Vạch mặt chiêu trò kinh doanh đa cấp

Điều tra của Báo Giao thông cho thấy, hoạt động từ thiện cũng nhằm che mắt chiêu trò kinh doanh đa cấp.

Điều tra của Báo Giao thông cho thấy, hoạt động từ thiện (nếu có) của Câu lạc bộ (CLB) Sức khỏe Việt thuộc Trung tâm Khí công và dạy nghề nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ Hà Nội) cũng nhằm che mắt chiêu trò kinh doanh đa cấp.

Nhận “lương” 63 triệu phải huy động hơn 2 tỷ

Trong lần chia sẻ với Báo Giao thông, H. nhân viên tư vấn của CLB cho biết, dù mới bắt đầu được hai tháng, hệ thống mã (số người tham gia) của chương trình cấp vốn đã lên tới hàng nghìn người.

Vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp cho người tham gia, H. nói: “Mời thêm người thì tốt, mà không lôi kéo được cũng không sao. Chỉ cần đóng vốn một lần duy nhất (từ 1-1,65 triệu đồng), người chơi sẽ được xếp theo số thứ tự, ai vào trước được cấp vốn trước, vào sau lấy sau”.

Từ chối gặp, thách thức PV

Để rộng đường dư luận, PV Báo Giao thông đã tìm cách liên hệ với ông Hoàng Vũ Thăng, Giám đốc Trung tâm Khí công và dạy nghề nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ Hà Nội). Đáp lại, vị giám đốc này từ chối không tiếp, bởi ông cho rằng: PV không đủ “thẩm quyền” và “tư cách”. “Báo chí muốn tìm hiểu chúng tôi không phải dễ đâu!”, vị giám đốc nói với giọng đầy thách thức!

H. dẫn giải trơn chu: “Thêm một người tham gia, bạn sẽ được cấp vốn 100 nghìn đồng. Khi có hai người nhận được hỗ trợ 100 nghìn đồng, thì bạn được 250 nghìn đồng. Khi có ba người nhận hỗ trợ từ 250 nghìn đồng bạn đã được 500 nghìn đồng... cứ như thế, cho tới khi có 10 người nhận mức hỗ trợ 10 triệu đồng, ta sẽ được 55 triệu đồng ở mức 1 (đầu vào 1 triệu đồng) và 63 triệu đồng (đầu vào là 1,65 triệu đồng). Ở mỗi mức, CLB sẽ tặng thêm mã để tái tham gia, tăng cấp. Một tháng chốt cấp vốn (trả lương) hai lần, tùy thuộc vào số người tham gia nhiều hay ít”.

Nói thì hay, song thực tế, theo tính toán của PV, muốn đạt được mức cao nhất, ít ra cũng phải có thêm 1.280 người tham gia góp vốn đằng sau, tương ứng với số vốn huy động được lần lượt là 1,28 tỷ đồng (mức góp 1 triệu) và 2,112 tỷ đồng (mức góp 1,65 triệu đồng).

Trong thời gian tìm hiểu CLB Sức khỏe Việt, chúng tôi đã gặp L. (Hà Đông, Hà Nội), một người sống bằng nghề đi săn và tham gia các chương trình kinh doanh đa cấp. L. cho biết, qua lời giới thiệu của nhóm bạn “đa cấp”, anh tham gia chương trình góp vốn của CLB cách đây hơn hai tháng.

Vạch mặt chiêu trò kinh doanh đa cấp - 1
Chủ tịch CLB Sức khỏe Việt tư vấn “cách làm giàu” cho khách hàng

Gặp L. trong lúc tới CLB “lĩnh lương” hụt, anh lắc đầu, xua tay với chúng tôi: “Về đi, hôm nay chưa có lương đâu, hệ thống báo lỗi”. Được biết, L. đã góp 5 mã vào CLB (tương đương 5 triệu đồng), sau hơn hai tháng. Theo lịch hẹn anh sẽ được cấp vốn, tiền thưởng khoảng 1,7 triệu đồng, song tới nay, thực chất L. mới chỉ nhận được 500 nghìn đồng.

“Chơi ở đây số vốn nhỏ, tôi đang tính tham gia chương trình khác hay hơn, lãi nhanh hơn”, L. thất vọng nói.

Lộ mô hình đa cấp núp bóng từ thiện tương tự

Được biết, thời gian qua, mô hình kinh doanh đa cấp núp bóng từ thiện tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) cũng đã lộ diện. Theo đó, nhân viên CLB “Chung tay vì cộng đồng Đất Việt” thuộc Công ty CP Đầu tư Thiện Phước đến tận nhà vận động người dân tham gia đóng phí ít nhất 1 triệu đồng.

Có hay không hoạt động từ thiện?

Quay trở lại số tiền 1 triệu đồng kinh phí “tự nguyện” mà hội viên phải đóng khi tham gia CLB. Số tiền này được chia làm hai phần, trong đó 500 nghìn đồng được đưa vào Quỹ khen thưởng (thực chất là tiền chia “hoa hồng” cho các hội viên). Phần còn lại được chi cho một số mục đích, trong đó có nhắc đến hoạt động từ thiện. Trong 100 nghìn đồng nộp vào Quỹ từ tâm, thành viên nhận lại một số sản phẩm như nước súc miệng, cao xoa bóp, cao dán… (bản chất là bán hàng). Phần đóng góp trực tiếp vào Quỹ từ thiện chỉ có 50 nghìn đồng.


Cứ như vậy, người chơi không cần làm gì, họ sẽ được hưởng các khoản tiền tri ân, theo 12 tầng trích ra từ tiền của các thành viên mới tham gia CLB sau họ. Nếu mời thêm các thành viên mới, mỗi thành viên được trích ngay “hoa hồng” 300 nghìn đồng.

Cũng giống như CLB Sức khỏe Việt, khi được hỏi, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Thiện Phước một mực không thừa nhận đang hoạt động kinh doanh đa cấp mà chỉ là quyên góp “quỹ từ thiện”?!

Khi PV đặt vấn đề làm từ thiện như thế nào, ông Lại Duy Thao, Chủ tịch CLB cho biết: “Khi có hoạt động từ thiện, các thành viên của hội đều được tham gia, thậm chí có thể tự đề xuất những trường hợp khó khăn cần hỗ trợ để chúng tôi phê duyệt”.

Ông Thao cũng chia sẻ, trong dịp Tết Trung thu vừa qua, CLB đã tổ chức phát quà cho thiếu nhi tại các tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn... “Chúng tôi cũng làm công văn tới Hội Chữ thập đỏ các tỉnh để mời hội viên tham gia chương trình”, ông Thao nói.

Tuy nhiên, khi hỏi L. về hoạt động từ thiện, nghe xong anh cười vẻ ngạc nhiên: “Từ ngày tôi vào đây, chưa bao giờ thấy CLB rủ đi làm từ thiện cả”.

Để kiểm chứng, PV đem câu chuyện làm từ thiện của CLB tới Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái. Trước thông tin CLB Sức khỏe Việt gửi công văn và làm từ thiện trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái phủ nhận: “Họ nói linh tinh, chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo, giấy tờ gì liên quan tới hoạt động của CLB này”.

Ông Minh cho biết, gần đây, ông nhận được nhiều thông tin về việc lợi dụng từ thiện để kinh doanh đa cấp. “Họ nói làm từ thiện, nhưng lại vận động người dân bán hàng, góp vốn. Nhiều người cả tin tham gia, vận động thêm anh em, họ hàng nữa”. Ông Minh nhận định: “Cũng có thể họ làm từ thiện thật, nhưng lại đem chuyện đó để lấp liếm chuyện khác. Người dân cần xem lại thông tin, cảnh giác để tránh bị lừa đảo. Tất cả hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh đều thông qua Hội Chữ thập đỏ để thông báo với bà con, chứ làm gì có chuyện “đi ngang về tắt như vậy”.

Theo Báo giao thông vận tải

Tin tức mới nhất