TAND tối cao vừa có quyết định số 08/2023/KN-KDTM kháng nghị và tạm đình chỉ thi hành Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 32/2022/KDTM-PT ngày 24/6/2022 của TAND cấp cao tại TPHCM cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Bản án phúc thẩm số 32/2022/KDTM-PT trước đó đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm, đồng thời tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn.
Một phần nội dung của bản án sơ thẩm số 653/2020/KDTM-ST ngày 28/5/2020 của TAND TPHCM
Tại Quyết định kháng nghị ban hành hôm 6/9, Chánh án TAND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên và hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 653/2020/KDTM-ST ngày 28/5/2020 của TAND TPHCM, giao hồ sơ vụ án cho TAND TPHCM giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định.
Hai cấp tòa bỏ sót ''người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan''
Về lý do kháng nghị, quyết định của TAND tối cao khẳng định: Ông Liên Khui Thìn khởi kiện yêu cầu hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi từ lần thứ 1 đến lần thứ 8 của công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn (viết tắt Công ty Tây Sơn) nhưng tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không đưa công ty Tây Sơn vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là xác định thiếu người tham gia tố tụng, vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Quyết định kháng nghị nêu rõ, hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại này không có tài liệu, chứng cứ về việc ông Thìn chuyển nhượng tòa bộ phần vốn góp cho bà Nguyễn Thị Tuyết Mai hay việc Công ty Tây Sơn mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Thìn cũng như về việc giảm vốn điều lệ của công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng ông Liên Khui Thìn không còn là thành viên Công ty Tây Sơn kể từ ngày 5/9/2000 xuất phát từ công văn số 123/CV-TA ngày 22/8/2000 có nội dung: “theo Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 4/8/1999 của TAND TPHCM thì mọi tài sản của Liên Khui Thìn (và của nhóm Công ty EPCO) đã được thu hồi và giao cho cơ quan chức năng bảo đảm thi hành án”.
Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 không có quy định về giải thích, đính chính, sửa chữa bản án, quyết định, đồng thời công văn này không phải là văn bản giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại Điều 365 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nên không phải là căn cứ để xác định ông Thìn không còn phần vốn góp ở Công ty Tây Sơn như tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và kết luận là có căn cứ.
Vẫn theo quyết định kháng nghị, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không thu thập Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 4/8/1999 của TAND TPHCM và Bản án hình sự phúc thẩm số 05/2000/HSPT ngày 12/1/2000 của Tòa phúc thẩm, TAND tối cao tại TPHCM (vụ án Minh Phụng – EPCO) để làm rõ ông Liên Khui Thìn có chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH EPCO hoặc tiền của tổ chức tín dụng để góp vốn vào Công ty Tây Sơn hay không, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật có xử lý phần vốn góp của ông Thìn tại Công ty Tây Sơn hay không; cũng không xem xét, đánh giá quy định của pháp luật về tư cách thành viên công ty TNHH trong trường hợp thành viên công ty TNHH là người quản lý doanh nghiệp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù theo Khoản 6 Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì có mất quyền sở hữu vốn góp hay không, có mất tư cách thành viên công ty TNHH hay không để áp dụng trong trường hợp này.
Biệt thự số 198 Võ Thị Sáu (quận 3, TPHCM) có tổng diện tích gần 2.000 m2 nơi Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn đặt trụ sở
Từ những căn cứ trên, Quyết định kháng nghị của TAND tối cao nhận định Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, còn Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thìn đều chưa đủ căn cứ pháp luật.
Theo Tiền Phong