Viêm da dị ứng và cách trị

Viêm da dị ứng (VDDƯ) là một bệnh mạn tính về da. Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và cần dùng thuốc phù hợp để điều trị.

Vì sao bị viêm da dị ứng?

VDDƯ là biểu hiện tổn thương da của một dạng dị ứng. Có nhiều nguyên nhân gây VDDƯ như: di truyền, khi cả cha và mẹ đều bị VDDƯ thì trên 80% các con đều có biểu hiện bệnh; nếu chỉ có cha hoặc mẹ bị bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh của các con là hơn 50%. Việc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường... cũng là yếu tố gia tăng VDDƯ.

Viêm da dị ứng và cách trị-1

Biểu hiện VDDƯ là các tổn thương gồm có nốt sần, vết giống ban đỏ và mụn nước. Mụn nước có thể kết tụ lại tạo thành mảng; nhiều tổn thương do nhiễm khuẩn và trầy da, thể hiện thành rỉ nước và đóng vảy. Ở trẻ sơ sinh có thể bệnh đặc trưng là vết đốm viêm rỉ nước và màng đóng vảy xuất hiện trên mặt, cổ và bẹn.

Trong khi ở trẻ em và thiếu niên, thể bệnh lại hay gặp là viêm da nếp gấp, nhất là ở các hố trước xương trụ và hố khoeo. Người lớn mắc viêm da dị ứng thường có tổn thương khu trú, biểu hiện dưới dạng chàm bàn tay hoặc lichen đơn mạn tính.

Thuốc nào điều trị?

Các corticoid bôi da

Là một trong những yếu tố chủ chốt để chống viêm da, rất cần thiết khi bệnh nhân đang ở đợt kịch phát. Hay dùng các hoạt chất như betamethasol, hydrocortisol, fluticason... Các thuốc này có tác dụng chống viêm do làm co mạch, ức chế các chức năng của bạch cầu và làm biến đổi các phản ứng miễn dịch.

Chúng cũng có tác dụng chống tăng sinh làm hạn chế sự tổng hợp collagen. Tuy nhiên, về lâu dài thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ kiểu như teo da. Thường bôi ngày một lần cho tới khi đỡ, khoảng 10 ngày. Nên bôi vào buổi tối để giữ thuốc tại chỗ được lâu hơn. Bôi hai lần mỗi ngày không có lợi ích gì thêm (trừ trường hợp một số thể eczema lichen hóa) nhưng lại làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.

Những loại glucocorticoid có tác dụng mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tại những vùng dày sừng, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng. Sự ngấm thuốc qua da tăng cao trong trường hợp da bị thương tổn lớn.

Tác dụng phụ có thể gặp là teo da, giãn mạch, rạn da, rậm lông, giảm sắc tố, bội nhiễm. Tác dụng toàn thân, nhất là với trẻ em có thể dẫn đến hội chứng dạng Cushing dẫn đến chậm lớn, thậm chí suy thượng thận trong trường hợp ngừng đột ngột sau khi dùng lượng lớn loại corticoid bôi da mạnh.

Chiếu tia cực tím tại chỗ

Viêm da dị ứng và cách trị-2

Được sử dụng trong những trường hợp nặng và không đáp ứng với các điều trị bằng thuốc. Tác dụng phụ hay gặp là nổi ban đỏ, rát và ngứa da, rối loạn sắc tố.

Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin có tác dụng chống ngứa, cắt đứt vòng xoắn gãi - ngứa - gãi. Nhóm thuốc này thường dùng đường uống, có cả dạng siro cho trẻ em, dạng viên cho người lớn, với hai thế hệ: Kháng histamin thế hệ 1 như chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin dùng vào buổi tối.

Thuốc này có tác dụng phụ gây buồn ngủ vì vậy không được dùng cho người lái tàu xe, vận hành máy móc, không nên uống ban ngày. Thế hệ 2 như các thuốc: loratadin, certirizin, fexofenadin... có thể uống ban ngày, tuy nhiên tác dụng chống ngứa và chống dị ứng kém hơn thế hệ 1.

Các trường hợp VDDƯ  có nhiễm khuẩn cần sử dụng thêm kháng sinh bôi như: fucidin, neomycin, mupirocin... hoặc uống như oxacillin, cloxacillin, cephalexin...

Trong trường hợp bị khô da cần sử dụng những thuốc làm dịu có tác dụng làm ẩm da và tái lập lớp hydro lipid của da. Nên chọn loại kem trung tính, không có chất thơm hoặc chất bảo quản. Loại kem này phải chứa các chất có khả năng thâu tóm và giữ nước ở vùng lớp sừng. Trong những đợt kịch phát, bệnh gây ngứa rất nhiều ở những vết thương tổn. Vì vậy, cần thiết phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ.

Các lưu ý trong quá trình điều trị

Bệnh VDDƯ gây khó chịu, nhiều biến chứng nếu dùng thuốc không đúng quy định. Cần chăm sóc về mặt tâm lý và nên chú ý đến điều kiện sống và môi trường sống. Cuộc sống gia đình hài hòa, ít stress giúp con người ít bị một số thể dị ứng. Cần làm vệ sinh nhà ở thường xuyên. Nhà ít có bọ, bụi nhà, mát mẻ, khô ráo. Nên tắm biển hoặc tắm suối nước nóng rất có lợi cho điều trị VDDƯ.

Cần kết hợp điều trị đúng cách kèm theo các biện pháp phòng bệnh, tránh các đợt tái phát và bệnh nặng hơn là điều rất quan trọng. Nên sử dụng các loại sản phẩm giúp giữ ẩm, mềm da, dịu da và tái lập lớp hydro lipid của da như mỡ vaselin, cream urea... giúp khôi phục hàng rào bảo vệ da, chống ngứa, có tác dụng giữ ẩm giúp cho da không bị mất nước, khô, nứt nẻ, giúp phục hồi da.

Nên chọn loại kem trung tính, không có chất thơm hoặc chất bảo quản. Loại kem này phải chứa các chất có khả năng thâu tóm và giữ nước ở vùng lớp sừng. Nên mặc đồ bằng cotton. Tránh thức ăn gây dị ứng. Không cào gãi làm trầy xước da, không tắm rửa nhiều lần trong ngày, tránh tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa...

Theo Sức khỏe và đời sống


triệu chứng dị ứng dị ứng

Tin tức mới nhất