Vì tò mò và không thể bỏ qua xu hướng mới nổi thời gian gần đây, vợ của Minh Đức quyết định đặt mua 2kg măng cụt xanh để làm món gỏi gà măng cụt. Tuy nhiên, người đóng vai trò quan trọng nhất lại là Đức.
Măng cụt xanh còn rất nhiều nhựa nên dính đầy lên tay anh. Vừa gọt, Đức vừa xả nước để đỡ dính. Mỏi lưng, nóng bức nhưng anh vẫn cố gọt cho nhanh để chiều vợ.
Tương tự gia đình Minh Đức, Hằng Vũ (Hà Nội) cùng chồng mất gần 2 giờ để gọt. Chồng Hằng đã thử rất nhiều cách để có thể gọt nhanh hơn. Tuy nhiên, phương pháp nào cũng mất khoảng 5-7 phút mới xong được một quả.
Vết thương của Minh Đức sau khi gọt măng cụt cho vợ (Ảnh: Dĩ An).
Lục đục chỉ vì... miếng ăn
"Ban đầu, tôi cảm thấy khó khăn. Nhưng sau một lúc, tôi nhận ra mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi mình gọt hai đầu rồi cắt vỏ, lấy xơ. Điều quan trọng là phải có con dao thật bén", Minh Đức chia sẻ với Dân trí cùng vẻ đầy tự tin.
Sau khi gọt xong, măng cụt được Đức trộn với gà do vợ anh xé sẵn, rồi cho thêm ít rau mùi, rau răm, hành phi, đậu phộng... Hai vợ chồng quyết định sẽ tiếp tục làm món này cho những mâm cơm tiếp theo. Bởi vị chua của loại quả xanh ăn rất "cuốn". Ban đầu, Đức còn sợ nó có vị chát vì quả chưa chín.
Tuy nhiên, không phải ai cũng khéo tay và nhẹ nhõm thở phào sau khi nhận nhiệm vụ như Minh Đức.
Bảo Minh (26 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM) cưới vợ chưa đầy một năm. Vì vụng về khoản vào bếp, anh rất áp lực khi bị vợ giao việc gọt măng cụt. Không muốn vợ ngồi lâu mỏi lưng, anh đành chấp nhận thử làm.
Do vừa gọt, vừa lẩm bẩm những câu tỏ ý không hài lòng, vợ Minh bực tức và cầm rổ măng cụt đang làm dở vứt vào sọt rác. Hành động này đã khơi mào cho cuộc chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng.
Món gỏi gà măng cụt nhận được sự quan tâm thời gian gần đây (Ảnh: Thái Khang Phạm).
"Tôi nghĩ mình sai khi càm ràm. Tuy nhiên, bà xã cũng chẳng vừa khi nói những câu không hay. Tôi đoán một phần cô ấy phát cáu do trời nắng nóng. Hơn nữa, cô ấy có thể đã nghĩ mình khổ sở khi suốt ngày phải nấu ăn và tôi chẳng giúp được gì", Minh tâm sự.
Bảo Minh chủ động hòa giải bằng cách gợi ý chở vợ xuống Bình Dương ăn gỏi gà măng cụt. Nhưng hiện tại, vợ anh vẫn còn giận. Cả hai không nhắc tới món ăn này nữa.
Với Tường Vi (26 tuổi, Hà Nội), cô phải đặt 10kg măng cụt xanh được quảng cáo có xuất xứ từ miền Tây. Vi muốn làm nhiều để đại gia đình mình có thể thưởng thức. Cô mua với giá 700.000 đồng (chưa kể phí vận chuyển). Khi nhận hàng, măng cụt xanh đã gần chín bởi thời gian nhận hàng khá lâu.
Tường Vi thử làm và thành quả không được như mong đợi. Quả gần chín khiến phần thịt hơi bị nhũn, vị ngọt, không còn chua.
Do dành nhiều thời gian lẫn chi phí để thử một món ăn đang trở thành trào lưu, Vi đã phản hồi lại người bán măng cụt. Hai bên có "lời qua tiếng lại". Bởi trước đó, người bán cam kết măng cụt vẫn còn xanh khi đến Hà Nội.
Đi Bình Dương chỉ để ăn gỏi gà
Để tránh những rắc rối không đáng có khi tự chế biến, nhiều bạn trẻ đã chọn cách đi xa để thưởng thức món gỏi gà măng cụt.
Thái Khang (TPHCM) chia sẻ với Dân trí: "Động lực lớn nhất khiến tôi chạy xe xuống Bình Dương để ăn gỏi chính là bản thân mong muốn có những sự trải nghiệm với ẩm thực Việt Nam. Tôi rất thích ăn các món đặc sản của vùng miền, muốn được thưởng thức mùi vị thực thụ của món gỏi gà măng cụt tại nơi nó ra đời".
Sau khi nghe lời giới thiệu của bạn bè là người bản địa, Khang chọn một quán nằm trên đường Lê Hồng Phong, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Bởi khách từ TPHCM xuống khá đông, anh đành phải chờ khoảng một tiếng mới có thể thưởng thức.
Trước đó, Thái Khang phải năn nỉ anh chủ quán để có thể đặt bàn tại quán. Biết chàng trai TPHCM lặn lội từ thành phố xuống, chủ quán đã không nỡ để anh ra về, dù 17h là thời gian đóng cửa.
Phần ăn của Khang bao gồm cháo và bánh phồng tôm, có giá khoảng gần 600.000 đồng. Anh cho rằng, món ăn này khiến anh cảm thấy công sức đi đường xa rất xứng đáng.
"Vị chua ngọt của trái măng cụt được đầu bếp trộn cùng thịt gà và hương vị đậm đà từ nước mắm. Nó tạo nên sự hòa quyện về cảm xúc cho thực khách. Món ăn này xứng đáng được nhiều người biết đến để đánh dấu cho câu chuyện về ẩm thực của Bình Dương", Khang tiết lộ.
Nhiều biến thể bắt đầu ra đời
Nói về sức hút của món gỏi gà măng cụt với Dân trí, đầu bếp Tuấn Anh - Ủy viên Hiệp hội đầu bếp Việt Nam - cho biết: "Gỏi gà măng cụt đã có tiếng từ xưa ở Bình Dương. Món ăn này hấp dẫn bởi măng cụt non kết hợp với gà luộc xé, trộn thêm rau và hành khô.
Điểm đặc sắc và thu hút nhất chính là vị chua của trái non. Năm nay, mọi người thấy sự kết hợp lạ lẫm nên rất tò mò. Từ đó, nó đã trở thành trend (trào lưu)".
Thành quả sáng tạo của đầu bếp Tuấn Anh (Ảnh: NVCC).
Đầu bếp Tuấn Anh cho rằng, món gỏi gà măng cụt còn dễ dàng trở nên phổ biến khi mọi người có thể biến tấu theo nhiều kiểu khác nhau. Điều này tránh tạo cảm giác ngấy cho những ai muốn ăn liên tiếp trong nhiều ngày.
Vì là chủ của một nhà hàng Thái có tiếng ở Hà Nội, Tuấn Anh đã thử đưa vào thực đơn món gỏi măng cụt, tai heo kết hợp với sốt. Anh dùng sốt Thái thay cho nước mắm và được khách hàng đón nhận nhiệt tình.
Thúy Nguyễn - founder của Bếp Foods - quyết định biến tấu một chút với gà ủ muối. Khi mới công khai món mới, cô đã rất lo lắng vì sợ mọi người không thấy hợp vị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cô "đầu tắt mặt tối" vì phải làm để trả 150-200 đơn cho khách mỗi ngày. Giá mỗi suất là 250.000 đồng.
"Măng cụt xanh rất khó mua. Chúng tôi phải tìm kiếm rất nhiều đầu mối và các vườn trong miền Tây. Cuối cùng, tôi cũng chọn được địa chỉ uy tín tại Bình Phước để lấy hàng nên mới đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho sản phẩm", Thúy Nguyễn chia sẻ.
Giống như nhiều người mới thử sức, đội ngũ nhân viên của Thúy cũng gặp khó khăn trong khâu gọt măng cụt. Họ vất vả gọt 5kg mới được 1kg ruột quả.
Măng cụt xanh kết hợp với gà ủ muối và trở thành nguyên liệu trong bún đậu (Ảnh: NVCC).
Hiện nay, nhiều bạn trẻ còn thử trộn gỏi gà với quả dâu da đất, thay vì măng cụt xanh.
Trà My (TPHCM) mua 10.000 đồng dâu da đất để trộn gỏi và kết quả cũng không làm cô thất vọng. Cô cho biết, bản thân nghe nói gọt măng cụt rất khó gọt nên hơi "rén".
Bác sĩ Trần Anh (Long Biên, Hà Nội) cũng rất bất ngờ sau khi gọi đồ ăn vào giờ nghỉ buổi trưa. Anh đã thấy măng cụt xanh được đặt trong hộp bún đậu.
Nổi lên gần một tháng nay, cơn sốt măng cụt xanh hiện chưa hạ nhiệt. Hiện tại, măng cụt xanh còn vỏ có giá dao động 50.000-80.000 đồng/kg. 450.000-800.000 đồng là giá cho măng cụt xanh đã gọt vỏ.
Theo Dân Trí