Ở nhà anh chị, chị mới là trụ cột kinh tế chính, là người xông xáo buôn bán kiếm tiền lo cho cả nhà. Còn anh, thay thế vai trò của chị, đảm nhiệm việc chăm con và chăm sóc nhà cửa. Gia đình chị vẫn được bạn bè, người quen, bà con chòm xóm ngưỡng mộ bao lâu nay. Chị không chê anh kém cỏi, chị cảm động vì anh chịu hi sinh để quanh quẩn nơi xó bếp cho vợ ra ngoài. Anh cũng không thề thấy thiệt thòi, anh chỉ thương vợ thân đàn bà, con gái phải đứng mũi chịu sào, vất vả lo lắng kinh tế cho gia đình. Anh thương chị, chị cũng đặt trọn tin yêu nơi chồng.
Mọi chuyện có lẽ sẽ vẫn như thế nếu như chị không bị tai biến. Chỉ trong 1 đêm, chị trở thành một người đến nói còn không nói nổi một từ cho ra hồn. Chị nằm đâu nằm đó, chân tay co quắp, miệng muốn nói mà ú ớ không thể thốt nên lời, đến việc đơn giản là cầm nắm thứ gì đó cũng trở nên khó nhọc. Sau thời gian điều trị ở viện, chị được đưa về nhà chăm sóc với lời dặn dò của bác sĩ, bệnh tình của chị có thể có tiến triển nhưng rất cần sự kiên trì của gia đình! Mọi người ai cũng biết, cho dù là có hồi phục thì khả năng để chị trở lại nguyên vẹn như trước kia là rất khó.
Ảnh minh họa
Từ bệnh viện về, anh liền thuê một người giúp việc để chuyên phục vụ vợ. Ai cũng bất ngờ, vì nghĩ chắc hẳn với “thâm niên” chăm con và làm nội trợ, anh hoàn toàn có thể chăm lo cho vợ. Công việc kinh doanh của chị anh không am hiểu, cũng không thể tiếp quản vì thế đã nhượng lại cho người khác, 2 con của anh chị thì đứa học cấp 2, đứa cấp 1, cũng nhàn nhiều rồi. Vì thế, rõ ràng anh cũng đâu có bận rộn gì nhiều để mà phải thuê người. Nhưng rồi mọi người lại nghĩ, anh là đàn ông, nếu phải làm những việc tỉ mỉ và tế nhị khi chăm sóc một người liệt giường thì cũng khó cho anh, vì thế việc anh thuê người phụ giúp cũng không có gì là quá đáng hay lạ lùng cả.
Mặc dù thắc mắc là thế nhưng không ai hoài nghi tình cảm của anh dành cho chị. Nhưng thật chẳng ngờ, chỉ sau 3 tháng chị ngã bệnh, anh đã đưa một người phụ nữ lạ mặt, khá trẻ trung và ưa nhìn về nhà, ban đầu giới thiệu là bạn, nhưng sau thì ngang nhiên bảo các con mình gọi cô ả là “dì”: “Hai đứa lại đây chào dì đi nào! Từ giờ các con sẽ vừa có mẹ, vừa có dì”. Màn ra mắt ấy khiến đứa con lớn của anh chị cãi nhau với bố một trận, rồi thằng bé ôm cặp sách, quần áo về nhà bà ngoại ở. Bên ngoại nhà chị nghe cháu kể lại mà uất ức thay cho chị - người giờ đang nửa tàn phế nằm một chỗ, dù cho đầu óc còn mấy phần tỉnh táo, dù có uất ức đến đâu cũng chẳng thể làm gì được chồng mình, chỉ biết giương đôi mắt đờ đẫn lên nhìn anh dẫn người đàn bà khác về ăn ngủ ở chính ngôi nhà mà bao công sức mình xây dựng nên.
Đằng ngoại nhà chị liền kéo bầu đoàn đến “hỏi tội” anh thì anh thản nhiên trả lời: “Cô ấy giờ bị bệnh như thế, không thể chăm sóc được cho tôi và các con, không làm tròn thiên thức làm vợ, làm mẹ, tôi tìm người khác về thì có gì là sai! Tôi có đuổi cô ấy ra khỏi nhà đâu, tôi cũng chẳng li dị, tôi tệ bạc ở chỗ nào?”. Bị mắng là “thất đức, vô tình vô nghĩa” nhưng anh vẫn bình tĩnh như không: “Tôi không thấy thẹn với lương tâm mình là được! Cô ấy tôi vẫn chăm sóc tận tình. Tôi cũng phải nghĩ đến quyền lợi của cá nhân mình, cũng phải sống cho bản thân nữa chứ!”. Đến đây thì ai cũng cứng họng không thể nói gì thêm được nữa, vì ngôi nhà là nhà anh chị không phải nhà họ, giờ chị nằm một chỗ như thế, anh ta tác quái nhưng ai có thể đến đánh đuổi anh ta đi? Tiền chuyển nhượng cửa hàng anh ta cầm rồi, không thể lấy lại được. Trước lúc ra về anh chị em nhà chị chỉ cố dọa dẫm 1 câu: “Để rồi xem anh sẽ nhận được quả báo”, thì anh ta cười thờ ơ: “Hiện tại này không đi hưởng sung sướng, lại lo chuyện quả báo tận đâu đâu, có mà dở hơi”.
Thế rồi, giờ đây hàng ngày nhìn người đàn bà khác điềm nhiên ra vào ngôi nhà của chị, cùng chồng chị ăn chơi, tiêu xài số tiền mồ hôi nước mắt của chị, ai cũng chua chát và xót xa vô cùng. Chị thì vẫn nằm đó sống qua ngày, đôi mắt vô hồn đến mức chẳng ai biết chị đang nghĩ gì. Thứ sâu nhất quả đúng là lòng dạ con người, chưa rơi vào khốn khó thì chưa chưa thể đo lòng nhau…
Theo Trí thức trẻ