Ủy ban Olympic Algeria lên tiếng bênh vực vận động viên Imane Khelif. Nữ võ sĩ môn boxing bị nghi ngờ là chuyển giới, gây ra nhiều tranh cãi khi tham dự Olympic Paris 2024.
"Ủy ban Olympic Algeria lên án mạnh mẽ hành vi bôi nhọ phi đạo đức nhắm vào Imane Khelif với những lời tuyên truyền vô căn cứ từ các cơ quan quyền thông nước ngoài. Những cuộc tấn công nhắm vào nhân cách của cô ấy thật là bất công. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vận động viên của mình", hãng tin Reuters dẫn lại thông báo của Ủy ban Olympic Algeria.
Trận đấu thuộc vòng 1/8 hạng cân 66kg nữ môn boxing Olympic Paris 2024 diễn ra giữa Imane Khelif (Algeria) và Angela Carini (Italy) gây ra nhiều tranh cãi. Trận đấu kết thúc chóng vánh sau 46 giây khi võ sĩ người Italy nhanh chóng bỏ cuộc vì không chịu được cú đấm từ đối thủ.
Imane Khelif vướng nhiều tranh cãi.
Trận đấu vốn từng gây tranh cãi khi xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng Imane Khelif là người chuyển giới khi có một số dấu hiệu sinh học của nam giới.
Năm ngoái, Khelif bị loại ngay trước thềm trận tranh huy chương vàng giải vô địch thế giới do Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA) tổ chức. Cô không vượt qua được buổi kiểm tra DNA. Ban tổ chức phát hiện nhiễm sắc thể XY của vận động viên này trong bộ gen.
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn cho phép Imane và Lin Yu-ting (người Đài Loan Trung Quốc, hạng 57kg) tham dự. Cả 2 đều mắc hội chứng khác biệt phát triển về phát triển giới tính (DSD).
Ngoài ra, IOC cũng "nhắm mắt làm ngơ" dù lượng hormone nam (testosterone) của Imane Khelif rất cao. Trước đây, một số môn thể thao như điền kinh đã có giới hạn về lượng hormone nam với các VĐV nữ. Nếu vượt quá giới hạn này, vận động viên không được tham gia một số nội dung nhất định.
Quyết định của IOC gây ra không ít tranh cãi. Bộ trưởng Bộ Thể thao Italy Andrea Abodi đặt dấu hỏi: "Không có sự thống nhất trong các thông số tối thiểu về hormone của vận động viên. Ở những trường hợp đại diện cho giá trị cao nhất của thể thao, sự an toàn của vận động viên nam và nữ cần được đảm bảo. Ngoài ra, sự cạnh tranh công bằng cần được tôn trọng".
Theo VTC News