Nhắc đến rap không thể kể đến Wowy, một nghệ sĩ đã góp phần đưa rap Việt vươn ra ngoài quốc tế.
Nhưng mới đây, một sản phẩm cực kì nổi tiếng của Wowy - bản rap 1 Điếu, ca khúc có thể xem là "huyền thoại" góp phần làm nên tên tuổi của "Lão Đại" bị netizen chỉ trích gay gắt vì lấy cảm hứng từ Phật giáo nhưng mang ca từ xúc phạm.
Bản rap 1 Điếu gây tranh cãi của rapper Wowy
1 Điếu có tên tiếng Anh chính thức là Buddha (Dirty) ("Buddha" trong tiếng Anh có nghĩa là Phật, "dirty" có nghĩa là dơ bẩn) là bản rap nói về tình anh em "vào sinh ra tử" cũng như góc nhìn của Wowy về gia đình, về cuộc sống đường phố khắc nghiệt, trần trụi.
Cụ thể, trong lời rap của 1 Điếu có nhắc đến "Phật Di Lặc" cùng một hình tượng không mấy tích cực có liên quan đến chất kích thích.
Phần nhạc của 1 Điếu gây chú ý bởi phần nhạc nền chính là bản nhạc Chú Đại Bi bằng tiếng Phạn được đông đảo Tăng Ni, Phật tử biết đến và trì tụng trong các nghi lễ tôn giáo.
Trước loạt chỉ trích từ cộng đồng mạng, sáng 7/10, nam rapper Wowy đã có bài đăng dài trên trang cá nhân để lên tiếng về sự việc.
Bài đăng của Wowy trên trang cá nhân sau tranh cãi
Mở đầu bài viết, HLV Rap Việt cho biết anh từng lớn lên ở một khu ổ chuột và từng có khoảng thời gian không còn tiền để làm nhạc. May mắn, anh nhận được sự giúp đỡ của bạn bè khi sẵn sàng chi trả hỗ trợ anh mua beat của một nghệ sĩ người Mỹ Phi gốc Việt Nam, làm ra 1 bài nhạc theo ý tưởng gốc.
Anh chia sẻ: "Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được beat vì sự sáng tạo và cảm nhận của người làm ra beat, anh ta đã đánh live từng đạo cụ từ đoạn sample kinh Chú Đại Bi với thể loại nhạc HipHop, tạo ra một loạt âm thanh ấn tượng tuyệt vời. Mọi thứ như một cơ duyên của chính tôi đến với đạo Phật".
Nam rapper Wowy khẳng định không coi thường đạo Phật
Rapper Wowy cũng cho biết, anh thường xuyên đi tới chùa để có những trải nghiệm viết nên bản rap 1 Điếu. Anh cho ra 2 phiên bản "sạch sẽ" dành cho cả trẻ con cũng nghe được và một phiên bản cho người trên 18 tuổi.
Đặc biệt, nam rapper tiết lộ bạn bè quốc tế rất yêu thích và đồng cảm với sản phẩm của anh.
Khép lại bài đăng, Wowy khẳng định bản rap 1 Điếu được anh cho ra mắt không có suy nghĩ coi thường và không tôn trọng đạo Phật.
"Tôi lan tỏa sự giác ngộ của bản thân tôi trước triết lý Phật giáo, tôi biết ơn vì điều đó. Tôi khẳng định bài nhạc tôi làm không hề có bất kỳ ý niệm gì của tôi coi thường hay không tôn trọng đạo Phật" - nguyên văn Wowy chia sẻ.
Hiện bài đăng dài trên trang cá nhân này của Wowy đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Bài đăng của Wowy trên trang cá nhân: Cách đây hơn chục năm trước, tôi là một thanh niên lớn lên từ khu ổ chuột của Sài Gòn, sống với đường phố, xung quanh tôi toàn những tệ nạn xã hội, một đứa trẻ nghèo ốm yếu, thiếu quần áo mặc. Tất cả đồ tôi có đều là bạn tôi cho hoặc mặc khính của người ta, tôi từng khiêng nước thuê và ngã sõng soài giữa phố đông người và không một ai giúp đỡ giữa cái trưa nắng như thiêu như đốt của Sài Gòn. Những điều thô ráp đó đã tạo nên thằng nhóc Wowy ngày nào. Tôi không bao giờ chê bai chối bỏ tuổi thơ hay quá khứ của mình. Tôi và cả bạn không thể nào chọn lựa được nơi mình sinh ra và tôi luôn tôn trọng điều đó. Tôi biết mẹ mình đã phải một ngày làm 4 công việc để có ít tiền nuôi 2 anh em tôi, mỗi lần nghĩ về những năm tháng nghèo khổ đen tối luôn tạo động lực lớn của tôi hôm nay. Mẹ tôi đạo Phật, ba tôi đạo Chúa và mỗi người họ luôn giữ đạo của riêng mình. Sinh ra là đứa con tôi chọn mình không đạo, đối với tôi, tất cả đạo trên thế giới này đều quy chung một tâm ý là tình yêu thương tốt đẹp dành cho nhau giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật xung quanh, nên tôi chọn tôi sẽ sống tại tâm của bản thân mình. Tôi rất yêu thích các triết lý của Phật Giáo và các điển tích Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo. Khi ở độ tuổi thiếu niên lăn lộn đường phố để sinh tồn, tôi nhớ rõ giai đoạn ấy túi của tôi không có 1 xu để ăn nói chi làm nhạc, tôi trốn trong căn phòng 4 bức tường với nhiều nỗi trăn trở của bản thân, của tương lai mình. Rất may, một người bạn của tôi cảm nhận được tôi đang bị tự kỉ bản thân, sợ hãi xã hội và trốn trong vỏ bọc của mình tạo ra. May lúc đó tôi có 1 người bạn tốt, bạn tôi thấy được điều tồi tệ đang diễn ra với tôi, bạn tôi tin âm nhạc sẽ làm tôi sống lại, nên đã bỏ tiền túi đặt làm riêng 1 cái beat từ một nghệ sĩ người Mỹ Phi gốc Việt Nam sống bên nước ngoài để làm ra 1 bài nhạc theo ý tưởng gốc của tôi là hít thở. Bạn tôi muốn tôi làm nhạc, sống với âm nhạc, bạn tôi không muốn tôi nghèo khổ mà bỏ đam mê, bạn tôi yêu quý tôi và đưa cho tôi cơ hội. Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được beat vì sự sáng tạo và cảm nhận của người làm ra beat. Snh ta đã đánh live từng đạo cụ từ đoạn sample kinh Chú Đại Bi với thể loại nhạc HipHop, tạo ra một loạt âm thanh ấn tượng tuyệt vời. Mọi thứ như một cơ duyên của chính tôi đến với đạo Phật. Dù tôi không theo đạo nhưng có lẽ tôi lại thường xuyên đi chùa trên những ngọn núi hoang sơ và vô tình tôi biết một người thầy tu hành trên một ngôi chùa nhỏ sâu trên núi Dinh Bà Rịa Vũng Tàu. Giai đoạn đó tôi thường xuyên lên thăm thầy và nghe thầy trò chuyện về nhân sinh, tôi nhớ mãi câu chuyện của tôi và thầy trong đêm trăng rằm: Thầy ơi, thầy thấy trăng đẹp không? Thầy trả lời tôi: Trăng đẹp. Tôi tiếp tục hỏi: vậy thầy có thích Trăng không? Thầy trả lời mà tôi kinh ngạc đến ngộ ra, tới giờ tôi mãi nhớ câu nói đó: Trăng đẹp rồi cũng tàn, rồi Trăng lại lên. Đó là vòng tuần hoàn, cớ sao lại vương vấn rồi ưu sầu khi thấy trăng tàn. Thầy không hề biết tôi là ai, nhưng khi tôi ở đó thầy luôn mở rộng cửa chùa để đón tôi, cho tôi ngủ qua đêm, nấu cơm tôi ăn và đưa mền tôi đắp khi đêm tối đến trong rừng và thầy trò chuyện hàng giờ liền với tôi mỗi ngày. Tôi đã viết bài Buddha trong cơ duyên tôi ở cạnh thầy trong chùa trên rừng núi Dinh. Đối với tôi, thầy như Phật Di Lặc luôn nở nụ cười bình an chào đón tôi, yêu thương tôi, không chê bai tôi nghèo, không xua đuổi tôi dù tôi có hoàn cảnh thế nào. Tôi trải linh hồn mình vào nhạc nơi cửa chùa dưới ánh trăng rằm để nhìn lại cuộc đời của chính mình, tôi viết từng dòng chữ như trút trọn tâm tư của bản thân về hoàn cảnh của chính mình, về mong cầu của tôi, về những gì tôi có thể có cho những điều tôi cầu xin. Tôi nhận ra tất cả những thứ tôi có dù là tệ hại của lúc này nhưng Người đã ban cho tôi để tôi thấy và nhận ra tôi sẽ có thể thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai. Tôi hoàn thành bài nhạc với một tâm niệm tốt đẹp đầy biết ơn và nguyện cầu bình an cho tất cả anh em, cha mẹ và những người lạy trước bàn thờ khi tôi mất. “Cầu Trời khẩn Phật cho anh em con an toàn Một lạy xin Đất cho mẹ cha con bình an Nam mô cúi đầu con không muốn sống lâu Con chỉ muốn xin người lắng nghe đây là lời con khẩn cầu” Khi về lại Sài Gòn, tôi thu âm bài nhạc với 2 phiên bản, trong giới nhạc Rap quốc tế gọi là version Clean và version Dirty để phân biệt phiên bản dành cho tất cả mọi người đều nghe được kể cả trẻ con, và phiên bản dành cho người trên 18 tuổi đủ hiểu biết đúng sai và chấp nhận sự thô ráp sự thật của nó. Với phiên bản tạm gọi là Clean, đó là cảnh tôi thắp nhang trước bàn thờ Phật và cầu nguyện cho tất cả mọi người được bình an dù tôi có phải chết sớm. Với phiên bản tạm gọi là Dirty, đó là giây phút tôi viết nhạc dưới ánh trăng rằm tại chùa, tôi làm nó cho chính bản thân mình. Tôi cũng vậy, tôi tôn trọng sự thật, tôi tôn trọng nơi tôi sinh ra, tôi tôn trọng quá khứ và con người nhem nhuốc của chính mình từng có. Khi bài nhạc ra mắt, tôi ra cả hai phiên bản cùng lúc, có nhiều bạn bè quốc tế nên họ phiên dịch sang ngôn ngữ cả tiếng Anh. Tôi không ngờ mọi người yêu thích ca khúc của mình và khán giả thấy được họ trong tôi, trong bài hát của tôi, nhiều người đã viết tin nhắn thể hiện sự xúc động đến đồng cảm vì họ thấy tôi và họ như nhau, họ nghèo khó họ nhem nhuốc, họ thấy họ bất hiếu vì không thể lo cho cha mẹ, họ không có nhiều của cải để san sẻ cho anh em, họ chỉ có thể cầu nguyện điều bình an và họ thấy họ trong bài nhạc của tôi. Tôi hạnh phúc vì tôi có thể xoa dịu nỗi đau của họ. Và tôi càng hạnh phúc hơn khi tôi nhận được tin nhắn và email của nhiều thầy ở Nhật Bản và Bhutan đã gửi đến tôi, thầy cảm ơn vì tôi đã đưa âm nhạc Phật pháp xuống người trẻ để lan tỏa tâm niệm tốt đẹp của Phật giáo đến mọi người, điều mà ở nước Nhật, các sư thầy đang cố để làm và kết hợp kinh Phật với nhạc điện tử đến người trẻ. Tôi thật sự xúc động khi bài nhạc tôi làm lại được yêu quý và thấu cảm như thế. Tôi nhận ra tôi không được quyền chọn nơi tôi sinh ra, tôi sẽ tiếp tục nghèo nếu tôi không thay đổi tư duy của mình và tôi đã quyết thay đổi cuộc đời của chính tôi. Tôi chọn yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, tôi học hỏi nhiều hơn và tôi tôn trọng quá khứ của mình để luôn nhắc tôi nhớ, tôi phải luôn cố gắng nhiều hơn nữa để vượt qua nghịch cảnh, tôi phải lan tỏa năng lượng tích cực nhiều hơn nữa để những người xung quanh tôi tốt lên, tôi yêu thương nhiều hơn nữa, san sẻ nhiều hơn nữa để không còn nhiều trẻ em nghèo đói như tôi đã từng. Tôi biết ơn và đa tạ ơn trên đã bên tôi trong những ngày tôi đen tối của cuộc đời mình, tôi cảm ơn thầy người không chê bai tôi, đón tiếp và cho tôi nguồn cảm xúc tuyệt diệu này. Cảm ơn người bạn của tôi, đã giúp đỡ tôi không từ bỏ đam mê âm nhạc Rap của mình khi tôi khó khăn. Cảm ơn tất cả những người đã thấu hiểu tâm tư và yêu quý bài nhạc của tôi. Tới tận hôm nay, những trưởng thành của tôi, những sẻ chia của tôi với xã hội xung quanh tích cực hơn, tôi vô cùng biết ơn những ý niệm từ triết lý Phật giáo lan tỏa đến tôi. Tôi khẳng định bài nhạc tôi làm không hề có bất kỳ ý niệm gì của tôi coi thường hay không tôn trọng đạo Phật. Tôi là một con người từng nhem nhuốc trong bế tắc và cuối đầu trước Đức Phật, tôi kể về cuộc đời của chính mình trong bài nhạc và sự giác ngộ của chính tôi trước Phật pháp. Tôi lan tỏa sự giác ngộ của bản thân tôi trước triết lý Phật giáo, tôi biết ơn vì điều đó. Và đó là sự thật, tôi tin Thầy và Đức Phật, không chê bai, coi thường hay xua đuổi một con người nghèo đói, nhem nhuốc, và đầy tệ nạn xã hội trên người như tôi, mong cầu hướng thiện, trưởng thành và vượt qua số phận của chính mình và mong bình an cho tất cả mọi người. Đó là sự thật và đó là điều tôi biết ơn và mong cầu. |
Thu Hà
Theo VietNamNet