Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã bị Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội Giết người. Ngoài ra, cơ quan công an cũng đang làm rõ vai trò của Nguyễn Thị Luyến (27 tuổi, người tình của Huyên) trong vụ án bé Đ.N.A. (3 tuổi, con gái Luyến) bị Huyên đóng 9 cái đinh vào đầu.

Tại trụ sở công an, Huyên khai từng nhiều lần hành hạ bé A. dưới các hình thức như pha thuốc diệt cỏ vào nước ngọt cho bé uống, nhét đinh vít vào miệng bé hay đánh bé gãy tay. Tới ngày 17/1, bị can tiếp tục hành hạ và dùng tạ đóng 9 cái đinh vào đầu cháu bé.

Bên cạnh trách nhiệm của Huyên, nhiều người đặt câu hỏi: Luyến có thể phải chịu trách nhiệm gì trong vụ án này?

Vụ bé gái bị đóng đinh vào đầu: 2 tình huống người mẹ đối mặt-1
Nguyễn Trung Huyên. Ảnh: Công an Hà Nội.

Nhìn nhận sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) đánh giá việc bé A. nhập viện trong tình trạng nguy kịch là hệ quả của sự dã man, tàn bạo của Huyên cùng sự thiếu trách nhiệm của Luyến.

 

Sau khi khởi tố Huyên về tội Giết người, công an sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm liên đới của mẹ bé A. trong vụ án này.

Ông Giáp nhận định sau khi cơ quan điều tra khai thác lời khai của Luyến, có 2 trường hợp có thể xảy ra. Đó là Luyến hoàn toàn không biết về những hành vi của Huyên hoặc biết nhưng không can thiệp, tố giác với cơ quan chức năng.

Ở tình huống thứ nhất, luật sư cho biết nếu người mẹ thực sự không biết về các hành vi của nhân tình, người phụ nữ này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp này khó xảy ra.

"Cần đặt vấn đề về trách nhiệm liên đới của mẹ bé A. Theo hồ sơ bệnh án, bé đã nhiều lần nhập viện do bị Huyên xâm phạm sức khỏe bằng cách cho uống thuốc diệt cỏ, bắt nuốt đinh hay đánh đập. Bản thân Luyến cũng từng đưa A. đi viện sau khi phát hiện bé nuốt đinh. Tôi cho rằng khó có chuyện cô không biết về những hành vi của nhân tình", luật sư nhìn nhận.

Đồng quan điểm, luật sư Hà Công Tâm (Giám đốc Công ty Luật Onekey) nhìn nhận vai trò liên đới của Luyến trong vụ án cần được xác minh, làm rõ một cách cẩn trọng, chính xác. Do cô là mẹ đẻ, trực tiếp sống cùng bé A. và Huyên nên việc vô can khó xảy ra.

Nếu tình huống thứ hai xảy ra, tùy thuộc lời khai với cảnh sát, cô có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Không tố giác tội phạm hoặc thậm chí đồng phạm về tội Giết người với Huyên.

Về tội Không tố giác tội phạm, Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào biết rõ một trong các tội phạm theo quy định của bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tội danh này áp dụng với người che giấu phạm nhân phạm những tội như Giết người, Cố ý gây thương tích, Cướp tài sản hay Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản...

Vụ bé gái bị đóng đinh vào đầu: 2 tình huống người mẹ đối mặt-2
Dãy nhà trọ nơi Luyến chung sống cùng Huyên và bé A. Ảnh: Hoàng Linh.

Các hành vi cho bé uống thuốc diệt cỏ, bắt bé nuốt đinh hay đóng đinh vào đầu cháu bé đều là hành vi nguy hiểm, có khả năng tước đoạt tính mạng cháu bé và có dấu hiệu của tội Giết người. Do đó, luật sư nhận định chỉ cần Luyến biết nhưng không tố giác về một trong 3 hành vi này, cô cũng có thể bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, Điều 390 Bộ luật này cũng quy định người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Do đó, bên cạnh làm rõ nhận thức của Luyến trong 3 lần bé bị hành hạ, cơ quan chức năng cũng sẽ xác định người mẹ này có động thái can ngăn hay hạn chế tác hại của hành vi tới con mình không. Nếu xác định có tình tiết này, cô có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy Luyến biết nhưng không can ngăn, thậm chí tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để Huyên phạm tội, cô có thể bị xem xét xử lý hình sự với vai trò đồng phạm về tội Giết người cùng bị can Huyên.

 Theo Zing