Xuyên đêm 9/1, các cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện tiếp tục được huy động tới hiện trường vụ máy bay quân sự Su 22 rơi tại phường Điện Nam Bắc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Các mảnh vỡ được thu gom, tập kết về một điểm và được xe cẩu đưa lên xe chuyên dụng quân đội để đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ rơi máy bay tại Quảng Nam (Ảnh: A Núi).
Cả xóm nhỏ ở phường Điện Nam Bắc vẫn còn "hết hồn" sau vụ việc. Chị Phan Thị Tuyến (46 tuổi) cho hay, khoảng 11h trưa, chồng chị là anh Nguyễn Thanh Hùng (người dân bị thương trong vụ rơi máy bay) đang chặt chuối sau vườn nhà thì bất ngờ bị mảnh vỡ máy bay rơi trúng.
"Sau tiếng nổ lớn hết hồn, tôi chạy ra sau vườn thì thấy nhiều mảnh vỡ máy bay bốc cháy, còn chồng tôi ngồi ôm đầu", chị Tuyến nhớ lại và cho hay hàng xóm đã đưa chồng chị đi cấp cứu sau đó.
Chị Phan Thị Tuyến vợ của anh Nguyễn Thanh Hùng (người bị thương trong vụ rơi máy bay) (Ảnh: Hoài Sơn).
Còn bà Đặng Thị Hậu kể, bà đang ở trong nhà thì nghe một tiếng "rầm" rất lớn, nhìn ra ngoài thì thấy máy bay rơi và khói bốc nghi ngút. Bà vội chạy ra hô hoán cứu người, khi đi tới vị trí phi công nhảy dù thì bà nghe được thông báo "phi công đã an toàn".
Vẫn còn run khi nhớ lại thời khắc máy bay rơi, ông Nguyễn Chí Thành cho hay, ông nghe một tiếng nổ lớn và có cột khói đen bốc lên. Ông biết có chuyện chẳng lành nên chạy đến hiện trường thì thấy máy bay rơi nên thông báo người dân không được đến gần hiện trường. Ít phút sau, công an đã nhanh chóng có mặt.
Theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, vụ rơi máy bay làm hư hỏng mái ngói, sập tường của một hộ dân.
Các mảnh vỡ của máy bay được lực lượng chức năng thu gom (Ảnh: Hoài Sơn).
Nguyên nhân ban đầu, theo thông tin do phi công cung cấp, máy bay đang bay huấn luyện thì mất kiểm soát, phi công nhảy dù xuống đất an toàn, máy bay rơi và phát ra tiếng nổ.
Theo UBND xã Điện Bàn, đây là loại máy bay quân sự số hiệu 90, loại Su 22 của Trung đoàn 929 - Sư đoàn 372 thuộc Quân chủng Phòng không không quân, do phi công Đỗ Tiến Đức (35 tuổi) điều khiển.
Theo Dân Trí