Việc miệt thị ngoại hình có thể giữa bạn bè như Trấn Thành, Đức Phúc-1
Trấn Thành bị chỉ trích vì miệt thị ngoại hình Đức Phúc.

"Nhìn cái răng của Đức Phúc, tôi nghĩ làm con hải ly là hợp", Trấn Thành đưa ra nhận xét tại chương trình The Masked Singer (Ca Sĩ Mặt Nạ) phát sóng tối 22/10.

Câu nói của nam MC khiến anh bị khán giả chỉ trích vì body shaming (miệt thị ngoại hình). Tại chương trình, Đức Phúc không bàn luận về so sánh của Trấn Thành, nhưng trước đó, giọng ca sinh năm 1996 từng chia sẻ miệt thị ngoại hình là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của anh.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Trấn Thành bị chỉ trích vì body shaming người khác.

Trên sóng truyền hình, anh từng có những nhận xét không hay về ngoại hình của nhiều bạn bè, đồng nghiệp thân thiết như diễn viên hài Anh Đức, Lê Giang, Puka, ca sĩ Hương Giang...

Bị gia đình, bạn bè chế giễu ngoại hình

Đôi khi body shaming là sự miệt thị công khai, có chủ đích nhưng lắm lúc nó lại đến từ những người chúng ta thực sự thân thiết, yêu quý.

Chính cha mẹ có thể là người body shaming con cái khi hỏi con có "chắc chắn" muốn ăn miếng bánh bánh này hay không. Đó có thể là ông bà, những người luôn phàn nàn các cháu quá gầy gò, thân hình da bọc xương.

Bạn bè lâu năm cũng nhiều khả năng trở thành "thủ phạm" khi vô tình nhận xét về cân nặng và hỏi liệu bạn có còn chăm chỉ tập gym hay không.

Việc miệt thị ngoại hình có thể giữa bạn bè như Trấn Thành, Đức Phúc-2
Body shaming đôi khi ẩn chứa trong chính những lời nói tưởng như vô hại, thể hiện sự quan tâm. Ảnh: AFP.

Theo nghiên cứu được thực hiện từ ngày 26/8 đến 1/9 của công ty nghiên cứu thị trường OnePoll, hơn một nửa người Mỹ từng bị chính gia đình, bạn bè chế giễu ngoại hình. Khảo sát được thực hiện ngẫu nhiên với 2.000 người đang cố gắng giảm cân tại xứ cờ hoa.

Những lời nói mang tính body shaming chủ yếu đến từ bạn bè (51%), người yêu hoặc vợ/chồng (46%), thành viên gia đình (45%) hoặc bác sĩ (40%).

Những người được hỏi cũng tiết lộ rằng họ cảm thấy như thể mình không có ý chí (60%), rằng đó là lỗi của họ (55%) và bản thân lười biếng (52%). Tất cả đều là kết quả của body shaming.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi 65% sẵn sàng thử mọi cách để giảm cân, bất kể phương pháp này có vẻ cực đoan hoặc không hợp lý đến mức nào.

Gần 14.000 thành viên của WW (trước đây là Weight Watchers) ở 6 quốc gia (Australia, Canada, Pháp, Đức, Anh và Mỹ) đã được khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7/2020 về trải nghiệm với sự kỳ thị cân nặng và ảnh hưởng của nó đối với giá trị bản thân và sẵn sàng tìm kiếm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Kết quả, hơn một nửa số người trưởng thành thừa cân được khảo sát bị chính gia đình, bạn bè, bạn học và đồng nghiệp chế giễu ngoại hình. Điều này dẫn đến việc tự đổ lỗi cho bản thân và trốn tránh việc chăm sóc sức khỏe.

Tương tự, nghiên cứu được công bố giữa năm ngoái trên International Journal of Obesity cho thấy 76-88% những người được khảo sát đã từng bị cha mẹ, anh chị em hoặc thành viên khác trong gia đình miệt thị cân nặng (fat shaming), chủ yếu là trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên.

Trò chuyện thẳng thắn hay chấm dứt quan hệ độc hại

Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự chế giễu ngoại hình từ những người thân thiết có nhiều mức độ từ vô tư, góp ý cho đến chê bai, trêu chọc, chỉ trích gay gắt.

Những nhận xét có ý chê bai rõ ràng đưa đến hậu quả lâu dài có thể dễ dàng nhìn thấy.

Nhưng ngay cả bình luận tưởng như có mục đích tốt, thể hiện sự quan tâm vẫn khiến người nhận chịu tổn thương. Miệt thị ngoại hình, dù cố tình hay vô tình, ác ý hay thiện chí, đều không ổn.

"Khoảng 22% đến 30% mọi người cho biết họ bị kỳ thị cân nặng lần đầu tiên vào năm 10 tuổi, nhưng sự kỳ thị của gia đình vẫn tồn tại theo thời gian, cho đến khi trưởng thành", Puhl, phó Giám đốc trung tâm chính sách lương thực và béo phì tại Đại học Connecticut, cho hay.

Việc miệt thị ngoại hình có thể giữa bạn bè như Trấn Thành, Đức Phúc-3
Body shaming từ những người thân thiết còn độc hại hơn vì khiến nạn nhân mất ý chí, đổ lỗi cho bản thân. Ảnh: EPA.

Theo nhà tâm lý học và tác giả Emily Sandoz, trợ lý giáo sư tại Đại học Louisiana, khi đối mặt với những người thân thiết luôn chế giễu ngoại hình, bạn cần suy nghĩ về mối quan hệ với người này.

"Hãy nghĩ xem bạn thực sự cảm thấy thế nào về mối quan hệ này. Cần nhớ bạn có thể lựa chọn các mối quan hệ của mình".

Trong trường hợp, "thủ phạm" là người thực sự thân thiết và bạn rất yêu quý, hãy tìm cách nói chuyện thẳng thắn.

Nhà trị liệu hình ảnh cơ thể Sarah Herstich phân tích: "Trước hết, bạn cần trình bày chính xác những gì đã xảy ra, không sử dụng các thuật ngữ cảm tính hoặc phán xét.

Sau đó, hãy để người đó biết rằng lời nói của họ đang thực sự tác động đến bạn như thế nào. Cuối cùng, bạn cần nói rõ ràng những gì bạn cần và muốn từ họ.

Ví dụ, bạn có thể nói: 'Khi bạn nhận xét về cân nặng của tôi, tôi bị tổn thương và cảm thấy như bạn chỉ quan tâm đến vẻ ngoài hơn tất cả những điều khác đang diễn ra trong cuộc sống của tôi.

Tôi muốn bạn ngừng nhận xét về cân nặng của tôi và hỏi nhiều hơn về sự nghiệp hoặc hạnh phúc của tôi'".

Tuy nhiên, nếu trò chuyện vẫn không giúp giải quyết được vấn đề, bạn có thể cứng rắn hơn, vạch rõ giới hạn.

"Bạn phải có khả năng nói: 'Tôi quý người này nhưng họ lại độc hại đối với tôi. Vì vậy, mặc dù tôi yêu họ, tôi vẫn có thể chấm dứt mối quan hệ này'.

Đó là quyết định thực sự khó khăn và đối với nhiều người, nhưng là lựa chọn đúng đắn", nhà trị liệu Andrew Walen, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Trung tâm Trị liệu Hình ảnh Cơ thể, kết luận.

Herstich đồng ý với quan điểm này. "Bạn có thể nói: 'Nếu bạn không thể ngừng nói những điều này, tôi sẽ hạn chế liên lạc hay gặp mặt vì nó thực sự gây hại với tôi'. Điều đó không giống như bạn đã biến mất khỏi cuộc sống của họ, nhưng họ biết vấn đề thực sự nghiêm trọng.

Hãy để mọi người biết họ nhìn thấy hậu quả của body shaming và chịu trách nhiệm về lời nói của mình".

Theo Zing