Như đã đưa tin về sự việc 18 học sinh của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bị ngộ độc sau khi dùng trà sữa và trái cây lắc được khoảng 15 phút, phải nhập viện cấp cứu.
Theo đó, khoảng 15 gờ 30 phút chiều 30/3, giáo viên phát hiện cháu N.N.N.T. (học sinh lớp 5C) có triệu chứng đau đầu, nôn mửa kèm theo đau bụng.
Sau đó, 17 học sinh cùng lớp khác cùng có triệu chứng tương tự nên nhà trường đã đưa 18 học sinh này nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Điện Bàn.
Món trà sữa có nguồn gốc tại một cơ sở ở khu phố chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên); món trái cây lắc do các cô trong trường mua trái cây ở chợ rồi tự chế biến ở nhà mang tới cho các em ăn mừng liên hoan hội trại.
Tổng cộng có 34 học sinh sử dụng món ăn, có 16 học sinh không có triệu chứng.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, sức khỏe 18 học sinh bị ngộ độc thức ăn đã ổn định, trong hôm nay đơn vị sẽ cho phép những em khỏe được về nhà.
Trà sữa là loại thức uống cần được bảo quản lạnh và sử dụng trong thời gian ngắn. Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, cho biết ngộ độc thức ăn chia thành hai nhóm lớn: do nhiễm khuẩn, nhiễm hoá chất.
Nhiễm khuẩn khi thực phẩm không được bảo quản đúng cách, để nhiều ngày dẫn đến ôi thiu khi sử dụng sẽ làm tăng khả năng nhiễm khuẩn. Nhiễm hoá chất là do quá trình chế biến có cho thêm những loại phụ gia, dung dịch hoá học, hay trong khi trồng cây ăn quả sử dụng lượng lớn thuốc trừ sâu, phân bón vượt chuẩn cho phép.
Theo Người Lao Động