Ngày 17/8, sự việc một sản phụ chuyển dạ ở Bình Phước bị tài xế xe taxi đuổi xuống xe giữa đường, bé trai tử vong khi vừa mới sinh, khiến dư luận bức xúc.

Vì sao bé sơ sinh tử vong?

Phân tích về khả năng gây tử vong của bé trai, bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương (Hà Nội), cho biết: "Nguyên nhân tử vong của bé trai rất khó đoán. Chúng ta cần có đủ thông tin về tình trạng của mẹ và con trong thời điểm đó. Có những nguyên nhân tồn tại từ trước sinh, trong quá trình chuyển dạ hoặc sau sinh. Theo dữ liệu báo chí cung cấp, nguyên nhân cao gây tử vong có thể là thai non tháng (7 tháng tương ứng 28 tuần).

Ngoài ra, có thể trẻ kèm theo các dị tật về tim bẩm sinh khác chưa được phát hiện từ trước hay chuyển dạ khi ngôi thai chưa thuận, gây sang chấn, tổn thương. Trẻ sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần so với bé đủ tháng do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp và những trở ngại trong nuôi dưỡng".

Bác sĩ sản khoa này chia sẻ thêm ngoài nguyên nhân từ trẻ, trong trường hợp này, mẹ mất máu cấp cũng giảm khối lượng tuần hoàn đột ngột, gây mất tim thai khi chuyển dạ. Nhiều trường hợp sau sinh không có nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời bị suy hô hấp cấp.

Cách sơ cứu khi sinh con ngoại viện

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), chuyên gia về hồi sức - cấp cứu nhi, cho biết trong trường hợp sản phụ phải vượt cạn giữa đường, mẹ và em bé vẫn đảm bảo được an toàn nếu người nhà biết cách sơ cứu.

Điều đầu tiên, khi trẻ vừa chào đời, người nhà phải kẹp dây rốn trẻ ngay lập tức để tránh mất máu và bé có thể tử vong vì sốc mất máu.

Nếu có phương tiện, người nhà có thể cắt dây rốn tại chỗ bằng cách lấy dây vải cột lại, xé một đoạn vải từ quần áo để cột dây rốn. Ngoài ra, bác sĩ Tiến cho biết dao lam, kéo hoặc dao mới cũng có thể dùng để cắt dây rốn. Tuy nhiên, sau khi cắt dây rốn bằng các dụng cụ này, trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng uốn ván nên cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm ngừa vắc xin.

Vụ tài xế bỏ rơi sản phụ: Nguyên nhân gì khiến bé sơ sinh tử vong?-1
Sản phụ sinh con giữa đường, nhưng cháu bé tử vong sau đó. Ảnh: CTV.

Điều quan trọng tiếp theo là phải giữ ấm cho trẻ. Khi bé phải thay đổi môi trường sống đột ngột từ bụng mẹ ra bên ngoài, bé cần phải được giữ ấm bằng khăn, chăn mền để giữ thân nhiệt ổn định, tránh bị lạnh.

Nếu thấy bé sơ sinh có nhiều đờm nhớt, người nhà nên giữ cơ thể bé nằm nghiêng một bên, sau đó nhẹ nhàng lau sạch đờm nhớt, dịch nhờn để giữ ấm cho bé.

Khi người mẹ vượt cạn giữa đường, trẻ sơ sinh đủ tháng vẫn có thể tự hít khí trời. Người nhà đi cùng sản phụ chỉ cần kẹp dây rốn, giữ ấm và chuyển nhanh đến bệnh viện là bé được cứu sống. Trên đường đi, người mẹ nên cho bé bú sữa vì con có thể bị đói và hạ đường huyết.

Lưu ý, đối với những trẻ sơ sinh thiếu tháng, chưa thể tự thở được, bé có thể không trao đổi được oxy dẫn đến suy hô hấp và tử vong trong khoảng 30 phút. Vì vậy, sau khi sinh ngoại viện, gia đình cần nhanh chóng đưa sản phụ và em bé đến cơ sở y tế gần nhất.

Sản phụ sinh con trên xe gây xui xẻo: Quan niệm sai lầm!

ThS.BS Nguyễn Đức Toản, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), cho biết: "Nhiều nhà xe, tài xế hiện vẫn còn quan niệm chở sản phụ sắp sinh hoặc để sản phụ sinh con trên xe sẽ mang đến điều kém may mắn. Quan điểm này dân gian còn gọi là Phạng Long. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm và cần loại bỏ triệt để”.

Bác sĩ này chia sẻ trước kia vì quan niệm phụ nữ sinh con gây ô uế, xui xẻo nên nhiều tài xế không nhận đưa sản phụ đến bệnh viện. Do đó, nhiều tai biến sản khoa đã xảy ra ở làng quê, vùng sâu vùng xa. Nhiều bà mẹ phải sinh con con sau vườn, ngoài suối, gây nguy hiểm đến tính mạng của cả hai.

“Chỉ cần sản phụ được đưa về nhà, đến trạm y tế hay bất cứ nhà dân nào để được hỗ trợ, khả năng sống của mẹ và bé rất cao. Nếu đưa đến bệnh viện, khả năng sống càng cao hơn”, bác sĩ Toản nhấn mạnh.

Bác sĩ Tiến khẳng định nếu sản phụ đang trong tình huống nguy hiểm, những người đi cùng phải có trách nhiệm, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối đưa người mẹ đến bệnh viện.

Về kỹ năng sơ cứu khi gặp trường hợp người mẹ sinh “rớt”, bác sĩ Toản hướng dẫn việc đầu tiên là cần động viên người mẹ nằm dạng chân rộng. Nếu có bàn ghế cao, cho sản phụ nằm lên để đón bé sơ sinh dễ dàng hơn.

Tiếp theo, kẹp dây rốn và tách bé ra khỏi người mẹ để tiến hành sơ cấp cứu cho bé. Người nhà có thể kích thích vào lòng bàn chân của bé nếu thấy trẻ không khóc. Điều quan trọng cuối cùng là lau khô, giữ ấm, cho bé nằm nơi kín gió để tránh nhiễm lạnh và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo Zing