Bắt chủ nhân Tịnh thất Bồng Lai

Vụ 'Tịnh thất Bồng Lai', Lê Tùng Vân liệu có bị bắt tạm giam?

Nếu CQĐT tiếp tục khởi tố bị can ông Lê Tùng Vân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội xâm phạm tình dục với tình tiết định khung là "có tính chất loạn luân", rất có thể ông Tùng Vân sẽ bị bắt giam.

Công an huyện Đức Hoà, tỉnh Long An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 người sinh sống tại “Tịnh thất Bồng Lai” về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ, vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Riêng ông Lê Tùng Vân (90 tuổi, ở tỉnh Long An) được cho tại ngoại.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, ông Lê Tùng Vân được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại) là do ông này mới chỉ bị khởi tố bị can về một tội danh ít nghiêm trọng.

Trước đó, CQĐT khởi tố vụ án để làm rõ nhiều tội danh như lừa đảo chiếm đoạt tài sản; loạn luân; lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Vụ Tịnh thất Bồng Lai, Lê Tùng Vân liệu có bị bắt tạm giam?-1
Ông Lê Tùng Vân và 3 người con đã bị khởi tố 

Về nguyên tắc, sau khi khởi tố vụ án hình sự (do có dấu hiệu tội phạm), CQĐT sẽ tiếp tục xem xét, làm rõ vai trò của các nghi can để tiến hành khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

"Khởi tố vụ án" và "khởi tố bị can" là các quyết định tố tụng khác nhau, hậu quả pháp lý khác nhau.

Việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can có thể thực hiện đồng thời hoặc cũng có thể khởi tố vụ án trước, sau đó tiến hành điều tra, trong quá trình điều tra làm rõ hành vi của bị can nào sẽ khởi tố bị can đó.

Bởi vậy, nếu mới chỉ khởi tố vụ án thì chưa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân nào, còn khi đã khởi tố bị can thì sẽ xác định cụ thể người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là ai, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong quá trình điều tra, CQĐT sẽ khởi tố các bị can về các tội danh đã được khởi tố trước đó. Có thể khởi tố một bị can với nhiều tội danh, theo đó sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác nhau.

“Với tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Tùng Vân là có căn cứ”, luật sư cho hay.

Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là tội ít nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 1 và là tội nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 2 của điều luật.

Việc xác định loại tội ít nghiêm trọng hay tội nghiêm trọng... sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Theo luật sư, việc phân biệt các loại tội phạm được Điều 9, BLHS năm 2015 quy định như sau: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 3 - 7 năm tù.

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7- 15 năm tù.

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15- 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Khi nào ông Lê Tùng Vân bị tam giam?

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì biện pháp tạm giam sẽ áp dụng đối với các bị can bị khởi tố trong khung hình phạt có tội danh từ 7 năm tù trở lên đến 15 năm tù (là tội rất nghiêm trọng) và tội danh có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: BLTT hình sự cũng quy định, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó không có nơi cư trú rõ ràng, bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra....

Trường hợp, CQĐT khởi tố theo khoản 2 điều 331 với mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù đối với ông Lê Tùng Vân, nhưng ông này được xác định là người "già yếu" (trên 75 tuổi) và không thuộc một trong các trường hợp bắt buộc phải áp dụng biện pháp tạm giam theo Điều 119 BLTT hình sự thì CQĐT sẽ ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú với bị can này.

Vẫn theo luật sư, quá trình điều tra, nếu CQĐT tiếp tục khởi tố bị can ông Lê Tùng Vân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Xâm phạm tình dục (Hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu..) với tình tiết định khung là "có tính chất loạn luân" thì rất có thể CQĐT sẽ áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông này.

Trừ trường hợp có căn cứ cho thấy ông ta thuộc trường hợp "là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng".

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vu-tinh-that-bong-lai-ong-le-tung-van-lieu-co-bi-bat-tam-giam-807454.html?fbclid=IwAR2T7eC57ShskW2peZER0XKUP_0voBxGA0a_F5LD9d_wvWCxotyiO8xi_hI

Lê Tùng Vân Tịnh Thất Bồng Lai

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Bắt chủ nhân Tịnh thất Bồng Lai