Vào hội phụ huynh vì... cô giáo nhờ
Nghe chồng kể chuyện vào Ban đại diện cha mẹ học sinh (thường gọi là hội phụ huynh), chị Thanh Lan (30 tuổi, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) "vừa khóc vừa cười" bởi lý do mà ông bố trẻ đưa ra là: "Không nỡ từ chối vì cô giáo quá xinh".
Năm nay, con chị Lan vào lớp 1. Suốt 4 năm con học mẫu giáo, chồng không có thời gian để đưa đón, không dự họp phụ huynh buổi nào.
Chị Thanh Lan than phiền vì chồng quá bận rộn nhưng vẫn nhận vào Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ảnh: NVCC).
"Đặc điểm công việc của chồng tôi đi làm xa nhà 17km, sáng đi từ 5h đến 19h mới về nên gần như việc chăm sóc, lo chuyện học hành do vợ đảm nhận.
Hồi con mẫu giáo, tôi đã làm đại diện cha mẹ học sinh rồi nên thấy đủ thứ việc lặt vặt. Năm nay, tôi sắp sinh đứa thứ hai nên không dám nhận sợ ngập mặt trong bỉm sữa", chị Thanh Lan chia sẻ.
Với chị Lan, khi có khả năng đảm nhận tốt công việc mới dám nhận.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh lâu nay thường khá nhạy cảm. Vì thế, người dám nhận cũng phải có thời gian, kỹ năng và hiểu biết quy định thì mới làm tốt được.
Chồng tôi chỉ động viên vợ yên tâm anh ấy sẽ làm được nhưng tôi lo lắm. Làm không tốt lại mang tiếng 'hội phụ thu'", người vợ trẻ than thở.
Cùng cảnh ngộ, chị Lam Giang (35 tuổi, Thái Nguyên) cũng được đưa vào thế "sự đã rồi" khi chồng đi họp phụ huynh thay và nhận ngay chức hội phó hội phụ huynh.
Chị Giang chia sẻ, bản thân công tác trong một tổ chức hội tại Thái Nguyên nên công việc đi sớm, về muộn bởi đơn vị công tác có nhiều hoạt động.
"Tôi nghĩ có lẽ do hồi mẫu giáo bố mẹ đã làm đại diện cha mẹ học sinh nên khi con vào lớp 1, cô giáo và các phụ huynh khác tiếp tục bầu.
Tôi khá ngại bởi mầm non ít hoạt động, thu ít tiền nên mình lo được chứ lên cấp lớn hơn sẽ nhiều khoản thu, mình không hiểu hết được các quy định cái nào được thu, cái nào không", chị Giang cho hay.
Người mẹ có 3 năm kinh nghiệm làm hội phụ huynh trần tình vào ban đại diện phải chi thêm tiền nhà để "vác tù và" cho lớp. Nhiều khoản cần hỗ trợ cho các hoạt động của con nhưng kêu gọi phụ huynh lại có lời ra tiếng vào nên không ít đại diện tự bỏ tiền túi ra chi.
"Vừa mất công sức, vừa mất tiền của nhà bỏ ra nhưng không khéo lại mang tiếng. Nhiều người ngại vào hội phụ huynh cũng vì vậy. Thà chẳng nhận cho rồi chứ ai mất công 'vác tù và' làm gì", chị Giang ái ngại.
Chị Nguyễn Thanh (30 tuổi, Yên Bái) cũng "méo mặt" vì chồng còn nhận ngay chức trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và của trường. Hai vợ chồng đều làm tại đơn vị vận chuyển thư từ, bưu phẩm nên khá bận rộn do đó thêm chức ban đại diện cha mẹ học sinh sợ bị quá tải.
"Vợ chồng tôi 'đầu tắt mặt tối' chưa hết việc. Vận chuyển bưu phẩm ở Yên Bái khó khăn hơn các tỉnh miền xuôi do địa bàn đồi núi.
Nay nhận thêm trưởng ban đại diện của lớp và của trường phải đi nhiều lắm, dự các hoạt động của con rồi hỗ trợ nhà trường... Được cái, chỗ tôi không thu nhiều nên không phải lo lắng chuyện lạm thu", chị Thanh cho biết.
Đến hẹn lại thu, câu chuyện mang tên hội phụ huynh lại gây sốt bởi vô vàn khoản thu mang danh nghĩa tự nguyện... (Ảnh minh họa: PHCC).
Thực trạng ngại vào hội phụ huynh hoặc vào vì "phong trào", vì cô giáo nhờ chứ không nắm rõ trách nhiệm và quyền hạn đang khiến chất lượng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa cao.
Anh Tấn Minh - Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một lớp của Trường Tiểu học Hồng Hà (TPHCM) - thừa nhận chưa đọc Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Mọi việc chi tiêu, vận động vẫn được anh làm theo thói quen lâu nay chứ không bám sát quy định.
"Sau vụ lùm xùm lớp thu 310 triệu đồng quỹ lớp, tôi phải mở ngay Thông tư 55 đọc mới thấy lâu nay mình làm chưa tốt. Tôi phải xin lỗi các phụ huynh khác và sẽ chấn chỉnh hoạt động của hội phụ huynh ở những năm tiếp theo", anh Minh bộc bạch.
Không tùy tiện bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - chỉ ra thực trạng không ít người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng không đọc và thực hiện quy định tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Họ sẵn sàng trở thành "cánh tay nối dài" để lạm thu.
Do đó, tiêu chí bầu vào hội phụ huynh cần rõ ràng, minh bạch để chọn đúng người thể hiện ý chí của cha mẹ học sinh. Thực tế, nhiều Ban đại diện phụ huynh được chỉ định sẵn từ trước, là những người có điều kiện kinh tế và sẵn sàng chi tiền đóng góp nên họ nghĩ ai cũng đủ điều kiện như mình.
Họ dễ dàng bị điều khiển, vận động nguồn lực theo hướng gợi ý của giáo viên, nhà trường chứ không nói lên tiếng nói, nguyện vọng của phụ huynh. Cách thức huy động đôi khi không nhân văn, theo hình thức chia đều.
Phụ huynh học sinh chất vật với các khoản thu đầu năm (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) nhận định Ban đại diện cha mẹ học sinh là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
"Cần tổ chức lại hoạt động và trả lại chức năng, nhiệm vụ thực tế của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban phụ huynh học sinh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học", bà Tú Anh chia sẻ.
Đồng thời, Ban đại diện tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Các hoạt động xã hội hóa giáo dục cần nghiêm túc thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện dựa trên cơ sở pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Các trường thu bao nhiêu, nội dung cụ thể phân bổ thế nào cần được phổ biến rõ ràng, minh bạch với phụ huynh, học sinh và Công đoàn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (tỉnh Khánh Hòa) - đề xuất bỏ thành lập quỹ hội phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ quan tâm kết nối nhà trường, hỗ trợ nhà trường giáo dục học sinh.
* Tên các phụ huynh đã được thay đổi
Theo Dân Trí