ở nội dung 59kg nữ.

Tính tới sáng 5/10, Triều Tiên đã vươn lên xếp thứ 8 chung cuộc với 8 HCV, 10 HCB, 8 HCĐ. Không chỉ có cử tạ, các môn khác như boxing, thể dục dụng cụ, bắn cung đều mang về tấm HCV cho đoàn Triều Tiên.

Và còn một điều cần phải nhắc tới, Triều Tiên chỉ tham dự 19 nội dung thi ở 6 môn thi đấu tại Asiad 19. Điều đó cho thấy tỷ lệ giành HCV rất cao của đoàn thể thao này.

Bí quyết thành công của Triều Tiên

Sau khi Triều Tiên không tham dự Olympic 2020 (diễn ra vào năm 2021), tờ DW có bài viết lo ngại thể thao của đất nước này sẽ tụt dốc vì đóng cửa quá lâu. Thế nhưng, sự trở lại ở Asiad 19 là minh chứng hùng hồn về sức mạnh của thể thao Triều Tiên.

Không ít người mường tượng về những điều bí ẩn, lạ lùng của nền thể thao đóng cửa với thế giới bên ngoài trong suốt 4 năm qua nhưng vẫn gặt hái được thành công tốt, thậm chí là ngoài sự mong đợi.

Thế nhưng, những người Triều Tiên muốn chứng minh rằng không có sự bí ẩn hay phép màu nào cả. Bí quyết của họ chỉ được gói gọn trong vài từ, đó là khổ luyện, suy nghĩ tích cực và thể hiện tinh thần thép của Triều Tiên.

Vì sao thể thao Triều Tiên thành công rực rỡ sau khi tái xuất?-4
Bí quyết thành công của các VĐV Triều Tiên nằm ở sự khổ luyện, luôn cố gắng phá vỡ giới hạn bản thân (Ảnh: Getty).

Thắc mắc của nhiều người đã được VĐV Ri Song Gum giải đáp sau khi giành tấm HCV cử tạ: "Tôi cảm thấy sự khổ luyện của mình trong không hề vô ích. Chẳng có gì bí mật cả.

Trong những năm qua, chúng tôi chỉ nỗ lực tập luyện trong nước. Chúng tôi không được cọ xát ở các giải đấu quốc tế nhưng vẫn tham dự các giải đấu khó khăn trong nước".

Và khi từng cá nhân với ý chí, quyết tâm và khao khát đã giúp nhau tự cọ xát và đẩy giới hạn của mình xa hơn. VĐV Kim Ilgyong chia sẻ: "Chúng tôi khổ luyện giống như nhiều VĐV khác tham dự Asiad.

Chúng tôi được tập luyện ở những địa điểm tuyệt vời. Tất cả cùng nhau tận tâm hướng tới thành tích tốt nhất".

Chẳng có gì mạnh mẽ hơn sự gắn kết và cùng nhau thể hiện ý chí và tinh thần của dân tộc. Những VĐV như Ri Song Gum, Kim Ilgyong hay "lính mới"' Kang Hyong Yong đều thấm nhuần điều đó ngay từ khi theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.

Hình ảnh những VĐV giơ tay chào theo phong cách lính trên bục nhận huy chương chính là tiếng nói đanh thép của người Triều Tiên.

Giới truyền thông ở bên ngoài Triều Tiên từng thêu dệt lên câu chuyện về việc những VĐV phải đi lao động cải tạo nếu thất bại ở đấu trường quốc tế.

Nhưng theo Christopher Green, học giả tại Đại học Leiden ở Hà Lan, người từng xuất hiện ở Triều Tiên, đó là câu chuyện không có thật.

Ông Green mô tả: "Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những cầu thủ Triều Tiên thất bại ở World Cup 2010 bị đưa tới trại lao động".

Bên cạnh đó, ông Green còn nhấn mạnh bí quyết thành công của thể thao Triều Tiên nằm ở sự nghiêm túc.

Vì sao thể thao Triều Tiên thành công rực rỡ sau khi tái xuất?-5
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un là người rất đam mê thể thao, đặc biệt bóng đá (Ảnh: BR).

Ông nói: "Người Triều Tiên nhận ra lợi thế cạnh tranh ở một vài môn thể thao. Điều quan trọng, họ đã thực hiện lộ trình phát triển các môn thể thao thế mạnh rất nghiêm túc".

Sự nghiêm túc ở đây có thể hiểu là việc đầu tư bài bản, phát triển có tính kế thừa và luôn cố gắng phá vỡ giới hạn của bản thân.

Theo nhà nghiên cứu Green, nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un là người rất đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá. Chính vì lẽ đó, ông đã biến môn thể thao này trở thành bắt buộc trong trường học.

Ông Green nói thêm: "Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2012, các chương trình giáo dục thể chất ở đất nước này tập trung nhiều hơn vào bóng đá.

Mỗi trường học đều thành lập các đội bóng đá và được huấn luyện bài bản. Ở đó, những cậu bé tài năng nhất sẽ được đưa vào huấn luyện chuyên sâu tại Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng.

Sau đó, họ có thể lên tập trung đội tuyển quốc gia hoặc được cử ra nước ngoài đào tạo (như Han Kwang Song)".

Không khó để chứng kiến cảnh tượng nhóm học sinh chơi bóng trên sân cát ở nhiều địa điểm tại Triều Tiên. Ông Chong Yong Jin (57 tuổi) là HLV có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở các trường trung học.

Người đàn ông này tự hào tuyên bố: "Tôi có thể đào tạo ra những cô gái đá bóng giỏi hơn các chàng trai".

Tới đây, không ngạc nhiên khi Triều Tiên sở hữu đội tuyển nữ mạnh tới vậy so với tầm châu Á và thế giới.

Kim Chol Ung (50 tuổi) từng có kinh nghiệm chơi bóng cho đội công ty xe điện ở giải hạng Hai Triều Tiên. Giờ đây, ông bắt đầu với công tác sàng lọc những cầu thủ trẻ.

Người đàn ông này chia sẻ: "Mỗi tỉnh có 50 trường và có 50 đội bóng riêng. Chúng tôi tới từng tỉnh để săn lùng những cầu thủ giỏi nhất. Tôi có 500 đứa trẻ ở độ tuổi từ 7 đến 16 tuổi".

Vì sao thể thao Triều Tiên thành công rực rỡ sau khi tái xuất?-6
Một buổi huấn luyện ở trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng (Ảnh: BR).

Thành công của thể thao Triều Tiên không phải tới từ ngày một, ngày hai. Có một điều ít người quên mất rằng họ đã thành công từ trước khi đóng cửa vì Covid-19. Đội tuyển bóng đá nam Triều Tiên hai lần góp mặt World Cup vào các năm 1966, 2010.

Ở kỳ Olympic Rio 2016, đoàn Triều Tiên đã giành 7 huy chương (trong đó có 2 HCV). Hay tại Asiad 18, Triều Tiên cũng đạt tổng số 37 huy chương (trong đó có 8 HCV).

Nói vậy để thấy, thể thao Triều Tiên đã xây nền khá chắc chắn. Vượt qua những khó khăn về kinh tế, điều kiện thiếu thốn, họ vẫn vươn lên mạnh mẽ nhờ sự phát triển bài bản, nghiêm túc cũng như tinh thần và ý chí quật cường của từng VĐV.

Theo Dân Trí