Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - tác giả truyện ngắn Xin Hãy Tin Em chia sẻ, nhiều kỷ niệm ùa về khi được bạn cũ, người quen gửi ảnh Bùi Thị Lệ Hằng (vai Hoài “Thát-chơ” trong phim cùng tên) bị bắt vì mua bán ma tuý.
Những năm 1986-1988, chị có cơ hội sống nội trú vài tuần cùng sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiều chuyện khiến chị ám ảnh, viết thành truyện ngắn Xin Hãy Tin Em. Sau đó, truyện được đạo diễn Đỗ Thanh Hải dựng thành phim năm 1997.
"Theo đoàn phim hàng ngày, xem Lê Vũ Long, Lệ Hằng, chị Hương Dung quay đi quay lại từng cảnh, rồi khi chiếu, phim được yêu thích và nhắc mãi. Lệ Hằng ngày ấy trong veo, hoá thân vào nhân vật khiến mình xem và khóc những cảnh cuối.
Dàn diễn viên tham gia 'Xin Hãy Tin Em' về sau vẫn vào những vai khác, phim khác, còn Hằng biến mất, để rồi đi con đường không liên quan phim ảnh, với kết cục quá dở cho một đời phụ nữ từng rực rỡ như thế".
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ mong sau này, khi Lệ Hằng quay lại cuộc sống bình thường sẽ "không phí phạm đời mình như lâu nay, vì để có tài năng như thế không phải dễ".
Lệ Hằng và Lê Vũ Long trong phim "Xin Hãy Tin Em".
Cùng tâm trạng với nhà văn Thu Huệ, đạo diễn Đức Thịnh có những chia sẻ dù chưa từng làm việc chung với Lệ Hằng.
"Vai diễn của chị rất thành công, Hoài 'Thát-chơ' là nhân vật hay nhất phim. Thời điểm đó, có lẽ chị là gương mặt tôi nhớ nhất, sau đó là anh Vũ Long vì vẻ ngoài đẹp trai", đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ.
Anh cho rằng, ở thời điểm nào cũng có những người nghệ sĩ vì ánh hào quang đến bất ngờ mà không đủ bản lĩnh để đối đầu.
"Hào quang mang lại sự nổi tiếng và tiền bạc. Nếu không bản lĩnh, sự nổi tiếng làm họ tưởng mình là ông vua, bà hoàng. Còn tiền bạc dễ quá lại nhiều cám dỗ, cộng thêm những mối quan hệ từ hào quang ấy khiến họ không kiểm soát được bản thân.
Mặt khác, hào quang của nghệ thuật mang đến, nhưng sống khép kín, không giao du, bạn cũng sẽ bị mang tiếng là chảnh... Từ đó kéo theo hệ lụy bị gạt khỏi môi trường tập thể. Nghệ sĩ sống cảm xúc nhiều hơn lý trí, nên phải thực sự bản lĩnh mới trụ được với nghệ thuật", đạo diễn Đức Thịnh khẳng định.
Anh chia sẻ nghệ sĩ muốn trụ vững với nghề, ngoài bản lĩnh còn cần đạo đức. "Mỗi con người sinh ra và lớn lên, chưa cần biết làm nghề gì, phải học đạo đức làm người trước tiên. Nó sẽ ảnh hưởng đến đạo đức làm nghề sau này.
Tôi đã sống trong môi trường nghệ thuật khá lâu, làm đủ các mảng từ điện ảnh đến âm nhạc, thực sự có nhiều trăn trở. Tuy nhiên, khó có thể định nghĩa vì bản chất của nghệ thuật rất giá trị với xã hội, chỉ có người làm nghệ thuật làm nó giá trị hơn hay tầm thường thôi", đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ thêm.
Theo Vietnamnet