Vụ đổ 56 lít cho bình xăng 50 lít: “Khách hàng bạt tai nhân viên là vi phạm luật”

Trước vụ việc nhân viên cây xăng ở đường Trần Cung (Hà Nội) đổ 56 lít cho bình xăng 50 lít bị khách hàng bạt tai, luật sư Nguyễn Huy An cho rằng: “Khách hàng hành xử như thế là không nên và vi phạm pháp luật”.

Liên quan tới đoạn clip được đăng tải trên nhiều diễn đàn mạng ghi lại hình ảnh người đàn ông chửi bới và tát nhân viên cây xăng trên đường Trần Cung, quận Cầu Giấy, Hà Nội vì nghi ngờ cây xăng gian lận. Theo đó, vị khách hàng xuất hiện trong clip là anh Hoàng Văn Vượng (ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội). 

Anh Vượng cho biết, tối 25/10, anh cùng vợ đang chạy xe từ Gia Lâm về nhà thì đèn xe báo còn 50km nữa hết xăng nên anh đỗ vào cây xăng trên đường Trần Cung để bơm xăng. Quá trình đổ xăng, nam nhân viên tại đây đã thông báo giá là 1.020.000 đồng cho 56,6 lít, với giá xăng là 18.000 đồng/lít.

2-97143-8caf0
Hình ảnh trong lúc bực tức anh Vượng tát nhân viên cây xăng.

Tuy nhiên, khi nhân viên này vừa dứt lời thì xảy ra cãi vã, anh Vượng cho rằng dung tích bình xăng  xe của mình chỉ có 50 lít nhưng bơm lên đến 56,6 lít. Do đó, nhân viên cây xăng bị nghi ngờ là đã gian lận để "móc túi" khách hàng.

Trong lúc bực tức, không kiềm chế, anh Vượng đã ra tay tát nam nhân viên cây xăng là anh Nguyễn Văn Tâm, đồng thời sử dụng những lời lẽ chửi bới gay gắt. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cả hai phía đã đồng loạt lên tiếng. Anh Vượng cho biết mình sẵn sàng đối chất với chủ cây xăng để làm sáng tỏ sự việc. Còn cửa hàng xăng sẵn sàng chịu mất 50 triệu đồng nếu khách hàng chứng minh được hành vi gian lận. Sau khi clip được đăng tải, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với cách hành xử của anh Vượng đối với nhân viên cây xăng.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Huy An, Văn phòng luật sư Huy An (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo quy định của pháp luật mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe. Do đó, bất kỳ hành vi xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe của người khác trái pháp luật đều là vi phạm pháp luật”.

DSCF1131 copy-8caf0
Hình ảnh anh Vượng và vợ tại gara ô tô.

Luật sư Huy An cho rằng, giả thiết có gian lận thì đây là lỗi của chủ cây xăng chứ không phải lỗi của người trực tiếp bơm xăng cho khách. Nếu có trường hợp đó khách hàng có thể khởi kiện dân sự, xử phạt hành chính, hoặc cao nhất là xử lý hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.

“Chỉ có chủ cây xăng mới đủ khả năng điều chỉnh bo mạch. Còn nhân viên chỉ làm thuê nên nếu nghi ngờ cũng cần có thái độ tôn trọng họ. Cách hành xử của khách hàng như trên là người dân chưa được tiếp cận quy phạm pháp luật, có thể do họ bức xúc dẫn đến việc không kiểm soát được hành vi của mình, nhưng quan điểm của tôi là không nên hành xử như thế vì chúng ta có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng thì nên làm gì pháp luật cho phép, không nên nóng nảy dẫn đến vi phạm”, luật sư Huy An cho hay.

Luật sư Huy An cho biết, theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Luật sư Huy An cũng đánh giá, giả thiết có trường hợp cây xăng bơm gian lận thì người tiêu dùng hoàn toàn có cơ chế pháp luật để bảo vệ mình. Đầu tiên là có quyền khiếu nại, thứ hai là khởi kiện, nếu có hành vi lừa dối khách hàng thì yêu cầu khởi tố hình sự.
 
Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất