Nếu những người chồng không biết chăm lo cho gia đình, không biết an ủi hay đỡ đần vợ thì chuyện hôn nhân của họ thật khó bền chặt.
Mối quan hệ vợ chồng không thể người này vun mà người kia lại không đắp. Như câu chuyện của người vợ dưới đây cũng vậy.
Người đàn ông đam mê tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè
Hai vợ chồng cô cưới nhau gần 4 năm, con gái đầu lòng 2 tuổi nhưng chồng lúc nào cũng sống thoải mái như thời độc thân.
"Chồng mình nói nhẹ nhàng thì là không biết nghĩ, nói nặng lời là vô tâm, ích kỷ. Lúc nào anh cũng chỉ lo cho bản thân mình, muốn thoải mái mặc kệ vợ con ra sao. Với chồng mình bạn bè là nhất. Bố mẹ chồng mình nói nhiều quá rồi, chẳng thèm lên tiếng nữa vì quá bực bội với con.
Mình và chồng cũng cãi nhau rất nhiều lần chuyện suốt ngày tụ tập của anh ấy. Hai vợ chồng mình đều đi làm, mình thu nhập thấp hơn chồng nên trong mắt anh ấy, vợ mặc định phải phục tùng tất cả.
Nếu mình nói nhiều đến việc anh suốt ngày tụ tập, chồng sẽ nói rằng vợ hư, dám quản cả chuyện chồng", cô vợ kể.
Chồng mê nhậu nhẹt với bạn bè (ảnh minh họa)
Theo đó, đám bạn chồng của cô vợ này cũng chẳng phải nhóm người gương mẫu hay vun đắp cho hạnh phúc gia đình người khác. Một tuần họ phải tụ tập ăn uống 3-4 lần. Lần nào cả nhóm cũng rượu chè, hát karaoke đến muộn mới về nhà.
Mấy lần cô vợ không để chồng đi thì y như rằng lần gặp mặt sau chồng cô về nhà hậm hực. Anh ta nói rằng mình bị bạn bè chê cười vì sợ vợ, không dám bật vợ.
"Gia đình mình căng thẳng nhiều lần cũng vì tật ham chơi và đám bạn ưa 'đâm thọc' của chồng. Vì thương con còn bé nên mình vẫn muốn để anh ta thay đổi chứ chưa tính đến chuyện ly hôn", cô vợ chia sẻ thêm.
Quyết định lần đầu dám nói của cô vợ trẻ
Tuy nhiên, làm gì thì cũng nên có mức độ, đàn ông ham chơi nhưng vẫn phải thương con. Nếu như tình thương dành cho con cái không còn thì phụ nữ cũng chẳng có gì tiếc nuối nữa.
Đỉnh điểm cho mâu thuẫn của gia đình này đến trong một lần người chồng đòi ra ngoài đi nhậu với bạn bè, mừng bạn 'rửa xe mới'.
Cô vợ nhớ lại: "Hôm đó, hai mẹ con đều ốm. Con bé cứ khóc ỉ i bên cạnh vì nó cũng sốt. Uống viên thuốc vào, mình càng mệt mỏi hơn. Mình nhờ chồng bế con hộ định nằm nghỉ một chút.
Chồng mình lúc đó đang sửa soạn để sang nhà bạn chén chú chén anh. Khi ấy mình bực mình lắm rồi nhưng vẫn cố bình tĩnh bảo anh ấy cáo một hôm không đi, ở nhà giúp vợ trông con.
Chồng mình bắt đầu nổi giận, gay gắt bảo rằng chưa lần nào anh ấy đi với bạn bè mà mình vui vẻ. Hôm nay lại lấy cái cớ bị ốm ép chồng ở nhà.
'Tôi đi làm cả ngày mệt nhọc, tối muốn sang nhà bạn uống cốc bia mà cô càm ràm. Ốm thật không hay lại giả vờ lừa thằng này. Cô làm gì mệt nhọc nào?
Công việc thì nhàn tản, cơm nước mất tí, có đứa trẻ con mà chăm không được để một tháng ốm 3 lần. Tôi chưa thấy đứa nào ốm nhiều như nó đâu đấy. Tôi thấy cô làm vợ không giỏi làm mẹ cũng tệ', chồng mình bảo vậy".
Trong mắt nhiều đàn ông, chuyện vợ lo toan toàn bộ chuyện gia đình và chăm sóc con cái là điều vô cùng dễ dàng, phận sự buộc phải thực hiện. Họ đi làm bên ngoài kiếm tiền nhiều hơn thì mặc sức lên mặt, không có sự cảm thông đỡ đần dành cho vợ.
Ảnh minh họa
Ngay sau khi nghe những lời nặng nề đó, người vợ tức giận nhiều hơn là tủi thân. Thấy con mặt đỏ bừng nhìn bố mà khóc, cô cũng chẳng kiên nhẫn nổi nữa.
"Anh cũng biết con hay ốm à, vậy anh đã bao giờ thức đêm thức hôm trông con hay chăm sóc nó được một lần chưa? Anh nói thì hay nhưng làm được thế nào nào. Vợ ốm con ốm, nhờ anh ở nhà một bữa mà anh lên giọng, coi tôi như tội đồ luôn vậy.
Tôi cũng chán sống cái cảnh chồng coi thường, không biết quan tâm chia sẻ thế này lắm rồi. Anh thử hỏi xem tuần anh tụ tập bạn bè mấy lần, một tuần anh say mấy lần?
Anh cứ đi đi, tôi ở nhà dọn đồ rồi về ngoại. Lần này tôi quyết ly hôn thật. Anh tưởng rằng chưa bao giờ tôi nói đến là tôi không nghĩ đến việc ly hôn. Anh nhìn nhận lại bản thân mình đi, tôi viết đơn, anh chỉ cần ký. Chúng ta chấm dứt", cô vợ lên tiếng.
Những lời quyết liệt đầu tiên được nói ra đó khiến người chồng hoảng hốt. Anh ta chưa bao giờ nghĩ rằng cô vợ vốn hiền lành lại dám nói ra chuyện tày đình đó. Người chồng bắt đầu xuống giọng xin lỗi và bảo rằng vợ không than thở nên nghĩ mọi chuyện đều ổn.
"Lúc đó mình cũng mệt rồi. Chồng mình có vẻ sốc lắm, run rẩy xin lỗi rồi chạy tới bảo để anh bế con cho, em cứ nghỉ đi. Lúc đó mình chẳng thiết tha gì nữa. Ngay sau đó chồng mình ở nhà dỗ dành con ngủ. Những ngày sau, anh cũng ít tụ tập bạn bè hơn, có vẻ như sợ hãi nên chẳng nhậu nhẹt mấy nữa", cô vợ kể.
Đôi khi, phụ nữ cũng nên một lần vùng dậy nói rõ nỗi lòng. Sự im lặng và cam chịu của họ dễ dàng trở thành nguyên nhân để đàn ông lấn tới, làm những điều quá đáng. Sự quyết liệt trong cách giải quyết vấn đề của vợ cũng là phương án để giúp các ông chồng "sáng mắt ra".
Theo Pháp luật và bạn đọc