Tối cùng ngày, TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho hay, hiện công tác cấp cứu, khám chữa và điều trị của bệnh viện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước sạch.
Thậm chí, mất nước có thể ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ và người bệnh.
“Hôm nay (29.9), nước dự trữ của bệnh viện đã hết. Chúng tôi phải dừng tất cả các ca mổ chủ động, chỉ ưu tiên vào mổ cấp cứu. Hàng chục ca mổ cấp cứu có nguy cơ nhiễm trùng cao vì thiếu nước kiểm soát nhiễm khuẩn (thiếu nước sử dụng trong khu kiểm soát nhiễm khuẩn, tất cả các ca mổ đòi hỏi dụng cụ y tế, quần áo, chăn ga đều phải hấp, sấy, giặt, đảm bảo vô trùng - PV). Nếu tiếp tục tình trạng thiếu nước sạch, bệnh viện có thể phải tạm dừng tiếp nhận các ca sinh đẻ, chuyển viện cho bệnh nhân”, bác sĩ Ánh nói.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện đã mua 2 xe stec nước sạch để sử dụng tạm thời. Tuy nhiên, lượng nước này cũng chỉ đủ dùng đến sáng 30.9.
Theo bác sĩ Ánh: “Tính riêng trong ngày 28.9, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 350 ca sinh đẻ, mổ chủ động, mổ cấp cứu. Hàng trăm bệnh nhân đang điều trị, cùng các y - bác sĩ.
Chúng tôi đã báo cáo lên Sở Y tế Hà Nội và đang cố gắng khắc phục tạm thời. Bệnh viện không thể một ngày không có nước”.
Không riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mà Bệnh viện 198 - Bộ Công an cũng đang xảy ra tình trạng mất nước liên tiếp nhiều ngày.
Đến chiều 28.9, nước sạch vẫn chưa được cấp lại cho Bệnh viện 198, bác sĩ, người nhà bệnh nhân phải đi xách từng can nước để sinh hoạt.
Trước đó - sáng 26.9, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội lại vỡ lần thứ 15, tại km26 + 350, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Khoảng 70.000 hộ dân Thủ đô ở các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… bị ảnh hưởng.