Năm 2013, tôi và một số người cùng đơn vị học một lớp quản  lý dự án do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức tại Trung tâm đào tạo (ICT), thành phố Torino (chúng ta hay gọi là Turin) xinh đẹp, nơi có đội bóng đá Juventus nổi tiếng thế giới.

Xem Tây ngẫm ta, thanh niên xăm trổ Ý
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Thống kê Phạm Hoài Nam

Đây là một số câu chuyện mà tôi quan sát được trên đất Ý.

Chuyện thứ nhất

Buổi chiều hôm đó, tôi và các bạn đang lang thang trong thành phố, chúng tôi nhìn thấy 2 thanh niên, khoảng 15-16 tuổi đang phì phèo điếu thuốc trên tay và tay kia cầm chai bia vừa đi vừa uống.

Bất chợt các bạn ấy đứng nép vào tường, giấu thuốc lá và bia ra sau lưng. Chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu chuyện gì, vì nhìn quanh, ngoài chúng tôi chỉ thấy 2 cụ già tiến lại gần bọn trẻ.

Hai cụ chừng khoảng trên 70 tuổi, nhìn dáng đi rất chậm chạp, có cụ còn dùng cả gậy chống.

Sau khi các cụ đi khỏi (khoảng hơn 20m) bọn trẻ lại tiếp tục hút thuốc và uống bia như lúc trước khi các cụ già xuất hiện. Tìm hiểu thì được biết, pháp luật của Ý cấm bọn trẻ chưa đến tuổi hút thuốc và dùng đồ uống có cồn. Nhưng càng lạ hơn là tại sao chúng phải giấu, không cho các cụ già thấy?.

Có thể lý giải là chúng rất tôn trọng người già, không muốn bị các cụ nhắc nhở về hành động vi phạm của bản thân.

Chuyện thứ hai

Một buổi tối, lớp chúng tôi được tổ chức đưa đi siêu thị, ban chủ nhiệm lớp có yêu cầu đúng 21h30 sẽ đón học viên đưa về trường.

Tuy nhiên, nhóm học viên Việt Nam chúng tôi quyết định tự về vì như vậy sẽ rất ít thời gian. Gần 23h, chúng tôi ra về và thật xui là không thể bắt được taxi (có lẽ do siêu thị ở khác xa trung tâm). Chúng tôi quyết định đi tìm bến xe bus.

Xem Tây ngẫm ta, thanh niên xăm trổ Ý
Tác giả trong một chuyến du lịch nước Ý

Đang đi bỗng trông thấy 2 thanh niên (khoảng trên 20 tuổi), đầu cắt trọc, xăm trổ khắp người. Thấy vậy, mọi người rất e ngại vì nghe nói đến đầu trọc Ý manh động, đặc biệt là vấn đề phân biệt chủng tộc.

Vì trời đã khuya, sợ về trễ sẽ bị nhà trường phê bình, nên chúng tôi đành liều mình hỏi thăm đường về, bằng cách đưa card visit có địa chỉ của trường và đề nghị 2 thanh niên giúp đỡ chỉ hộ tuyến xe bus (một trong những lý do khiến chúng tôi lúng túng vì các bến xe bus hoàn toàn chỉ có chữ tiếng Ý, không có chữ tiếng Anh).

Lúc này, 2 thanh niên đầu trọc bắt đầu trao đổi với nhau và có vẻ rất căng thẳng, có lẽ mỗi người có quan điểm khác nhau. Sau hồi trao đổi, 2 thanh niên dẫn chúng tôi tới một bến xe bus.

Chờ một lúc, một chiếc xe bus dừng lại. Một trong 2 thanh niên đầu trọc lên xe và trao đổi với người lái xe. Rồi họ xuống ra hiệu cho chúng tôi lên xe để về trường.

Xem Tây ngẫm ta, thanh niên xăm trổ Ý
Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến công tác nước Ý


Thật sự chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về sự nhiệt tình của 2 thanh niên - khác hẳn với biểu hiện bề ngoài mà chúng tôi cảm nhận về họ.

Dọc đường về, ở đất nước xa xôi như vậy, được giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo bằng những thanh niên nhìn có vẻ bặm trợn làm chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về văn hóa ứng xử của thanh niên trên đất Ý.

Thật cảm động hết sức!

Đất nước hình chiếc ủng đã đi vào thơ ca của bao nhiêu thi hào với những phong cảnh tuyệt vời...

Theo Vietnamnet