Người vợ xác định ưu tiên việc sinh con và chăm dưỡng cho con những năm đầu đời nên mấy năm đầu chung sống, vợ chồng cô rất hoà thuận. Cô lau nhà sạch sẽ vì sợ con lê la mất vệ sinh.

Cô thu dọn nhà cửa ngăn nắp để tránh mọi nguy hiểm cho con. Cô luôn vào bếp để dành thời gian nấu đổi món cho con. Cô giặt quần áo vì phải chia đồ nhiều loại để giặt các mẻ khác nhau… 

Vì vậy, sau một ngày đi làm về, chồng cô không phải chịu trách nhiệm bất kỳ việc gì, chỉ ngồi chơi với con một lúc, sau đó bế con sang phòng bà nội. Cả nhà ai cũng yên tâm vì cô tay năm tay mười lo chu toàn mọi việc.

Đến khi con đi học, mọi người trong nhà đều rảnh rỗi hơn. Người vợ nhận ra, thói quen trước đây của mình đã tạo ra cảnh cả nhà ngồi chơi, chỉ mình cô vẫn như con thoi làm hết mọi việc.

Chồng cô nghiễm nhiên tin rằng "phụ nữ là phải chăm lo nhà cửa" và không làm việc nhà. Khi nhà cửa bừa bộn hoặc con cái không được chăm sóc chu đáo, chồng cô còn chỉ trích vợ không làm tròn trách nhiệm.

Việc mỗi ngày cô phải thức dậy sớm nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái và lo hết mọi công việc trong nhà đối với chồng cô là bình thường. 

Vợ áp lực vì chồng gia trưởng-1

Người chồng cũng không tham gia việc dạy dỗ con nhưng lại yêu cầu con phải ngoan ngoãn, được học nhiều lớp năng khiếu. Con có vấn đề về hành vi, người chồng lại đổ lỗi cho vợ vì "không biết cách dạy con".

Không những thế, người chồng còn đòi hỏi vợ phải giữ vẻ ngoài hoàn hảo. Khi vợ có cơ hội để nghỉ ngơi hay giải trí, người chồng tìm cách ngăn cản hoặc gây khó dễ, cho rằng vợ cần phải toàn tâm toàn ý lo cho gia đình và không cần đến thời gian riêng.

Nghe đến đây thì chính Thanh Tâm cũng bắt đầu thấy "nóng trong người". Đó là sự tập trung trọn vẹn thói gia trưởng trong một người. Không cần biết những đóng góp tài chính của người chồng này như thế nào nhưng định kiến của anh ta đang bóp nghẹt người vợ trong gọng kìm của những định kiến và đòi hỏi vô lý. 

Thanh Tâm đã cùng người vợ vạch ra một số biện pháp lâu dài để "đối phó" người chồng gia trưởng. Trước tiên, người vợ cần xây dựng sự tự chủ, tự tin về tài chính và cuộc sống cá nhân. Khi người vợ có thể tự đứng vững, người chồng sẽ dần nhận thấy tầm quan trọng của việc tôn trọng ý kiến và vai trò của vợ.

Thay vì né tránh hoặc chịu đựng, người vợ nên trao đổi rõ ràng với chồng về cảm nhận và mong muốn của mình. Sự giao tiếp cởi mở sẽ giúp hai bên hiểu rõ hơn về những nhu cầu và suy nghĩ của nhau. 

Người vợ nên xác định những ranh giới về sự tôn trọng và đối xử bình đẳng, không để thói gia trưởng ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Cô có thể giúp chồng hiểu rõ hơn về bình đẳng giới, về vai trò của người vợ trong gia đình và xã hội. Điều này có thể thông qua những buổi trò chuyện, chia sẻ tài liệu hoặc cùng tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

Thay đổi một thói quen không dễ, vì vậy cần sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, người vợ cũng cần quyết liệt trong việc bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của mình. Cô đã tự nhận ra chính mình cũng góp phần hình thành thói quen xấu cho các thành viên.

Vậy cô hãy chủ động thay đổi chính mình, từ cách giảm bớt đòi hỏi mình hoàn hảo, đòi hỏi mọi việc chăm sóc nhà cửa phải làm tốt nhất có thể, đến việc yêu cầu các thành viên khác cùng mình chăm sóc, bảo vệ gia đình.

Việc giảm thói gia trưởng cần sự kiên trì từ cả hai phía và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Theo Phụ nữ Việt Nam