Sinh thời, Võ Tắc Thiên rất tôn sùng Phật giáo, muốn đem thứ tôn giáo này trở thành vũ khí tư tưởng để thống trị thiên hạ.

Sau khi lên ngôi, nữ hoàng họ Võ đưa Phật giáo trở thành quốc giáo, xuất ngân khố trùng tu đền chùa, khắc tượng Phật, dịch kinh phật. Chưa dừng lại ở đó, bà còn thi hành nhiều chính sách ép buộc dân chúng tôn sùng đạo Phật.

Sinh thời, Võ Tắc Thiên cho rằng bản thân mình có duyên với Phật nên rất sùng
bái tôn giáo này. (Tranh: nguồn internet).

Năm Như Ý thứ nhất (692), để biểu thị lòng thành với Phật, Võ Tắc Thiên tâm huyết dâng trào, hạ lệnh cấm thiên hạ giết súc vật, giăng bắt tôm cá.

Trong khi đó, bản thân bà từng giết không ít tôn thất họ Lý, gián tiếp hại chết Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi, thậm chí sau này còn vướng phải nghi án giết con.

Đối với những việc làm đẫm máu của vị nữ hoàng họ Võ trước đó, chính sách này quả thực rất "đầu voi đuôi chuột", khiến cho triều đình nhà Chu gặp phải không ít chuyện "dở khóc dở cười".

Trên có chính sách, dưới có đối sách

"Không sát sinh" là một trong năm giới luật của Phật giáo, cũng là nguyên tắc hành động của các tín đồ nhà Phật. Tuy nhiên, đối với những người bình thường, việc cấm giết động vật lại tương đương với "đại nạn".

Để kiểm tra tình hình thi hành chính sách trên, Võ Tắc Thiên đặc biệt cắt cử Tể tướng Lâu Sư Đức tới tuần tra tại các địa phương. Tể tướng đã tới thị sát, quan địa phương nghiễm nhiên phải tiếp đón long trọng, chu đáo.

Bởi vậy, bàn yến tiệc thết đãi Tể tướng được khai vị bằng một mâm thịt dê. Lúc bấy giờ, quan địa phương giải thích: "Thưa Tể tướng, con dê này không phải chúng thần giết, mà bị sói cắn chết."

Nếu đã bị thú hoang cắn chết, đương nhiên không vi phạm lệnh cấm. Tể tướng nghe lọt tai, liền thản nhiên ăn thịt.

Bất chấp lệnh cấm của Nữ hoàng, quan lại nhà Chu từ trung ương đến địa
phương thi nhau tìm cách lách luật. (Tranh minh họa).


Sau đó, bàn tiệc lại đưa lên một mâm cá. Quan địa phương tiếp tục thanh minh: "Cá này cũng là sói cắn chết!" Lâu Sư Đức vừa nghe vừa cười sặc sụa mà nói: "Ngươi đến biện cớ cũng ngu ngốc, phải nói là rái cá cắn chết mới đúng!"

Bàn tiệc có kẻ tung người hứng, quan dưới làm sai, quan trên lại mắt nhắm mắt mở cho qua. Sau cùng, những mệnh quan này vin vào nhiều lý do lách luật, vẫn thản nhiên ăn thịt bất chấp lệnh cấm của Nữ hoàng.

Triều đình chia rẽ cũng bởi "cấm giết mổ"

Dựa vào tình hình của nhà Chu lúc bấy giờ, điều lệnh cấm giết súc vật của Võ Tắc Thiên hoàn toàn không phù hợp.

Trong triều bấy giờ có Hữu thập di Trương Đức gần 50 tuổi vẫn chưa có người nối dõi. Năm đó, phu nhân của ông sinh được quý tử. Trương gia liền trộm giết một con dê để chiêu đãi bạn bè thân thích nhân ngày tam triêu (ngày thứ 3 sau khi sinh).

Đại tiệc này có sự tham dự của Đỗ Túc - một người được Trương Đức xem như bằng hữu tốt. Trên bàn tiệc, họ Đỗ này thả nhiên uống rượu, ăn thịt, còn khen liên tục khen lấy khen để món thịt dê, nhưng thực chất sau lưng lại bí mật tố cáo Trương Đức với Nữ hoàng.

Hôm sau thiết triều, Võ Tắc Thiên liền "hỏi thăm" Trương Đức: "Nghe nói Phu nhân của ngươi mới sinh được quý tử, quả là chuyện đáng mừng!" Nhưng Trương Đức chưa kịp dập đầu tạ ơn, Nữ hoàng đã hỏi tiếp: "Vậy thịt dê trong bữa tiệc hôm qua từ đâu mà có?"

Tới lúc này, Trương Đức liền vội vàng quỳ xuống cúi đầu: "Thần biết tội, tội đáng muôn chết!" Các đại thần đều cho rằng họ Trương khó sống mà qua khỏi kiếp nạn lần này, không ngờ Võ Tắc Thiên lại mỉm cười nói:

"Trẫm cấm giết mổ, việc này là tốt hay xấu khó có thể nói trước. Nhưng ngươi lần sau mời khách cũng nên lựa người mà mời, không nên phí rượu ngon, thịt ngon nuôi chó lén cắn người!"

Sau đó, vị Nữ hoàng họ Võ này liền đưa tấu chương tố cáo của Đỗ Túc cho Trương Đức xem, còn "ban" cho họ Đỗ kia một bạt tai trước quần thần.

Từ xưa tới nay, phàm là những chính sách không hợp lòng dân, ắt sẽ khiến
thiên hạ tìm cách để làm qua loa cho xong chuyện. (Tranh minh họa).


Thân là kẻ bán bạn cầu vinh, Đỗ Túc từ đó không còn mặt mũi nào lên tiếng trên triều. Còn Trương Đức vốn phạm phải điều "đại kỵ" thì lại được tha bổng.

Trên thực tế, hành động này của Võ Tắc Thiên có phần không thỏa đáng. Bởi lẽ, việc đưa ra lệnh cấm giết mổ đã tạo điều kiện cho thiên hạ được "tố cáo" lẫn nhau, xét về luật lệ, Đỗ Túc hoàn toàn làm đúng, còn Trương Đức mới là người sai trái.

Nhưng Võ Tắc Thiên lại đưa cáo mật cho bị cáo xem, đồng thời nặng tay với người tố cáo, há chẳng phải là muốn xóa bỏ chủ trương của mình hay sao?

Tám năm sau đó, chỉ tới khi có lời can gián của Phong Các xá nhân Thôi Dung, lệnh cấm kỳ lạ của Nữ hoàng mới được bãi bỏ.

Vậy nhưng, những câu chuyện "dở khóc dở cười" về thiên hạ nhà Chu trong khoảng thời gian ấy đã trở thành những câu chuyện châm biếm được hậu thế truyền tai nhau trong lúc trà dư tửu hậu.

Theo Trí thức trẻ