Vào ngày 6/10, dư luận Thái Lan đã chấn động trước vụ tấn công nhà trẻ kinh hoàng do cựu cảnh sát Panya Khamrapm gây ra.
Người phát ngôn phía cảnh sát cho biết, ít nhất 38 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau vụ việc. Những tình tiết mới xung quanh vụ tấn công này cũng đã được truyền thông Thái Lan đăng tải.
"Đó là cảnh tượng không ai muốn nhìn thấy"
Vào cuối ngày 6/10, những chiếc quan tài màu trắng đã di chuyển ra bên ngoài nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lamphu, đưa lên một xe tải và lặng lẽ chuyển đi trong bóng đêm.
Một nhân viên cứu hộ có mặt tại hiện trường cho hay: "Không ai muốn điều này xảy ra. Đó là một cảnh không ai muốn nhìn thấy. Thật kinh hoàng".
Những chiếc quan tài được di chuyển ra khỏi hiện trường vụ việc.
Rất nhiều gia đình đã có mặt tại hiện trường sau khi vụ việc xảy ra. Họ vẫn chưa tin rằng thảm kịch này lại rơi trúng vào các em nhỏ vô tội. "Tại sao hung thủ lại làm vậy với bọn trẻ? Tại sao lại sát hại chúng khi chúng không làm gì", Naliwan Dungkhet, người có cháu trai thiệt mạng trong vụ tấn công, cho hay.
"Tôi quá đau đớn và tức giận vì tôi không thể làm gì để cứu các cháu", bà Nipha Lawongsechaison, người có hai cháu thiệt mạng trong vụ tấn công, bàng hoàng nói.
Seksan Sriraj, 28 tuổi, chồng của cô giáo mang bầu 8 tháng bị thiệt mạng, nức nở nói: "Tôi đã khóc cạn nước mắt. Nỗi đau này quá lớn. Vợ và con tôi đã sang thế giới bên kia. Tôi không biết mình sẽ sống ra sao với quãng đời còn lại".
Các gia đình không kiềm nổi nước mắt trước nỗi đau quá lớn.
Mẹ hung thủ và hàng xóm nói gì?
Theo lời cảnh sát và mẹ của hung thủ, trước khi gây ra vụ tấn công, trạng thái tinh thần của Panya Khamrapm đã bất ổn. "Nghi phạm có thể đã bị căng thẳng và bị ảnh hưởng bởi chất gây nghiện dẫn đến những hành động bi thảm này", cảnh sát trưởng Damrongsak Kittiprapas cho biết.
"Nhà của nghi phạm gần nhà trẻ. Người này có thể coi đó là một mục tiêu gần và lũ trẻ không có vũ khí", cảnh sát trưởng nói thêm.
Phó cảnh sát trưởng Torsak Sukwimol cũng tiết lộ lời kể của mẹ tay súng, nói rằng con trai bà có vẻ căng thẳng sau khi rời tòa án vào sáng 6/10. Sau đó, hung thủ đã uống một số loại thuốc và bắt đầu bị hoang tưởng. Được biết, Panya Khamrapm gây án trước ngày hắn nghe phán quyết cuối cùng của tòa án.
Hung thủ đã có trạng thái tinh thần bất ổn trước khi gây án.
Một người hàng xóm gần nhà hung thủ cho biết, Panya Khamrab khi nhỏ là một đứa trẻ vui vẻ và hòa đồng nhưng khi lớn lên thì trở nên khá lạnh lùng, không gần gũi với mọi người xung quanh. Người này cho biết thêm, Panya Khamrab được tuyển dụng làm cảnh sát được 3-4 năm nhưng sau đó bị sa thải vì sử dụng chất cấm.
Sau khi bị sa thải, vợ chồng Panya Khamrab thường xuyên lục đục, cãi vã. Vợ của hung thủ được cho là rất tức giận với hành động của chồng và không ra tòa cùng anh. Sau khi gây án ở nhà trẻ, cựu cảnh sát này đã về nhà và sát hại cả vợ lẫn con trai rồi tự tử.
Người dân đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân tại hiện trường vụ tấn công.
Cuộc sống riêng tư phức tạp
Theo tờ The Nation Thailand, hung thủ từng chĩa súng vào một giám đốc ngân hàng khi ông này phàn nàn việc Panya Khamrab ngủ trong xe cảnh sát, đỗ bên ngoài ngân hàng, trong lúc làm nhiệm vụ.
Vào năm ngoái, người đàn ông cũng đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa với vợ khi anh này có mối quan hệ với người phụ nữ khác. Ngoài ra, cựu cảnh sát đã tấn công một người hàng xóm khi lên tiếng chê trách về những bữa tiệc ồn ào trong nhà của Panya.
Paisal Luesomboon, phát ngôn viên cơ quan an ninh, đã chia sẻ một trong những lý do dẫn đến thảm kịch trên: "Anh ta đã bị căng thẳng từ trước đó. Và khi không tìm thấy con mình trong nhà trẻ, anh ta càng căng thẳng hơn nên bắt đầu nổ súng. Sau đó anh ta lái xe về nhà và giết vợ con mình trước khi tự sát".
Theo cảnh sát, hung thủ Panya Kamrab đã sử dụng súng lục và một con dao để gây án tại nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lamphu.
Nhà trẻ nơi xảy ra vụ tấn công.
Niềm hy vọng còn sót lại!
Tại bệnh viện Nong Bua Lamphu, vẫn có những điểm sáng le lói giữa không khí tang thương u tối. Một đám đông xếp hàng tại bệnh viện để chờ đến lượt mình hiến máu với mục đích cứu sống các nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Người dân Thái Lan lúc này đoàn kết bên nhau để cùng vượt qua nỗi mất mát quá lớn này.
Cô Joy đang túc trực bên ngoài phòng bệnh khi con cô vừa hoàn thành ca phẫu thuật. Cậu bé Sumaee đã bị tấn công vào đầu và nhận hai viên đạn khi đang ở nhà trẻ. Cô Joy cho hay, khi nhận được tin dữ, cô đã chạy ngay đến hiện trường. Khung cảnh tang tóc khiến cô Joy ngất ngay tại chỗ.
Người dân tập trung ở bệnh viện để hiến máu cứu các nạn nhân.
Cô Joy vẫn ám ảnh với những gì đã xảy ra.
Khi đưa con trai đến bệnh viện cấp cứu, cô Joy đã cố gắng động viên con mình hãy mạnh mẽ lên, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. Cô Joy là một trong số ít những bà mẹ may mắn khi không phải trải qua nỗi đau mất con nhưng người phụ nữ này cho hay vụ việc khiến cô ám ảnh và đau đớn. Cô đang suy nghĩ việc có nên cho con trai quay trở lại nhà trẻ hay không.
Theo truyền thông địa phương, gia đình các nạn nhân sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ chi phí tang lễ, thuốc men điều trị. Bên cạnh đó, một nhóm các chuyên gia đã được cử đến để hỗ trợ điều trị tâm lý cho trẻ em và các gia đình nạn nhân.
Theo Phụ nữ Việt Nam