Vụ Liên kết Việt lừa đảo: Đại tá "dỏm" và những chiêu lừa tinh quái

Để Công ty Liên kết Việt càng giống doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Giang đã gặp một số người từng công tác cùng trong quân ngũ, mời về làm hoặc tham dự các sự kiện của Công ty Liên kết Việt để củng cố cho việc kinh doanh đa cấp...

Năm 2005, Nghị định 110 của Chính phủ quy định thủ tục kinh doanh đa cấp đánh dấu sự ra đời của một hình thức kinh doanh mới tại Việt Nam. Khi Công ty Colony Invest Managemet Itc là công ty kinh doanh đa cấp đầu tiên ôm tiền “bùng” khỏi Việt Nam gây chấn động dư luận. Số tiền hàng trăm tỷ đồng mà các đối tượng trong công ty trên chiếm đoạt của người dân đã khiến cho hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh “tan cửa nát nhà”.

Kể từ “quả bom” Colony Invest bị vỡ đến nay, hàng chục công ty kinh doanh đa cấp biến tướng cũng đã lần lượt bị lực lượng công an triệt phá, để lại hậu quả vô cùng lớn với mức thiệt hại lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, hàng nghìn người vẫn tham gia vào “trò chơi” này với mong muốn làm giàu. Giàu đâu chưa thấy nhưng tan cửa, nát nhà, gia đình li tán, bế tắc cùng quẫn... đã trở thành hiện thực.

Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Liên kết Việt, bước đầu làm rõ công ty này lừa của người dân 1.900 tỷ đồng. Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về kinh doanh đa cấp, chúng tôi khởi đăng loạt bài này những mong mọi người sẽ tự rút ra bài học kinh nghiệm, không để sa bẫy những kẻ lừa...

Những ngày này, các điều tra viên của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng vẫn đang tất bật với việc lấy lời khai của các bị can trong vụ lừa đảo xảy ra tại Công ty Liên kết Việt. Cùng với đó, các tổ công tác khác tiếp tục tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án. Công an của 27 tỉnh, thành phố được ủy thác điều tra cũng đang khẩn trương trong việc ghi lời khai của các bị hại. Những thông tin về trò lừa đảo của các đối tượng, đặc biệt là 2 đối tượng cầm đầu Lê Xuân Giang và Nguyễn Thị Thủy bắt đầu được hé lộ…

Bỏ ra 20 triệu đồng để mua… bằng khen giả

Cho đến thời điểm này, Lê Xuân Giang đã thừa nhận mua một số bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giả cho Công ty Liên kết Việt, bản thân anh ta và một số nhân viên bên dưới thích hoành tráng như Nguyễn Thị Thủy, với giá… 20 triệu đồng của một người sống trong Nam (hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra về vấn đề làm giả này).

vu lien ket viet lua dao: dai ta "dom" va nhung chieu lua tinh quai hinh anh 1

Lê Xuân Giang trong trại tạm giam.

Sau đó, Giang tổ chức đón nhận bằng khen rầm rộ tại trụ sở công ty, mời khá đông đại biểu đến tham dự. Bởi anh ta thừa biết rằng, khi được mời đến dự, không ai lại điều tra nguồn gốc của chiếc bằng khen đó thật hay giả, vả lại cũng đâu có ai nghĩ rằng anh ta lại dám cả gan làm liều như vậy.

Về quân phục lẫn quân hàm đại tá của Lê Xuân Giang, cơ quan công an đã xác định là giả hoàn toàn. Trước đây, Giang cũng có thời gian ngắn công tác trong quân ngũ, nhưng mới chỉ có cấp hàm chuẩn úy. Sau đó, anh ta giải ngũ, ra bên ngoài làm cho một số công ty tư nhân. Thế nhưng, khi bắt đầu thành lập công ty riêng, ý định lợi dụng danh nghĩa của Bộ Quốc phòng để lấy lòng tin của người dân hình thành trong Giang.

Ngay cái tên của công ty, Giang cũng cho viết tắt là BQP để lừa bịp thiên hạ. Và anh ta đã tự trang bị cho mình một bộ quân phục của lực lượng quân đội với quân hàm đại tá. Hiện nay, theo lời Giang khai, anh ta đã mua bộ quân phục và ve hàm đại tá ở khu vực phố Lý Nam Đế.

Để Công ty Liên kết Việt càng giống doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Giang đã đến gặp một số người trước đây anh ta từng công tác cùng trong quân ngũ, giờ nghỉ hưu, mời về làm hoặc tham dự các sự kiện của Công ty Liên kết Việt. Những người này, phần nhiều tưởng Giang và công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, lại được Giang động viên mặc quân phục đến dự cho uy giống… Giang nên cứ thế theo.

Về tâm lý, Giang biết, khi thấy anh ta mặc quân phục mang hàm đại tá, rồi hoạt động công ty rầm rộ thế, chắc chẳng ai nghi ngờ, đòi kiểm tra thẻ… quân nhân (?).

Bản thân Giang không hề biết gì về kinh doanh đa cấp, nhưng có 10 tỷ đồng để ký quỹ theo quy định của việc đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp. Còn Nguyễn Thị Thủy lại có quá nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển hoạt động của kinh doanh đa cấp vì từng làm cho Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

Thủy cũng muốn tách ra làm riêng nhưng không có tiền ký quỹ xin cấp phép thành lập. Thế là khi hai bên gặp nhau, như cá gặp nước, Giang cho Thủy làm Trưởng nhóm phát triển, rồi Phó Tổng Giám đốc, mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Liên kết Việt Giang đều nghe lời Thủy chỉ vẽ…

Về số tiền thu được hơn 1.900 tỷ đồng, hiện nay theo lời khai của các bị can và tài liệu thu thập được, thì Giang đã chi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho việc trả hoa hồng (khoảng 65%) cho những người đóng góp trước đó. Tuy nhiên, khi người nào được trả hoa hồng tính trị giá khoảng 50% tiền gốc thì sẽ bị phía công ty đưa ra nhiều lý do để cắt không trả tiền hoa hồng nữa.

Giang cũng phải trả cho nhóm của Thủy khoảng 43 tỷ đồng, trả hoa hồng cho các đại lý (27 đại lý, chi nhánh) với mức 500 nghìn/mã hàng. Ngoài ra, chi lương nhân viên, chi các hoạt động quảng cáo, tổ chức sự kiện…

Cho đến khi bị cơ quan CSĐT bắt giam, trong tài khoản của công ty và cá nhân Giang còn lại khoảng 130 tỷ đồng. Số tiền này suy cho cùng, không thấm gì so với con số hàng nghìn tỷ đồng mà bọn Giang đã thu của người dân…

vu lien ket viet lua dao: dai ta "dom" va nhung chieu lua tinh quai hinh anh 2

Nguyễn Thị Thủy khóc lóc, hối hận.

Khi cơ quan công an tiến hành điều tra, cũng gặp khó khăn do các đối tượng tìm cách chống đối, không cung cấp sổ sách, tài liệu. Hơn nữa, đây là công ty tư nhân, đã có ý định trốn thuế nên rất nhiều hoạt động, chi tiêu để ngoài sổ sách, rất khó cho công tác truy tìm tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, có một thuận lợi cho cơ quan điều tra là Lê Xuân Giang khai báo khá thành khẩn. Từ lời khai của Giang, hiện nay, về cơ bản, cơ quan điều tra đã dựng lên được hành trình phạm tội của đối tượng và đồng bọn.

Bị can Thủy từng tạo cả mã ảo để lừa Chủ tịch HĐQT

Trong vụ án này, sắc sảo và đáo để nhất phải kể đến bị can Nguyễn Thị Thủy. Vốn chỉ có nghề cắt tóc gội đầu, nhưng khi có cơ hội làm giàu, Thủy rất quyết liệt, tìm cách làm giàu bằng mọi giá.

Khi về đầu quân cho Giang, Thủy đã kéo theo 4 người có khả năng làm đa cấp tạo thành một nhóm. Với mỗi mã khách hàng nộp tiền vào công ty do bọn Thủy phát triển được, Thủy yêu cầu Giang phải cắt lại 290 nghìn đồng. Sau này, với lý do bớt tiền để phát triển các đại lý miền Trung, số tiền cắt lại cho bọn Thủy còn 210 nghìn đồng.

Thế nhưng, lòng tham vô đáy, Thủy còn tạo ra những mã khách hàng ảo trên hệ thống để được cắt tiền phần trăm. Sau này, khi nghe ngóng thấy các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, Thủy và nhóm của mình nghỉ việc luôn tại Liên kết Việt. Vợ Lê Xuân Giang thuê nhóm kinh doanh khác vào tiếp cận thì mới phát hiện ra đã bị Thủy lừa hàng trăm mã ảo.

Theo tài liệu cho thấy, chỉ trong vòng 1 năm, Thủy và nhóm của mình đã được hưởng số tiền hoa hồng từ việc phát triển khách hàng là khoảng 43 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân Thủy được hưởng tận 27 tỷ đồng. Đấy là chưa kể, “đỉnh chóp” này đương nhiên sẽ luôn được nhận những phần thưởng to nhất trong các đại hội tôn vinh hoa hồng (dành cho những người phát triển được nhiều khách hàng nhất). Đó là những phần thưởng mà một công chức bình thường có nằm mơ nhiều năm cũng không có được, gồm 2 căn nhà, 1 ôtô, rồi xe máy…

Thế nhưng, theo nhận xét của điều tra viên, là phụ nữ, Thủy lại có quá nhiều quái chiêu đối phó với cơ quan công an. Khi nghỉ việc ở Công ty Liên kết Việt, Thủy vứt tất cả tài liệu liên quan vào phòng toilet của nhà chị ta. Nước chảy, ẩm mốc khiến nhiều giấy tờ bị hủy hoại.

Khi thu giữ đống tài liệu này về, đại tá Trần Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra án kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, đơn vị thụ lý vụ án - đã phải cho các điều tra viên đi mua mấy cái máy sấy về xì khô từng tờ tài liệu. Sau đó, nếu tờ nào có nguy cơ mục nát thì chụp, photocopy để lưu lại.

Trong quá trình cơ quan điều tra gọi hỏi, Thủy cũng luôn tìm cách chối tội. Chị ta một mực chối bay biến: “Tôi chỉ làm nhân viên bình thường của Công ty Liên kết Việt, tuổi gì mà tôi lên được Phó Tổng Giám đốc công ty, các anh nhầm rồi”. Thủy cũng giấu tiệt tờ quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc của mình. Chỉ đến khi, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra truy tìm được tờ quyết định kia, cộng với lời khai của Giang và những nhân viên trong công ty, những tài liệu giấy tờ thu thập được khác thì cuối cùng, Thủy mới chịu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trong trại tạm giam, cả Giang và Thủy đều hay khóc. Giang bảo: “Tiền nhiều chết có mang theo được đâu”, còn Thủy lo việc làm của mình ảnh hưởng đến tương lai của con sau này. Nhưng mọi sự ân hận đều quá muộn màng. Hàng nghìn, hàng vạn người bị hại cùng gia đình họ đang rơi vào hoàn cảnh khốn cùng khi bị hút vào vòng xoáy lừa đảo kinh doanh đa cấp của Công ty Liên kết Việt.

Theo Công an nhân dân


Tin tức mới nhất