Thực tế hiện nay vẫn còn không ít người chồng có quan điểm cho rằng việc nhà và chăm sóc con cái là phận sự của phụ nữ. Họ giúp vợ là một điều tốt và đáng được ngợi ca, song nếu họ không giúp thì cũng là chuyện rất bình thường.
Hoa (29 tuổi) chia sẻ cô kết hôn gần 4 năm nay, con gái cô được hơn 1 tuổi. “Tôi ít sữa nên con 1 tuổi đã cai sữa rồi. Khi trước thương con còn quá nhỏ, tôi tạm thời nghỉ việc ở nhà. Cai sữa rồi, con cũng đã cứng cáp hơn, tôi muốn thuê người trông để đi làm lại”, Hoa nói.
Ai ngờ khi Hoa bàn với Khánh - chồng cô về chuyện thuê người trông con thì anh phán một câu gọn lỏn: “Em thích làm thế nào thì làm. Không muốn trông con, muốn đi làm thì phải tự bỏ tiền thuê người, vì đó là trách nhiệm của em mà”.
Hoa không ngờ được chồng lại có quan điểm và suy nghĩ như thế. Khi mang thai Hoa làm việc đến gần ngày sinh mới nghỉ. Trong thời gian hơn 1 năm ở nhà, cô vẫn có tiền chi tiêu lấy từ khoản thai sản và tiền tiết kiệm dành dụm được từ trước.
Cô ở nhà vừa chăm con vừa làm hết việc nhà nhưng chẳng hề nghĩ rằng cô đã quán xuyến mọi việc thì Khánh phải lo toàn bộ chi tiêu. Cần mua sắm cho con, cần chi tiêu món gì cô vẫn rút tiền túi. Khánh đưa thêm thì cô cầm, anh quên cô cũng không nhắc. Đơn giản cô nghĩ là vợ chồng thì cần gì tính toán quá nhiều.
Hoa chưa bao giờ có tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào chồng. Cô cứ nghĩ khi thuê người thì tiền công giúp việc sẽ tính là một trong những khoản chi tiêu hàng tháng. Cô cũng đi làm độc lập kinh tế nên chi phí trong nhà sẽ do hai vợ chồng cùng gánh vác.
Hóa ra từ trước đến nay Khánh luôn áp đặt việc chăm con và nội trợ cho vợ. Hoa nhớ lại khoảng thời gian trước, quả thật ngoài giờ đi làm Khánh không hề chia sẻ với vợ bất cứ việc gì. Lúc cô ở nhà cả ngày với con, con ngoan ngoãn và ăn ngủ đều đặn nên cô có thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi và coi sóc nhà cửa. Bản thân không quá vất vả nên Hoa không tị nạnh hay oán trách chồng.
“Tôi hỏi chồng, vậy trách nhiệm của anh ấy là gì. Anh ấy bảo đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Chồng làm lụng để mua nhà, mua xe cho gia đình. Nếu tôi đi làm có thu nhập rồi thì anh ấy cũng chỉ đóng góp một nửa chi tiêu hàng ngày, còn tôi vẫn phải gánh vác một nửa. Ăn uống sinh hoạt hàng ngày chồng tôi không xếp vào hàng công to việc lớn để anh ấy phải gánh vác toàn bộ”, Hoa kể.
Hoa bảo thời điểm đó cô mới nhận thấy chồng mình thật ích kỷ và toan tính. Có lẽ vẫn còn không ít người đàn ông giống như Khánh, vin vào cái cớ “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” để trốn tránh trách nhiệm trong gia đình, dồn mọi gánh nặng lên vai người phụ nữ.
Công to việc lớn nào chưa thể xác định được, tương lai cũng chẳng thể nói trước được điều gì, chỉ biết trong hiện tại những người vợ ấy sẽ phải chịu đựng sự vất vả và cực nhọc gấp nhiều lần.
Biết không thể thuyết phục được chồng, Hoa cũng chẳng muốn tốn thời gian và cảm xúc vào những tranh cãi vô ích. Cô gật đầu đồng ý với yêu cầu của Khánh. Tiền thuê người giúp việc một mình cô chịu, chi phí sinh hoạt trong nhà chia đôi cho 2 vợ chồng. Hết giờ làm Khánh thoải mái với những kế hoạch riêng của bản thân, Hoa chỉ muốn về chơi với con, trông con để bác giúp việc nấu cơm hộ.
Khánh vô cùng hài lòng với cuộc sống như vậy. Anh cảm thấy vợ thật dễ bảo và biết điều. Hoa còn rất độc lập, xưa nay chưa ngửa tay xin tiền anh bao giờ. Mà chuyện con cái, việc nhà vẫn đảm đang và chu toàn.
Giữa lúc Khánh thầm cảm thấy may mắn vì lấy được cô vợ như Hoa thì có một chuyện xảy ra khiến anh phải vội vàng nghĩ lại. Hôm đó Khánh từ trong nhà đi ra thấy vợ đang bế con đứng nói chuyện với anh chàng hàng xóm.
Anh không phải kiểu người ghen tuông quá đà, cũng đủ hiểu vợ là mẫu phụ nữ thế nào. Nhưng sau khi nghe Hoa bảo con gọi người hàng xóm là bố thì Khánh không khỏi tái mặt.
“Khi ấy tôi không hề cố ý. Chỉ là anh ta hỏi con tôi đã nói được nhiều chưa, tôi khoe bé bập bẹ nói được từ bố và bảo con thực hành luôn. Vừa hay chồng tôi nghe thấy”, Hoa cho hay.
Trước sự tức giận của chồng, Hoa điềm nhiên đáp lại: “Khi đó tôi đã chất vấn anh ấy rằng tự nhìn lại mình xem có xứng đáng làm bố của con không. Chẳng đẻ cũng chẳng nuôi, không chăm sóc cũng không ngó ngàng đến. Quả thực anh ấy với người hàng xóm đó có khác gì nhau đâu. Tôi có lý do để làm căng mọi thứ và hỏi anh ấy liệu còn có tư cách để trách móc tôi. Tôi bảo nếu chúng tôi ly hôn, tôi tái hôn thì con có gọi người khác là bố anh ấy cũng chẳng thể nói được gì”.
Hoa chia sẻ sau hôm ấy Khánh đột ngột thay đổi hẳn. Có lẽ phần vì anh tự ái và cay cú khi con gái đẻ lại gọi người khác là bố, phần vì hay anh đã hiểu thông suốt mọi chuyện. Trong gia đình, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, dù là những sinh hoạt nhỏ nhặt hàng ngày hay công to việc lớn thì vợ chồng đều phải chia sẻ và cùng nhau gánh vác, mà không phải của riêng ai.
Theo Pháp luật và bạn đọc