Năm học mới chỉ bắt đầu chưa được một tháng, thế nhưng lịch học của bé Bông - con gái chị Bùi Ngọc Anh (40 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) kín như bưng, khi không có lấy buổi trống trong tuần. Ngoài 9 buổi học chính khoá trên trường, bé Bông phải tham gia học thêm 2 buổi Toán, 2 buổi tiếng Anh và 1 buổi học đàn tại trung tâm, từ tối thứ 2 đến thứ 6.

Lịch học như chạy show, bé Bông thường có mặt tại nhà sau 8h tối. Cũng chính vì thế mà từ lúc vào lớp 1, ngoại trừ hai ngày cuối tuần, rất hiểm buổi tối bé được ăn cơm cùng gia đình.

Vừa vào lớp 1, nhiều trẻ ‘vắt chân lên cổ’ học 9-10 tiếng/ngày-1
Lịch học của học sinh lớp 1 được lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao (Ảnh chụp màn hình).

“Tôi cũng hiểu với một đứa trẻ lớp 1, lịch học dày đặc như thế sẽ khiến con rất vất vả. Nhưng chương trình học lớp 1 hiện tại có tốc độ khá nhanh, nếu không học thêm thì con không bắt kịp với các đồng trang lứa. Trong khi ở nhà con học thường không tập trung, bố mẹ kèm không nổi”, chị Ngọc Anh nói.

Ăn xong bữa tối, bé Bông lại tiếp tục ngồi vào bàn học để làm bài tập về nhà. Thấy con lấy tay che miệng, liên tục ngáp ngắn ngáp dài, chị Ngọc Anh chỉ biết động viên con cố hoàn thành nốt bài rồi đi nghỉ sớm. Hầu như ngày nào con gái chị cũng học đến 10 - 11 giờ khuya mới xong bài hết bài tập cô giáo.

Mong muốn con trai làm quen dần với chữ cái và con số, chị Nguyễn Thị Thu Hoài (37 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) quyết định cho đi học con học thêm ngay từ đầu tháng 8. Thế nhưng khi bước vào năm học mới, dù con đã tự tin, chị Hoài vẫn duy trì lịch học đều đặn cho con với 4 buổi học thêm, gồm 3 buổi tối trong tuần và một buổi chiều cuối tuần.

Theo quan điểm của chị, con trai phải học kín ngày, kín tuần, mới củng cố được kiến thức. Nếu không học thêm, sẽ không theo được các bạn. 

"Nhiều hôm tới trường đón con về đi học thêm, con ngây thơ hỏi “lại phải đi học hả mẹ?”. Tôi nghe mà chỉ biết cười trừ. Buổi tối, thấy con bước ra từ lớp học thêm với vẻ mặt phờ phạc, mệt mỏi, tôi không khỏi xót xa nhưng không còn cách nào khác ngoài việc động viên con cố gắng", nữ phụ huynh nói.

Chị Hoài kể khi còn nhỏ, gia đình khó khăn, cả chị và chồng đều không có điều kiện được đi học nên có phần thua thiệt hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Do đó, hai vợ chồng quyết đầu tư toàn lực cho cậu con trai, không để con thua thiệt bạn bè.

Mỗi buổi học thêm của con trai chị Hoài có giá từ 150.000 - 200.000 đồng. Ước tính một tháng gia đình sẽ dành riêng một khoản tiền khoảng 4 triệu đồng để con học thêm. Dẫu tốn kém tiền bạc hay mất nhiều thời gian đưa đón, vợ chồng chị vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc ngừng cho con đi học.

Vừa vào lớp 1, nhiều trẻ ‘vắt chân lên cổ’ học 9-10 tiếng/ngày-2
Vừa vào lớp 1, nhiều học sinh ‘vắt chân lên cổ’ học 9-10 tiếng/ngày. (Ảnh minh hoạ: T.T)

Cô Nguyễn Thảo Linh, giáo viên tiểu học tại Hà Nội thừa nhận, tình trạng học sinh tiểu học ở Thủ đô ra khỏi nhà từ sáng và về nhà lúc 7-8h tối diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, học sinh học thêm tất cả các buổi trong tuần hoặc cả cuối tuần.

"Rất nhiều phụ huynh học sinh lớp 1 và một số giáo viên khác cho rằng chương trình học của các con hiện giờ quá nhanh, quá khó. Vì vậy, học sinh cần cần học thêm, thậm trí học tiền tiểu học trước cả năm. Tuy nhiên bản thân tôi nhận thấy chương trình không quá nặng và trẻ hoàn toàn có thể kịp nếu phụ huynh không đặt quá nặng thành tích", cô Linh nói.

Không cho con đi học thêm, nhiều phụ huynh cảm thấy không yên tâm. Nhưng không phải cứ đi học thêm là có hiệu quả. Theo nữ giáo viên, phụ huynh cần phải biết rõ con mình có đủ trí nhớ, sức khỏe và tâm lý để chạy theo lịch học kín như bưng, không có lấy một buổi trống hay không.

"Các con mới vào năm học đầu tiên của cuộc đời, nếu bị gây áp lực quá mức, hậu quả sẽ vô cùng lớn, ảnh hưởng đến quá trình học tập suốt năm lớp 1, thậm chí kéo dài sang các năm học kế tiếp", cô Linh nói và nhấn mạnh, phụ huynh cần nhận thức rõ được những hậu quả dài hạn để tự điều chỉnh kỳ vọng của mình, đưa ra một lịch trình phù hợp với lứa tuổi, giúp con cân bằng giữa học tập và cuộc sống.

 

Theo Vtcnews