Mất khoảng thời gian quý báu để chữa đúng bệnh?
Chị Đỗ Vân Anh (35 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vợ của anh Đỗ Nguyễn Đại (42 tuổi) cho biết: "Vào tháng 7/2016 chồng tôi bị đau bụng dữ dội, nên gia đình đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu.
Tại đây bác sĩ đã khám, thử máu, siêu âm, chụp X-quang và CT ổ bụng. Sau đó, kết luận anh Đại bị viêm ruột thừa và chỉ định mổ nội soi. Chồng tôi điều trị tại đây được 4 ngày thì ra viện. Tuy nhiên, sau khi về nhà được 10 ngày, chồng tôi vẫn có triệu chứng đau bụng như trước khi mổ. Không yên tâm, tôi đưa chồng quay lại Bệnh viện Thanh Nhàn tái khám.
Chị Vân Anh buồn bã kể lại sự việc
Lần này bác sĩ kết luận anh Đại bị áp-xe ổ bụng nên ở lại để điều trị thêm 7 ngày. Thế nhưng, sau khi ra viện lần thứ hai, những triệu chứng đau bụng của anh Đại không hề thuyên giảm.
Ngày 6/9/2016, anh Đại tiếp tục vào Viện Quân đội 108 (Hà Nội) để khám thì bác sĩ ở đây chỉ khuyên anh về nhà chịu khó xoa bụng nhiều lần để không bị dính ruột.
Qua hơn một tháng, uống thuốc theo sự chỉ dẫn và kê đơn của bác sĩ, anh Đại không vẫn bị các cơn đau ở bụng bên phải hành hạ.
Đến ngày 10/10/2016, anh Đại kêu đau bụng dữ dội nên gia đình lại đưa anh vào viện Đại học Y Hà Nội để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định anh bị viêm đại tràng và được kê thuốc về nhà uống.
Ngày 20/10, anh Đại một lần nữa đến đăng ký khám dịch vụ ở Viện Đại học Y Hà Nội".
Giấy ra viện của bệnh nhân ở BV Thanh Nhàn
Qua thăm khám ban đầu, Giáo sư bệnh viện đã phát hiện có một khối u ở đại tràng và bệnh nhân bị thiếu máu. Sau khi được nội soi thì phát hiện anh Đại bị ung thư đại tràng.
“Hiện nay chồng tôi đã được bác sĩ Bệnh viện Việt Đức mổ cắt đại tràng. Tuy nhiên sau khi ra viện được 2 ngày thì lại sốt cao chưa rõ nguyên nhân nên lại phải nhập Viện Nhiệt đới Trung ương để tìm ra nguyên nhân gây sốt.
Quá đau về tinh thần, thể xác và vật chất khi gia đình chúng tôi phát hiện chồng tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Đối với bệnh nhân bị ung thư, chậm 1 tháng, bệnh đã tiến triển sang giai đoạn khác. Và vết mổ ruột thừa kia đã làm chồng tôi mất đến 3 tháng đi khắp nơi để tìm bệnh. Điều đó cũng đồng nghĩa ung thư đại tràng giờ đây đã chuyển sang giai đoạn 3.
Bệnh nhân Đại được chuyển qua nhiều bệnh viện
Hiện nay chồng tôi sút 10 kg sau 2 lần mổ trong vòng 3 tháng. Anh thường xuyên đau đớn, mệt mỏi, chán ăn, không ngủ được. Kinh tế gia đình cũng lâm vào cảnh khó khăn do anh Đại làm lao động chính trong nhà giờ bị bệnh tật nặng. Bản thân tôi chỉ là cán bộ công chức với đồng lương ít ỏi.
Tất cả tiền đều dồn vào chữa bệnh, cháu lớn phải gửi ông bà ngoại nuôi và được cô giáo cùng nhà trường hỗ trợ học phí. Đang từ một gia đình hạnh phúc, giờ đây nhà của chúng tôi là bệnh viện và luôn phải đối mặt với sự nguy hiểm về sức khỏe”, chị Vân Anh nghẹn ngào chia sẻ.
Ngày 17/11, trao đổi với PV, chị Vân Anh buồn bã cho hay, bản thân chị rất muốn có câu trả lời chính xác từ phía bệnh viện Thanh Nhàn về việc mổ ruột thừa ban đầu và không phát hiện u cho chồng chị. Chị đã viết tâm thư gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để mong bộ trường và những người có trách nhiệm quan tâm tới hoàn cảnh gia đình của mình.
Bệnh viện Thanh Nhàn: "Chúng tôi ưu tiên mổ cấp cứu"
Sau rất nhiều lần liên hệ với bệnh viện Thanh Nhàn để tìm hiểu sự việc, ngày 22/11, trao đổi với chúng tôi, Ths. BS Phùng Quốc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết: Bệnh nhân Đỗ Nguyễn Đại vào viện khám lúc rạng sáng ngày 22/7 trong tình trạng cấp cứu vì đau bụng quằn quại.
“Sau khi Bệnh viện tiếp nhận được thông tin từ phía báo chí, chúng tôi đã xác minh điều tra nhiều nguồn từ hồ sơ bệnh án, gặp trao đổi với bác sĩ trực ca ngày hôm đó… Kết quả là bệnh viện thăm khám lâm sàng theo đúng quy trình. Dựa vào kết quả lâm sàng, cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa, được chỉ định mổ cấp cứu”, ông Quốc Anh cho hay.
Bệnh viện Thanh Nhàn nơi bệnh nhân Đại đến thăm khám và được mổ ruột thừa
Theo BS Phùng Quốc Anh, qua báo cáo cận lâm sàng trước và sau khi mổ đối với bệnh nhân Đại gồm có: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cắt lớp, giải phẫu bệnh lý, bệnh phẩm sau mổ đều khẳng định bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp.
“Mổ ruột thừa là tính trạng cấp cứu ngoại khoa cần phải mổ ngay, kể cả trên nền tảng bệnh nhân có bệnh lý gì khác. Nếu chậm trễ sẽ nguy hiểm tới tính mạng", bác sĩ Quốc Anh phân tích.
Lý giải về việc người nhà bệnh nhân phản ánh sau mổ 10 ngày bệnh nhân tiếp tục bị đau và phải vào Bệnh viện Thanh Nhàn lần 2 để điều trị tiếp, Bác sĩ Phùng Quốc Anh cho rằng: “Do thời gian vào viện quá gần so với lần mổ ruột thừa cho nên bác sĩ thăm khám thường nghĩ có liên quan tới lần phẫu thuật trước".
Ông Quốc Anh cho biết các bác sĩ trong ca trực mổ cho anh Đại đã chẩn đoán đúng bệnh.“Bệnh lý u đường tiêu hóa rất khó xác định qua siêu âm. Chụp CT cũng phải bằng kỹ thuật đặc biệt mới phát hiện được. U đại tràng được xác định chuẩn xác nhất khi được nội soi. Nhưng sau mổ 10 ngày, bệnh nhân không thể nội soi được. Vẫn có trường hợp viêm ruột thừa trên nền bệnh nhân ung thư đại tràng. Nhưng khi bệnh nhân Đại đến với bệnh viện triệu chứng viêm ruột thừa nổi trội hơn nên bác sĩ mổ cấp cứu là đúng”, bác sĩ Phùng Quốc Anh khẳng định.
Theo Trí thức trẻ