Trà sữa là một trong thức uống quen thuộc hiện nay với nhiều bạn trẻ. Thậm chí, một số người coi việc uống trà sữa như một thói quen.
Nên dù thức uống này có giá không hề rẻ nhưng sinh viên, dân văn phòng vẫn thường xuyên uống. Tuần đi làm 5 ngày thì 4 ngày đồng nghiệp rủ uống trà sữa.
Trà sữa trân châu là món đồ uống được giới trẻ yêu thích. (Ảnh: VnEconomy)
Mới đây, nghiên cứu của Momentum Works và Qlub (Singapore) hồi giữa tháng 8 đã chỉ ra số tiền người tiêu dùng Đông Nam Á chi cho loại thức uống này là 3,66 tỉ USD/năm (khoảng 86 nghìn tỷ đồng).
Với kết quả khảo sát đó, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á khi chi tới 362 triệu USD (khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng) để mua trà sữa trân châu.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn trà sữa trong mỗi lần tụ tập bạn bè. (Ảnh: Thanh Niên/Vnexpress)
Với nhiều người, trà sữa trân châu như một món đồ uống quen thuộc, được mua như một thói quen cho bữa trà chiều.
Chị P, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết cứ khoảng 3 giờ chiều mỗi ngày là chị lại cùng đồng nghiệp đặt một cốc về uống. Mỗi cốc sau khi áp mã giảm giá chị sẽ phải trả khoảng 45.000 đồng.
Trà sữa dường như đã trở thành một thức uống phủ sóng ở nhiều quốc gia. (Ảnh: Pinterest)
Với một số người, trà sữa như một thứ đồ uống giúp tỉnh táo, nâng cao tinh thần hơn sau những giờ làm việc vất vả.
Chị D. chia sẻ: "1 tuần mình đi làm 5 – 6 ngày thì có tới 4 buổi đồng nghiệp rủ uống trà sữa. Mình có thói quen này và khi họ rủ mình cũng đồng ý đặt cho vui. Đôi lúc cảm thấy mất tinh thần, uống trà sữa giúp mình thấy tỉnh táo, có thêm động lực làm việc tốt hơn".
Mỗi cốc trà sữa có giá khác nhau, phụ thuộc vào thương hiệu, nguyên liệu và nhiều yếu tố khác. (Ảnh: Pinterest)
Mức chi phí chị trả cho món đồ uống quen thuộc này không cố định, tùy thuộc vào mức thu nhập. Nếu đầu tháng, khi vừa nhận lương chị sẽ chọn những quán giá cao hơn, những ngày còn lại chị sẽ giảm thiểu chi phí.
Nghề pha chế trà sữa cũng trở nên phổ biến và tiềm năng trước sức hút của món đồ uống này. (Ảnh: NDH)
Với nhiều người, dù biết món đồ uống này không thực sự tốt cho sức khỏe nhưng vì vị ngọt cùng với cảm giác dai dai của trân châu nên thường xuyên uống.
Một khảo sát với 150 người dùng ngẫu nhiên và cho thấy có tới 58,7% người tham gia khảo sát thỉnh thoảng uống trà sữa, mức độ thường xuyên là 24,7%, số người không bao giờ uống trà sữa chỉ vào khoảng 2%, một con số rất nhỏ.
Có tới 58,7% người tham gia khảo sát thỉnh thoảng uống trà sữa. (Ảnh: Thanh Niên)
Có nhiều người 1 tháng chi tới 1 triệu đồng cho tiền trà sữa. Chị H. - nhân viên tại một công ty tại TP.HCM cho biết: “Từ hồi sinh viên đến khi đi làm mình vẫn duy trì thói quen uống trà sữa. Đi làm có lương nên mình cũng không ngại mua những ly trà sữa giá cao hơn hồi đi học.
Mình từng uống ly trà sữa đắt nhất là 85.000 đồng bao gồm nhiều topping đi kèm. Hễ tuần nào không uống trà sữa mình sẽ thấy khó chịu và mọi người thường đùa là 'trà sữa vật". Mình sợ tăng cân nên sẽ chăm tập thể dục để tiêu hao calo do uống trà sữa”.
Các quán trà sữa thường xuyên đông khách ra vào, chủ yếu là các bạn trẻ. (Ảnh: Thanh Niên)
Bên cạnh nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên chính là đối tượng tiêu thụ trà sữa nhiều nhất.
Bên cạnh vị ngọt, ngậy mà trà sữa đem lại khiến nhiều người mê mẩn, các quán trà sữa thường có nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách.
Chính vì vậy, không khó hiểu khi thức uống này được nhiều người gọi là “đồ uống quốc dân” và tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ đồng của người dân Việt Nam.
Theo Thể thao và Văn hóa