Vừa qua, vụ việc “học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ” gây xôn xao dư luận. Nhìn nhận sự việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, đánh giá đây là “sơ suất không đáng có”.
Trong câu chuyện này, những người lớn - bao gồm cả phụ huynh và giáo viên – đều phải rút kinh nghiệm. Bởi lẽ, chính cách hành xử “không tập trung vào trẻ” có thể vô tình tạo cho trẻ sự tổn thương, tủi thân trong tâm lý các em.
“Cha mẹ và thầy cô cần hiểu rằng học sinh cấp 1 còn rất nhỏ, cần được trân trọng, quan tâm và chăm lo, bởi ở giai đoạn này, mọi hoạt động với trẻ đều có ý nghĩa giáo dục.
Tuy nhiên, trong tình huống này, cô giáo chưa làm chủ được và chưa có cách xử lý khéo léo, tinh tế để tránh làm tổn thương trẻ. Trong khi đó với trẻ, mọi việc đều cần phải xử lý tế nhị, giáo dục cho trẻ lòng thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau...
Còn các bậc cha mẹ cũng cần có cách ứng xử phù hợp hơn, không nên vì sự giận dữ mà “ném đá” ầm ĩ. Các phụ huynh trong lớp học ấy cũng không thể vì những vấn đề người lớn so kè, thiếu thống nhất mà gây ảnh hưởng đến con trẻ. Cuối cùng, chính đứa trẻ lại là người phải gánh chịu sự phân biệt đối xử”.
Theo ông Tùng Lâm, “trẻ con vốn dĩ rất trong sáng”. “Trong lớp, một vài học sinh khác đã chia sẻ đồ ăn để bạn được ăn chung. Đây là cách hành xử rất đáng quý của trẻ con mà chính người lớn cũng cần phải học”, ông Lâm nói.
Trường Tiểu học Gia Lương nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Hoài Anh
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, sự việc học sinh không được tham gia buổi liên hoan do mẹ không đóng quỹ, sau đó, bị mạng xã hội phản ứng tiêu cực, cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ.
Trước hết, trong việc ứng xử với trẻ cần phải được cân nhắc dưới các nguyên tắc đạo đức. Mọi ứng xử của người lớn cần đặt trẻ vào trung tâm, thay vì để trẻ trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử chỉ bởi những bất đồng thuận giữa người lớn.
Trong đó, thầy cô giáo cần phải hành động với tâm thiện và luôn đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Việc để một đứa trẻ cảm thấy bị phân biệt đối xử có thể gây ra tổn thương tâm lý sâu sắc.
“Nhà giáo nên tạo môi trường học tập và sinh hoạt công bằng, nơi mọi học sinh đều cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Học sinh, bất kể hoàn cảnh gia đình thế nào, cũng đều xứng đáng nhận được sự đối xử tinh tế, không tạo ra cảm nhận phân biệt trong một sự kiện chung của lớp. Việc làm tổn thương lòng tự trọng của một đứa trẻ là không thể chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Ngoài ra, theo ông Nam, nhà giáo cũng phải hành xử chính trực, minh bạch và công khai trong mọi hoạt động. Nếu có vấn đề liên quan đến tài chính, cần phải giải thích rõ ràng với phụ huynh và học sinh trước đó và đạt được sự đồng thuận.
Đối với cha mẹ, những sự việc liên quan đến trẻ em nên được xử lý một cách kín đáo và tôn trọng. Trẻ em không nên trở thành công cụ để người lớn đạt được mục đích cá nhân, dù là để thu hút sự chú ý hay tạo ra hiệu ứng truyền thông.
Cách hành xử của mọi người trên không gian mạng cũng cần đảm bảo các nguyên tắc lành mạnh, an toàn và tôn trọng, không nên lấy tình tiết câu chuyện của trẻ em làm mồi nhử “câu view”, cũng không thể vì một vụ việc lùm xùm làm trầm trọng hoá, gây ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.
“Việc sử dụng hình ảnh và câu chuyện của trẻ em để “câu view” là hành động phi đạo đức và không thể chấp nhận được. Khi có những sự việc nhạy cảm liên quan đến trẻ em, thay vì phê phán ngay lập tức, mỗi người cần lắng nghe và tìm hiểu rõ ràng trước khi đưa ra nhận định.
Trẻ em cần được bảo vệ khỏi những áp lực và tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Mọi hành động và quyết định cần được thực hiện trên tinh thần tôn trọng và yêu thương, đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Theo Vietnamnet