Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Lai Châu, trong 3 ngày từ 11 đến 13/2, người dân ở bản Tà Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ đến ăn cơm, uống rượu tại đám ma một người dân địa phương.
Ngày 13/2, nhiều người trong đó có biểu hiện đau đầu, buồn nôn. 22h cùng ngày, 6 người (thông tin trước đó đưa là 7 người - PV) được phát hiện tử vong. Họ gồm Ma Già Pô (39 tuổi, Phó Chủ tịch HĐND xã Ma Ly Chải), Chang Mở Giá (55 tuổi), Chang A Bà (38 tuổi), Lý Xa De (35 tuổi), Chanh A Lù (50 tuổi), Chang Di Xa (35 tuổi, đều là người dân tộc Hà Nhì)
.
Một số bệnh nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Infonet.
Ghi nhận sự việc, trạm y tế xã Ma Ly Chải đã cử cán bộ tới thu các mẫu thực phẩm như rượu, nước lọc, thịt chó, đậu phụ, rau cải, kẹo... để kiểm tra.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, nhận định nhiều khả năng nguyên nhân dẫn đến ngộ độc do rượu methadol. Tới chiều 14/2, bệnh viện chưa ghi nhận thêm trường hợp tử vong.
Trên cổng thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thạc sĩ Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết, nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm sẽ khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật - giả là bằng cảm quan hoặc thử trực tiếp.
Cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, địa chỉ của nhà sản xuất, địa chỉ nhập khẩu... Ngoài ra, thạc sĩ Nga cho biết có thể thử bằng cách ngửi, nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt.
Một cách khác khá chính xác là đổ rượu ra bàn tay, xoa hai bàn tay với nhau. Nếu thấy dính là rượu không tốt, còn bay hơi hết là tốt.
Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Google Maps.
Theo Zing