Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đơn vị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho Cty TNHH Thương mại Lâm Đạo (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột).
Theo đó, giấy chứng nhận trên được cấp vào ngày 22/4/2024, người ký cấp là ông Trần Ngọc Trịnh, thời điểm đó giữ chức vụ Chi cục trưởng.
Nội dung trên giấy chứng nhận: “Đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh sản phẩm: Sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh”.
Ông Hưng lý giải, đơn vị chỉ quản lý từ khâu sơ chế, đóng gói giá đậu xanh, tức từ lúc giá đỗ đã hình thành, được mang đi sơ chế (rửa), và đóng gói. Còn từ lúc hạt đậu xanh được ngâm, ủ để lên mầm thành cây giá là công đoạn sản xuất, đơn vị không quản lý. Khâu sản xuất thuộc về trồng trọt.
PV liên hệ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk), lãnh đạo đơn vị cho hay, không quản lý vì đây là hàng thực phẩm, thức ăn.
PV liên hệ với Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk song chưa được.
Đơn vị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất Lâm Đạo
Trong khi trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đồng loạt kiểm tra, phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột gồm: Lâm Văn Đạo, Vũ Duy Tư, mỗi người 2 cơ sở; Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Văn Hảo, mỗi người 1 cơ sở.
Qua kiểm tra, công an phát hiện các cơ sở trên thường xuyên sử dụng chất cấm 6 – Benzylaminopurine, để hãm phần rễ, cho thân giá đỗ to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Đây là một loại chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm, ăn nhiều có thể tử vong.
Thời điểm kiểm tra, công an thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã ngâm chất cấm và 135 lít hoạt chất 6-Benzylaminopurine.
Kết quả điều tra, trong năm 2024, nhóm đối tượng trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm chất cấm.
Giá đỗ bán tại Bách hoá Xanh
Các đối tượng thường bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột.
Riêng 1 cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng bán cho Bách hoá Xanh từ 350-400kg giá đỗ mỗi ngày. Trên bao bì giá đỗ được ngâm hóa chất đều in dòng chữ: “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”.
Giá đỗ được bán tại Chợ đầu mối Tân Hoà
Ông Hà Chiến - Ban Quản lý chợ đầu mối Tân Hòa cho biết, trong chợ có 4 quầy bán giá đỗ. Các tiểu thương khi được hỏi về nguồn gốc nhập giá đỗ thì đều “né”. Họ chỉ nhận bán “dùm” cho chủ cơ sở vì “nhà họ có sự cố”.
Sau vụ việc trên, Bách hóa Xanh thừa nhận có bán giá đỗ của nhà cung cấp Lâm Đạo. Tuy nhiên, Bách hóa Xanh nói rằng Lâm Đạo chỉ cung cấp 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ bán tại Bách hoá Xanh ở khu vực Đắk Lắk.
Bách hoá Xanh chưa cung cấp cụ thể đã bán sản phẩm giá đỗ của Lâm Đạo từ khi nào, với số lượng bao nhiêu.
Theo Tiền Phong