Sống - chết trong gang tấc
Tiếng súng vang lên trong trung tâm thương mại Siam Paragon ở Bangkok (Thái Lan) chiều 3/10 phá tan sự náo nhiệt vốn có của khu mua sắm nổi tiếng.
Trên tầng 4, Nguyễn Trọng Lâm, 28 tuổi, chủ một thương hiệu thời trang tại TPHCM, nghe thấy ít nhất 3 tiếng súng ngay cửa hàng bên cạnh.
Buổi làm việc của Lâm và 2 cộng sự trước khi gặp đối tác thời trang nước ngoài lập tức bị hủy bỏ. Bảo vệ nhanh chóng hướng dẫn đoàn người đang rối loạn tinh thần, la hét ầm ĩ, trốn vào nhà vệ sinh.
"Tiếp tục một tiếng đoàng nữa…", Lâm nhớ lại, vô cùng hoảng loạn. Những người Thái bên cạnh nói cho anh biết vừa xảy ra một vụ xả súng, khắp nơi là tiếng kêu gào, tiếng bước chân tháo chạy.
Các cửa hàng trong trung tâm thương mại đồng loạt đóng sập 2 lớp cửa chống đạn, tòa nhà phát đi thông báo khẩn cấp bằng tiếng Thái và tiếng Anh. Cảnh sát Thái Lan triển khai đội đặc nhiệm đến hiện trường, tiếp cận từng người và hướng dẫn họ đến nơi an toàn.
Một người bạn của Lâm trên tầng 3 gọi anh chạy theo lối thoát hiểm để ra bên ngoài. Theo phản xạ, Lâm cố giữ bình tĩnh, cùng 2 nhân viên chạy thật nhanh xuống tầng trệt. Vừa mở cửa cầu thang, anh nhìn thấy cảnh sát đã phong tỏa toàn bộ tòa nhà. Nhóm giơ tay lên cao, ra dấu hiệu là nạn nhân, cần được hỗ trợ.
"Cảnh sát bảo chúng tôi lên taxi hoặc bất kỳ phương tiện nào để thoát nạn. Đúng lúc thấy một chiếc tuk tuk, chúng tôi nhảy lên", Lâm nói. Người tài xế nhiệt tình đưa nhóm thoát khỏi đám đông hỗn loạn.
Người dân và du khách tháo chạy khi nghe thấy tiếng súng (Ảnh cắt từ video).
Đường phố trước Siam Paragon tắc cứng, bầu trời Bangkok lúc này đổ cơn mưa lớn. Người dân và du khách vừa bỏ chạy vừa la hét. "Hôm đó đúng là một ngày buồn của Bangkok", Lâm nói.
Đến một con hẻm, nhóm người Việt chạy sâu vào bên trong, tạm trú ẩn cùng những người khác chờ nghe ngóng tình hình. Họ nghe thấy tiếng khóc của nhiều nữ sinh Thái Lan.
Trong suốt 3 tiếng chờ đợi dài đằng đẵng, những người xung quanh liên tục trấn an lẫn nhau: "Bạn đã an toàn, không sao đâu". Người ướt sũng, cảm giác "sống còn trong gang tấc", Lâm gọi điện cho gia đình và người yêu để bình tĩnh hơn.
Khi đường phố đã vãn người, cảnh sát xuất hiện dày đặc, nhận thấy tình hình đã an toàn, Lâm và nhân viên đội mưa đi bộ về khách sạn. Tranh thủ tắm và nghỉ ngơi trong chốc lát, anh bắt đầu một cuộc họp ngay sảnh khách sạn trong tối hôm đó, để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
"Đây là lần đầu trải qua sự cố này, tôi rất hoảng sợ, nhưng cố giữ bình tĩnh để làm việc", anh nói.
Sau hai tiếng, truyền thông tại Việt Nam đồng loạt đưa tin về vụ xả súng tại Thái Lan. Người thân và bạn bè liên tục gọi điện hỏi thăm, Lâm đăng bài lên mạng xã hội thông báo an toàn.
Nguyễn Trọng Lâm (bên trái) ướt sũng, tháo chạy khỏi hiện trường vụ xả súng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo hãng tin Reuters, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nghi phạm mặc áo đen, quần rằn ri, tay cầm súng đứng trong trung tâm thương mại. Các lối ra vào Siam Paragon được phong tỏa, trong khi các tuyến đường sắt trên cao đều không dừng tại ga Siam BTS.
Cơ quan khẩn cấp Thái Lan cho biết hai người thiệt mạng, 5 người bị thương trong vụ việc. Cảnh sát đã bắt giữ tay súng 14 tuổi, "nghi phạm quá rối loạn nên chưa thể thẩm vấn".
"Nghi phạm đang điều trị tâm thần nhưng bỏ uống thuốc theo đơn vào ngày xảy ra vụ việc, nói rằng có ai đó đã bảo anh ta bắn người khác", Cảnh sát trưởng quốc gia Torask Sukwimol thông tin.
"Tôi đã khóc, cứ ngỡ sẽ bỏ mạng luôn rồi"
Nguyễn Tuệ Bình, 25 tuổi, cùng chồng bay từ Hà Nội đến Bangkok tối 2/10, cho chuyến du lịch nhân dịp sinh nhật cô. Cả hai đặt khách sạn ngay cạnh Siam Paragon, chọn đây là địa điểm tham quan và khám phá đầu tiên.
Chiều 3/10, vợ chồng Bình đến mua sắm và ăn uống tại trung tâm thương mại này. Khoảng 16h, trong lúc mua đồ, họ nghe thấy 3 tiếng súng, liền vội vã tháo chạy. Cô nhớ lại khung cảnh hỗn loạn, có người vội chạy rơi đồ, tiếng hô hoán thất thanh.
Cảnh sát Thái Lan khống chế tay súng 14 tuổi, ngày 3/10 (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, may mắn kịp chạy ra ngoài trước khi công an phong tỏa hiện trường. Trời mưa lớn và ngập lụt, tắc đường, khói bốc lên nghi ngút, tiếng xe cảnh sát và xe cứu thương vang inh ỏi. Cảnh tượng hệt như trong phim", cô gái Việt kể.
Vợ chồng Bình lánh nạn tại khu mua sắm Siam Center, ngay cạnh Siam Paragon. Do tắc đường, họ về tới khách sạn khi đã 19h.
"Mọi người đều hoang mang, dù được bảo vệ trấn an 'tình hình đã ổn định'. Tôi thậm chí đã bật khóc, vì ngày sinh nhật của mình đáng nhẽ nên vui, nhưng cứ ngỡ sẽ bỏ mạng luôn rồi", cô nói.
Gia đình khuyên cặp đôi ngay lập tức quay về Việt Nam, nhưng do đã đặt trước khách sạn và vé máy bay, họ không muốn hủy lịch trình.
Bình miêu tả nhịp sống sáng 4/10 tại Bangkok đã bình thường trở lại, các tòa nhà đặt mức báo động lên cao nhất. Dẫu vậy, họ chỉ dám đi xung quanh khách sạn, trước khi về lại Việt Nam vào trưa hôm sau.
Khôi phục niềm tin du lịch sau vụ xả súng
Được Instagram vinh danh là "địa điểm được chụp ảnh nhiều nhất thế giới vào năm 2013", Siam Paragon là trung tâm mua sắm nổi tiếng nhất Thái Lan, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Tại đây có các cửa hàng cao cấp, thủy cung, rạp chiếu phim và khu ẩm thực nổi tiếng.
Sau vụ xả súng, trên các hội nhóm du lịch Thái Lan, nhiều người bày tỏ lo ngại trước tình hình bất ổn tại Bangkok nên quyết định hủy vé. Cũng có một số người do đã sắp xếp lịch trình từ trước, không thể hủy đột ngột, hy vọng sẽ có trải nghiệm "an toàn và suôn sẻ".
Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tràng An, cho biết Siam Paragon tuy là điểm du lịch nổi tiếng, nhưng khách Việt "kén" lui tới. Một số đoàn du lịch của công ty hiện ở Thái Lan đều thông báo an toàn, lịch trình không đến Siam Paragon.
Theo ông Cường, từ trước đến nay, công ty đều khuyến cáo từng đoàn du khách về vấn đề an ninh, an toàn trước mỗi chuyến đi, như: không đến khu vực tập trung đông người địa phương, tránh thu hút sự tò mò; đến những điểm du lịch và khu mua sắm an toàn, kiểm soát an ninh.
Với lịch trình buổi tối, khách được khuyến cáo một số điểm du lịch an toàn, chưa từng xảy ra sự cố.
"Đây thực sự là một sự việc hy hữu. Khách hàng đã đặt lịch bên tôi không hủy tour hay tỏ ra quá lo lắng, sau khi nắm bắt chi tiết tình hình", ông Cường nói.
Cảnh sát đặc nhiệm Thái Lan có mặt tại trung tâm mua sắm Siam Paragon ngay sau vụ xả súng, ngày 3/10 (Ảnh: Reuters).
Reuters dẫn lời cảnh sát cho biết nhân viên tại Siam Paragon đã được đào tạo cách đối phó với những kẻ xả súng. Đại diện trung tâm mua sắm này thông báo đã sơ tán người mua hàng và nhân viên ngay lập tức, nhấn mạnh "sự an toàn là điều quan trọng nhất".
"Siam Paragon muốn bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc về sự kiện bất ngờ này", phía đại diện nói trong một tuyên bố và cho biết trung tâm thương mại sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/10.
Thống đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan Thapanee Kiatphaibool cho hay các cơ quan chính phủ sẽ làm nhiều hơn nữa để "khôi phục niềm tin du lịch" sau vụ xả súng.
"Chúng ta cần cải thiện an ninh ở tất cả khu vực dành cho khách du lịch Thái Lan và nước ngoài", bà nói.
Cuối ngày 4/10, Lâm và đồng nghiệp trở về Việt Nam, kết thúc chuyến công tác 3 ngày tại Thái Lan. Anh chưa thực sự trấn an tinh thần, nói đây là một trải nghiệm "đạn sượt qua người", may mắn không ảnh hưởng sức khỏe và công việc.
"Sau sự việc, tôi nhận ra kỹ năng sinh tồn quan trọng đến thế nào. Mọi người đều cuống quýt và không biết xử lý ra sao. Tôi đã cố gắng trấn an 2 nhân viên, để tất cả bình tĩnh và tìm lối thoát hiểm nhanh nhất", anh nói.
Theo Dân Trí