Đưa "phong bì"... lỗi của ai?

Ngày hôm qua (19/7), HĐXX tiếp tục cho luật sư bào chữa và các bị cáo tự bào chữa cho bản thân và câu chuyện “văn hóa phong bì” lại được nêu ra.

Thực hiện quyền bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”. Bị cáo có hai hành vi đưa hối lộ gồm đưa hối lộ để xin cấp phép chuyến bay và đưa hối lộ để ''chạy án'' trong giai đoạn bị điều tra (đồng phạm với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, người đưa 2,6 triệu USD cho cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội).

Vụ chuyến bay giải cứu: ‘Văn hóa phong bì’... lòng tham hay cám dỗ?-1
Bị cáo Lê Hồng Sơn.

Với mức án bị đề nghị từ 11-12 năm tù, bị cáo Sơn nói rằng "rất sốc". Bị cáo Sơn thừa nhận hành vi, tội danh bị truy tố, tuy nhiên bị cáo này cho rằng: ''Doanh nghiệp là nạn nhân của văn hóa phong bì’”.

Không chỉ bị cáo Sơn, trước đó, khi trả lời xét hỏi của HĐXX về việc xin cấp giấy phép thực hiện các chuyến bay, nhóm bị cáo đại diện cho các doanh nghiệp cho biết họ bị “làm khó”, nếu không chi tiền cho Cục Lãnh sự và cựu cán bộ thuộc tổ công tác của 5 Bộ sẽ bị “gạt hồ sơ”.

Điển hình, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho hay, quá trình xin cấp phép các chuyến bay giải cứu đã bị hai bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an) và Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) gọi điện “ép” đưa tiền.

Theo lời bị cáo Dương, Phạm Trung Kiên thì quát tháo và bảo: “Tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến”; còn Vũ Anh Tuấn thì nói: “Em không cần tiền của các anh nhưng các anh không đưa để em đưa sếp thì chuyến bay không được duyệt”.

Trước sức “ép” của hai cựu cán bộ đại diện cho Bộ Y tế và Bộ Công an, Dương buộc phải đưa cho Kiên 1,1 tỷ đồng, Tuấn 1,6 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nhóm bị cáo là cựu quan chức bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” đều một mực phủ nhận việc đưa ra yêu cầu và cho rằng doanh nghiệp tự nguyện cảm ơn.

Vụ chuyến bay giải cứu: ‘Văn hóa phong bì’... lòng tham hay cám dỗ?-2
Bị cáo Vũ Hồng Nam.

Trước việc bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản) bị đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội "Nhận hối lộ", luật sư bào chữa cho rằng “có lỗi rất lớn từ doanh nghiệp”.

Luật sư dẫn chứng, cả hai buổi ông Nam gặp và nhận tiền diễn ra cùng mô típ: "Liên tục gọi điện nhắn tin xin gặp, với đủ các lý do, còn ông Nam liên tục khước từ". Trong hai buổi gặp, Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh) đều để lại túi quà rồi nhanh chóng rời đi, nói là quà chứ không phải tiền. Ông Nam chỉ biết có tiền sau khi Nghĩa ra về.

"Như vậy, việc nhận tiền của bị cáo Nam có lỗi lớn từ sự chủ động áp sát, nài ép từ phía doanh nghiệp. Về phía mình, bị cáo Nam cũng có lỗi là không cưỡng lại sự cám dỗ", luật sư cho rằng nhận thức đơn giản của ông Nam là doanh nghiệp tổ chức chuyến bay xong, có lãi thì cảm ơn.

Lòng tham hay cám dỗ?

Tương tự, khi nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Tô Anh Dũng, luật sư Lê Thành Kính cho rằng, ông Dũng không thỏa thuận với doanh nghiệp, không ra yêu cầu điều kiện, không đòi hỏi hoặc gây khó dễ trong việc cấp phép chuyến bay.

Sau khi chuyến bay được phê duyệt, doanh nghiệp mới xin gặp nói là để “báo cáo kết quả thực hiện”.

Vụ chuyến bay giải cứu: ‘Văn hóa phong bì’... lòng tham hay cám dỗ?-3
Bị cáo Tô Anh Dũng

Khai tại tòa, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) cho biết, lúc đưa tiền, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng dù miệng nói "lần sau không được đưa anh nữa", song quá trình xin cấp phép các chuyến bay, Mơ tiếp tục có 7 lần đưa hối lộ và ông Dũng không từ chối.

Khi vụ án được khởi tố, theo luật sư, ông Dũng đã nhận thức sâu sắc rằng mình là công chức, dù nhận bất kỳ khoản cảm ơn nào cũng là vi phạm.

Một quan chức khác là bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) đã nói tại tòa: “Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này”.

Nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến nhận định: “Trong vụ án này, một số bị cáo không chủ động yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền nhưng đã không tránh được những cám dỗ. Dù ông Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như là tính chất nghiêm trọng của hành vi liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly”.

Tại tòa, bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) khai nhận hối lộ 9 lần, tổng số 5 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, đại diện Công ty Bluesky nhưng khẳng định trước đó không đặt yêu cầu gì.

Theo cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, lần đầu Hằng đưa tiền, ông nghĩ là "cảm ơn", muốn trả lại nhưng vì công tác phòng dịch bận nên quên. Ngay lập tức chủ tọa hỏi: "Lần đầu bảo cảm ơn thì được nhưng bị cáo nhận tiền đến 9 lần?"...

Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội các bị cáo, đại diện viện kiểm sát đánh giá, một số bị cáo đã có sự lập lờ khi cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì".

Đại diện Viện kiểm sát lập luận, các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước; hoặc buộc người đưa phải chi tiền.

Chưa kể, số tiền mà các bị cáo nhận là đặc biệt lớn, trong khi Đảng, Nhà nước và người dân đang chắt chiu từng đồng để mua sắm vắc xin chống dịch.

Về thủ đoạn phạm tội của nhóm bị cáo, đại diện viện kiểm sát cho biết, có 2 dạng. Thứ nhất là đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá, buộc doanh nghiệp đưa tiền. Thứ hai là gây khó khăn trong quá trình thẩm định, xét duyệt, dẫn tới "luật bất thành văn" rằng doanh nghiệp phải chi tiền thì mới được cấp phép.

Đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh, việc đưa vụ án ra xét xử nhằm đảm bảo sự phòng ngừa chung trong xã hội; đồng thời, tạo tính răn đe, giáo dục đối với các bị cáo.

Theo Tiền Phong