“Vua sòng bạc” Hà Hồng Sân, người đưa Macau vượt qua Las Vegas để trở thành kinh đô cờ bạc hàng đầu thế giới, đã qua đời hôm 26/5 ở tuổi 98. Lúc sinh thời, ông không chỉ được biết đến là "trùm casino" với sự nghiệp lẫy lừng, mà tên tuổi còn gắn liền với lịch sử tình trường tiêu tốn nhiều giấy mực của truyền thông.
Ông có 4 bà vợ, lần lượt là bà cả Lê Uyển Hoa, bà hai Lam Quỳnh Anh, bà ba Trần Uyển Trân và bà tư Lương An Kỳ, và có không ít hồng nhan tri kỷ ở bên ngoài.
4 người phụ nữ sinh cho ông tổng cộng 17 người con, dù không rõ 3 người sau này có kết hôn với ông hay không, bởi Hong Kong chính thức ban hành luật cấm đa thê từ năm 1971.
Cuộc chiến tranh giành tình cảm, tài sản của các thành viên trong gia tộc này diễn ra trong rất nhiều năm, và gay gắt hơn vào thời điểm hiện tại, khi Hà Hồng Sân qua đời, đã công khai phơi bày những rạn nứt trong đại gia đình giàu có bậc nhất này.
Đây là một minh chứng rõ ràng cho chế độ đa thế từng tồn tại rất lâu tại châu Á, theo SCMP.
Hà Hồng Sân cùng gia đình. Ảnh: Reuters.
Chế độ chỉ bảo vệ quyền lợi đàn ông
Vào thế kỷ trước, một chủ cửa hàng may đo ở Singapore cũng chung sống với 4 người vợ và 17 đứa con trong cùng một nhà, dù ông không giàu có như Hà Hồng Sân.
Theo lời kể lại từ con gái vợ hai của người đàn ông này, nếu bỏ qua một vài mối quan hệ rạn nứt giữa một số người trong nhà, nhìn chung mọi người sống hòa thuận với nhau.
Chế độ đa thê được áp dụng ở Trung Quốc mãi cho đến giữa thế kỷ 20. Trước đó, người Trung Quốc cổ đại nghĩ ra hệ thống Dishu để vừa quản lý những cuộc hôn nhân một chồng nhiều vợ, vừa bảo vệ quyền hợp pháp cho những cá nhân có liên quan, nhưng chủ yếu là cho đàn ông.
Theo đó, đàn ông chỉ tổ chức đám cưới với một người vợ chính thức, thông thường là bà cả, dưới sự chứng kiến của người thân và quan khách. Những thê thiếp trước hoặc sau đó đều không làm hôn lễ, chỉ được giới thiệu với gia đình.
Nguyên tắc Dishu thường được thấy trong lịch sử kế vị của các triều đại.
Trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng, người vợ danh chính ngôn thuận và con cái của cô, đặc biệt là con trai, luôn có địa vị cao hơn hẳn những người còn lại.
Điều đó đồng nghĩa với việc vợ cả sẽ được thừa hưởng nhiều tài sản hơn. Tuy nhiên, nếu bà cả không có con trai, con trai của bà hai sẽ thế chỗ làm người thừa kế.
Nguyên tắc này thường thấy trong lịch sử kế vị của các triều đại. Có thể thấy, con trai của hoàng hậu luôn được ưu tiên và có nhiều quyền uy hơn hẳn con cái các thê thiếp khác của hoàng đế.
Mặc dù hệ thống Dishu vẫn tồn tại sau nhiều thế kỷ, cuộc sống các gia đình một chồng nhiều vợ thường không tuân theo trật tự này. Người đàn ông có thể yêu vợ lẽ và con cái của cô này nhiều hơn vợ cả.
Vấn đề trên dẫn đến nhiều biến cố, lục đục nội bộ gia đình, thậm chí còn rối rắm hơn khi liên quan đến quyền lực và tiền bạc. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đều cho rằng tục đa thê khiến nhiều người vợ bị lạm dụng và hành hạ, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Hiện nay, chế độ đa thê là bất hợp pháp ở hầu hết quốc gia, nhưng còn tồn tại ở một vài nơi.
Achmad Fadil Muzakki Syah và 3 người vợ của ông. Ảnh: SCMP.
Achmad Fadil Muzakki Syah, một chính trị gia Indonesia theo đạo Hồi, chia sẻ thẳng thắn với truyền thông địa phương rằng ông có 3 bà vợ.
"Tôi chủ ý muốn báo chí quan tâm đến gia đình mình để nó trở thành ví dụ cho thấy việc đa thê có thể thực hiện một cách hài hòa và tốt đẹp, mà không cần phải có những hành vi bí mật hoặc ngoại tình", ông cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người phản đối cuộc hôn nhân của Achmad. Họ cho rằng những lời nói trên là "đáng xấu hổ" và "ghê tởm", sẽ khuyến khích nhiều đàn ông ở Indonesia làm điều tương tự, khiến phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng.
Tháng 11/ 2019, Hu Han-feng (58 tuổi), một ông chủ doanh nghiệp cần cẩu ở Đài Loan, gây xôn xao dư luận vì khoe khoang cơ ngơi nguy nga trị giá 13 triệu USD cùng 4 người vợ, 14 đứa con và 16 "bạn nữ".
Vì chế độ đa thê là bất hợp pháp ở Đài Loan, có khả năng chỉ 1 trong số 4 bà vợ mới kết hôn hợp pháp với ông Hu. Mặc dù vậy, vị chủ tịch tuyên bố nhà ông không hề có "cung đấu" vì "tôi đối xử bình đẳng với cả 4 người vợ của mình".
Không còn tồn tại nhiều
Hiện tại, không nhiều quốc gia trên thế giới còn tồn tại chế độ đa thê, trong đó có một số quốc gia theo Hồi giáo.
Tajikistan, một đất nước Trung Á, sau khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, có nền kinh tế tương đối lạc hậu. Nội chiến nổ ra liên miên khiến nhiều người đàn ông bỏ mạng trong chiến tranh. Hệ lụy của nó là mất cân bằng tỷ lệ giới tính trầm trọng, nữ nhiều hơn nam.
Với tình hình này, một người đàn ông ở Tajikistan có thể cưới tới 4 người vợ. Tuy nhiên, tất cả những người vợ bé đều phải được sự đồng ý của vợ cả mới được chính thức công nhận.
Ở Bhutan cũng tồn tại một hình thức đa phu đa thê hiếm có. Không chỉ đàn ông Bhutan có quyền lấy nhiều vợ mà phụ nữ cũng vậy. Đàn ông hoặc phụ nữ được phép kết hôn với vài chị em hoặc anh em.
Đây là tục lệ từ xa xưa khi con người muốn giữ gìn tài sản trong gia đình họ. Hiện tại, chế độ đa phu đa thê này đang mất dần đi và nó chỉ còn phổ biến ở một số cộng đồng du mục nhất định tại quốc gia này.
Không riêng châu Á, người Zulu, nhóm dân tộc lớn nhất và nổi tiếng nhất của Nam Phi có tập tục đa thê từ rất lâu. Những người vợ được coi là biểu tượng cho địa vị của một người đàn ông.
Càng nhiều vợ, càng chứng tỏ người đàn ông đó có bản lĩnh, có tiền. Chính vì vậy, rất nhiều gia đình sẵn sàng gả con gái cho những người đàn ông giàu có làm vợ lẽ, chỉ để đổi lấy những món tiền lớn.
Hoặc tại Mỹ, hai thị trấn Hildale và Colorado City nằm ở giữa hai bang Utah và Arizona cũng tồn tại chế độ đa thê. Theo Tripsavvy, nhiều người tại đây tin rằng phải có ít nhất ba bà vợ thì sau khi chết mới có thể lên thiên đường. Cũng do không chịu nổi cảnh đàn ông được phép lấy nhiều vợ ở đây mà rất nhiều người đã bỏ đi.
Các bác sĩ ở Mỹ đã chỉ ra rằng, cộng đồng đa thê này đang phải đối mặt với một vấn đề nguy hiểm: thảm họa di truyền. Càng ngày càng có nhiều trẻ em ở khu vực này sinh ra bị thiếu hụt enzime fumarase.
Việc rối loạn chuyển hóa như thiếu fumarase gây tàn phá đặc biệt cho não. "Nó gây ra những bất thường về cấu trúc và tạo ra chứng động kinh, chậm phát triển", Vinodh Narayanan, bác sĩ tâm thần học nổi tiếng của Arizona cho biết.
Theo Zing