Anh Minh (32 tuổi) quê gốc Nam Định, hiện sinh sống cùng vợ con tại Hà Nội. Vợ anh tên Hà là kế toán, trong khi người đàn ông là nhân viên kinh doanh của công ty thiết bị y tế với mức lương 20 triệu đồng/tháng.

Trước khi lập gia đình, cả hai có hai năm tìm hiểu. Anh Minh nói chị Hà tuy ít nói nhưng chăm sóc người yêu, cả hai lại có chung nhiều sở thích. Anh chị đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, gia đình hai bên đồng kinh tế, thấy hợp nhau nên cả hai tiến tới hôn nhân.

Khi yêu ngọt ngào biết bao thì bước vào cuộc sống hôn nhân anh Minh thấy ngột ngạt bấy nhiêu. Kết hôn được hơn một năm thì vợ chồng anh có con, hai bà nội ngoại thay phiên lên chăm. Thời điểm này vợ anh cũng bắt đầu thay đổi tâm lý, hay giận dỗi.

Sợ vợ bị trầm cảm sau sinh nên anh luôn nhường nhịn vợ, mỗi lần có chuyện gì đều chủ động xin lỗi, làm hoà bất kể là lỗi của mình hay không.

Tuy nhiên sự việc ngày càng đi xa khỏi sự chịu đựng của anh, vợ anh bất hoà với mẹ chồng, cũng không vừa ý với cả mẹ đẻ vì cách chăm con. Mỗi lần như thế Hà không nói, cũng không tìm cách giải quyết mà chỉ hậm hực, im lặng, suốt ngày cau có.

Nhìn không khí gia đình căng thẳng, để không làm mất lòng ai anh quyết định cho cả hai bà về quê, vợ chồng tự mình chăm sóc con cái.

Từ ngày ấy anh nhẹ đi được một gánh nặng khi phải đứng giữa cuộc chiến của những người phụ nữ. Những tưởng cuộc sống êm ấm hơn khi con đi lớp, vợ anh cũng trở lại công việc toàn thời gian nhưng không khí gia đình còn căng thẳng hơn.

Vợ im lặng nửa tháng mỗi khi cãi nhau, chồng mệt mỏi đến phát điên-1
Im lặng cũng là loại bạo lực tinh thần.

Nhiều lúc anh không hiểu lý do cáu giận của vợ là gì, dăm bữa, nửa tháng vợ lại giận dỗi, không nói chuyện với chồng. Khi anh Minh muốn ngồi trao đổi thẳng thắn để hai bên tìm cách giải quyết chị chỉ im lặng rồi khóc, để lại một câu “anh không thương em” rồi đi vào phòng.

Anh tìm mọi cách dỗ dành vợ đều bất thành, có thời điểm họ căng thẳng đến nửa tháng không nói chuyện với nhau, ở cùng nhà mà như không quen biết.

Đỉnh điểm có lần anh bắt gặp được tin nhắn của vợ than vãn với bạn về cuộc sống hôn nhân không như mong muốn, chồng không yêu thương, thường xuyên to tiếng. Trong lúc tức giận anh to tiếng chất vấn vợ, nhưng nhận lại vẫn là sự im lặng.

Không giao tiếp được với vợ khiến anh Minh mệt mỏi về tinh thần. So với việc to tiếng cãi nhau để biết rõ nguyên nhân tìm giải quyết, sự im lặng của vợ lâu dần khiến người đàn ông mệt mỏi tinh thần, không muốn về nhà.

Nhiều lần về đến cửa nhà anh không dám bước vào vì sợ không khí tĩnh lặng trong nhà, anh không biết nên làm gì, hay cần làm gì chỉ sợ lại làm vợ giận.

Bác Vũ Thu Thủy, khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện E cho biết, xã hội phát triển nam giới và nữ giới ngày càng bình đẳng hơn, nên việc nam giới bị bạo lực tăng là điều dễ hiểu. Việc bạo lực gia đình không chỉ đơn thuần là tác động vật lý mà nó còn gồm cả về mặt tâm lý.

Những hành vi bạo lực gia đình có biểu hiện cụ thể, rất dễ nhận biết, nhưng có những hành vi mà chúng ta không nghĩ đó là hành vi bạo lực gia đình, nhưng gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần... thì cũng là biểu hiện của bạo lực.

Bạo lực tâm lý là dùng ngôn ngữ, lời nói, hành vi tác động tới tâm lý của đối phương, khiến họ cảm thấy kém cỏi mất tự tin. Hệ quả của việc này khiến cho người bị bạo lực tâm lý trở nên tự ti, nhút nhát.

Một số trường hợp sẽ có cảm xúc bùng nổ hơn như gây hấn, kích động. Ở mức độ nặng có thể dẫn tới những rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu), lạm dụng chất. Im lặng là một trong những hành vi bạo lực tâm lý.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ, nhiều cặp vợ chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo, giận dỗi vô cớ... thì cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về tâm lý.

Hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó nhận biết, nhất là văn hoá người Việt không muốn vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng thì hổ thiếp.

Để tránh bạo lực tâm lý nói riêng và bạo lực gia đình nói chung thì vợ chồng cần ngồi lại nói chuyện với nhau. Vợ chồng đã hiểu nhau chưa, khúc mắc gì không để cùng nhau tháo gỡ tìm cách giải quyết hai bên phải tôn trọng, thấu hiểu nhau.

Khi nhận biết được gia đình đang có vấn đề bạo lực tâm lý thì cần phải có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Nếu có vấn đề tâm lý tâm thần kèm theo thì phải có sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, tâm thần.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo VTC