Game show Vợ chồng son mới đây bị phản ứng vì sự xuất hiện của một cặp đôi chênh lệch 20 tuổi, thản nhiên kể chuyện giường chiếu và hành trình từ cha - con nuôi trở thành vợ chồng.
Song, vấn đề đáng lưu tâm là phần nội dung phản cảm, bị chỉ trích lại nằm ở bản full (đầy đủ) đăng tải tại kênh riêng của nhà sản xuất trên YouTube. Trong khi, với bản lên sóng truyền hình trước đó, những chia sẻ gây tranh cãi này đã được nhà đài biên tập, cắt bớt đi.
Trường hợp của Vợ chồng son là một điển hình của thị trường game show Việt hiện nay, tức nhà sản xuất sau khi kết hợp với đài truyền hình phát sóng, sẽ tiếp tục đăng tải chương trình của mình lên kênh riêng, thậm chí với thời lượng dài hơn và những nội dung “hút view” hơn.
"Vợ chồng son" đăng bản trên mạng với thời lượng dài hơn bản truyền hình.
Khi game show Việt không còn nhờ vào sóng truyền hình
Thảo Minh (26 tuổi, TP.HCM) từng là một trong những khán giả trung thành của sóng giờ vàng cuối tuần trên VTV lẫn HTV. Cô không nhớ mình đã theo dõi bao nhiêu game show, chương trình truyền hình thực tế của hai đài này nhưng đặc biệt yêu thích những chương trình thiên về giải trí.
“Mình bắt đầu xem truyền hình thực tế từ hồi sinh viên, khoảng năm 2012, 2013 với những chương trình như The Voice. Hồi ấy, nhiều chương trình được truyền hình trực tiếp. Bản full của mỗi tập thường không được đăng tải ngay trên mạng, thay vào đó chỉ là những trích đoạn. Do vậy, để xem bản chất lượng tốt nhất và sớm nhất chỉ có cách xem qua truyền hình”, cô gái 26 tuổi nhớ lại.
Thảo Minh hiện đã đi làm được vài năm nhưng vẫn nhận “fan” của game show Việt. Nhưng cô cho biết từ lâu đã không còn thói quen xem các chương trình mà mình yêu thích qua truyền hình.
“Các game show giờ đa phần quay sẵn. Ví dụ Ơn giờ cậu đây rồi tối 24/5, ngay khi phát trên truyền hình đã có bản full trên mạng, tại kênh của nhà sản xuất với chất lượng hình ảnh tương đương, lại quảng cáo ít hơn. Do vậy, mình không cần phải xem chương trình qua tivi”, cô gái TP.HCM cho hay.
Thảo Minh không phải khán giả duy nhất xem bản đăng tải trên mạng của tập 1, mùa 7 vừa lên sóng của Ơn giời, cậu đây rồi. Bởi lẽ, sau chưa đầy một ngày đăng tải, bản trên mạng của chương trình này đang có hơn 650.000 lượt xem.
Và đây cũng không phải game show duy nhất vừa phát truyền hình vừa đăng trên kênh riêng YouTube của đơn vị sản xuất.
"Ơn giời cậu đây rồi" vừa phát truyền hình, vừa có thể xem dễ dàng trên kênh của nhà sản xuất.
Phần lớn game show hiện nay có cách làm tương tự. Những chương trình có thể kể đến như Gương mặt thân quen, Chạy đi chờ chi, Người ấy là ai, Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò, Nhanh như chớp…
Dù được sản xuất bởi các đơn vị khác nhau, phát sóng trên các kênh khác nhau (VTV, HTV, Vĩnh Long) nhưng điểm chung là rất hiếm game show, chương trình truyền hình thực tế hiện tại chỉ có bản trên truyền hình. Thay vào đó, khán giả có thể dễ dàng xem full trên mạng, miễn là vào đúng kênh của đơn vị sản xuất.
Thậm chí, năm 2019, còn có một game show được đăng trên mạng trước cả truyền hình do... "cài nhầm giờ". Sau đó, bản đăng đã được xóa bỏ.
Một số game show khác lại có bản đăng trên mạng với thời lượng còn dài hơn bản đã phát trên truyền hình, mà tập 351 đang gây tranh cãi của Vợ chồng son mới đây là một dẫn chứng tiêu biểu.
“Game show Việt tự giết mình khi đăng lên mạng”
Trao đổi với chúng tôi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – người từng có kinh nghiệm làm giám khảo nhiều game show truyền hình – nhận định việc game show đưa ngay lên mạng sau khi lên sóng truyền hình là một thực tế hiện nay.
“Truyền hình hiện nay đưa lên YouTube quá nhiều và quá rẻ, điều mà truyền hình các nước khác rất ít làm. Việc đưa lên YouTube, lúc đầu tưởng là thu thêm được một khoản tiền nhưng nó lại là cách truyền hình tự giết chính mình”, nam đạo diễn nhận định.
Nguyễn Quang Dũng cho rằng khi khán giả quá dễ dàng xem các game show trên truyền hình, tính độc quyền của truyền hình không còn. Do vậy, khán giả không còn nhất thiết vào các kênh truyền hình mới xem được game show, chương trình truyền hình thực tế.
Cũng theo Nguyễn Quang Dũng, cùng với sự bùng nổ của nhiều thể loại game show trong một thời gian dài, việc truyền hình mất tính độc quyền cũng dẫn đến tình trạng bão hòa ở tất cả game show hiện nay.
“Nền tảng số hiện nay rất khó để tìm nguồn tiền đầu tư cho truyền hình. Tiền kiếm được ít, game show trên truyền hình phải đi xuống”, giám khảo của Vietnam Idol cho hay.
Năm 2012, muốn xem trực tiếp "Giọng hát Việt", khán giả chỉ có cách xem qua kênh truyền hình VTV3.
Thực trạng “bắt cá hai tay” này, theo đánh giá của giới chuyên môn, còn rất dễ sinh ra những lỗ hỏng trong vấn đề biên tập và người chịu trách nhiệm, nhất là khi bản phát trên truyền hình lại khác bản trên mạng.
Như trường hợp của Vợ chồng son, bản truyền hình được cho là gãy gọn nhưng bản trên mạng lại chứa đựng nhiều nội dung phản cảm, không chỉ là những chia sẻ của nhân vật mà còn ở chính cách giật tít của đơn vị sản xuất.
Nói như tiến sĩ Đinh Thị Xuân Hòa – Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) dù lỗi nằm hoàn toàn ở nhà sản xuất nhưng khâu thỏa thuận giữa đài truyền hình và đơn vị thực hiện game show cũng có lỗ hổng.
“Khi đã hợp tác phát sóng, bản quyền phát sóng phải thuộc về đài truyền hình, trong khi nhà sản xuất Vợ chồng son lại đăng bản full trên kênh riêng, mới dẫn đến phản ứng của khán giả”, bà Hòa nhận định.
Cũng theo bà Đinh Thị Xuân Hòa, trường hợp của Vợ chồng son có nghĩa bản full trên mạng đã bỏ qua khâu biên tập. Và đây là một vấn đề cần đặt ra khi game show hiện nay vừa phát truyền hình vừa đăng trên mạng.
Chung nhận định với giới chuyên gia, nhiều khán giả cũng cho rằng việc game show đăng tải nhiều kênh sóng thay vì độc quyền truyền hình mang lại những thuận tiện cho khán giả nhưng cũng ẩn chứa những nguy cơ mất kiểm soát nội dung.
Khán giả Trường Nguyễn (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Thời buổi bây giờ không phải lúc nào cũng có thể ngồi chờ đúng giờ phát game show, rồi bật tivi xem. Do vậy, đăng trên mạng sẽ rất thuận tiện cho khán giả, muốn xem lúc nào thì xem. Nhưng theo tôi bản trên mạng không nên khác bản truyền hình".
Trong khi đó, một người làm trong giới sản xuất game show nói: "Đăng tải trên mạng giúp nhà sản xuất thu được số tiền không nhỏ, do vậy, không dại gì các đơn vị lại không làm như vậy. Tuy nhiên, đa phần các nhà sản xuất đăng bản giống với truyền hình, trường hợp đăng bản khác với truyền hình như game show 'Vợ chồng son' là không nhiều".
Theo Zing