Xâm nhập ‘thủ phủ’ mổ heo lậu

Các lò này ở phường Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) giết mổ heo không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch, thậm chí giết mổ cả heo bệnh,heo chết. Số thịt bẩn này hằng ngày vào các chợ ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Một ngày cuối tháng 8, trong vai người mới mở quán cơm bình dân chuyên phục vụ cho công nhân lao động tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) xuống Đồng Nai cần mua số lượng lớn thịt heo giá rẻ, chúng tôi được một người tên Hùng - chuyên dắt mối heo lậu hoạt động tại vòng xoay Tam Hiệp dẫn đến phường Long Bình (TP Biên Hòa).

Hùng cho biết nơi đây từ lâu được giới lái heo xem như “thủ phủ” của các lò mổ heo lậu. Hùng nói: “Tại phường Long Bình có nhiều lò mổ lậu hoạt động tràn lan trong nhiều năm qua.

Phía sau những căn nhà kiên cố kín cổng cao tường là những điểm giết mổ heo hoạt động bí mật nhưng hết sức rầm rộ. Ở khu vực này, người người hành nghề giết mổ heo, nhà nhà hành nghề giết mổ heo lậu”.

Hoạt động cả ngày lẫn đêm

Lò mổ đầu tiên mà Hùng dẫn chúng tôi vào là lò của ông L. tại khu phố 2, phường Long Bình. Lò rộng khoảng 200 m2 cũng chính là nơi ở của gia đình ông L. Nó nằm sát bờ suối nên các phế phẩm từ việc giết mổ và nước thải được tuồn thẳng xuống suối.

Con suối cũng ngăn cách lò mổ với bên ngoài, muốn ra vào phải đi qua cây cầu xi măng nhỏ, có chiếc cổng sắt được đóng kín.

Phải nhờ Hùng dắt mối chúng tôi mới được tiếp cận lò mổ này. Từ cổng nhìn vào, chúng tôi đã thấy việc giết mổ bên trong khá sôi động.

Bốn công nhân mình trần trùng trục, kẻ chọc tiết, người cạo lông heo bên nồi nước sôi sùng sục. Một số người dội nước, cho củi vào lò.

Ngay khi lọt vào bên trong, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng dơ bẩn: Ba con heo mới được cạo lông nằm giữa nền xi măng lõm bõm nước lẫn phân và lông heo.

Gần đó là một chậu tiết đỏ lòm để giữa ngổn ngang dụng cụ giết mổ bẩn thỉu. Hàng trăm ký thịt heo và lòng nằm lăn lóc cạnh phân và nước thải. Mùi hôi thối bốc nồng nặc.

Lò bà Th. mổ heo chết chuẩn bị đem đi tiêu thụ.

Lò bà Th. mổ heo chết chuẩn bị đem đi tiêu thụ. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ngoài số heo vừa và đang được giết, chúng tôi còn phát hiện hàng chục con heo khác chờ giết mổ. Ông L. cho biết phần lớn thịt heo sau khi mổ sẽ bán cho các mối trên địa bàn quanh các khu công nghiệp ở TP Biên Hòa và đưa lên TP HCM, Bình Dương.

“Lò của tôi hoạt động cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày hóa kiếp hơn chục con heo. Anh muốn lấy bao nhiêu cũng được.

Nếu bán buổi sáng và trưa thì cứ khoảng 2h sáng đến lấy thịt, còn bán buổi chiều thì 11h trưa đến lấy” - ông L. “quảng bá” khi phóng viên đặt vấn đề mua thịt heo.

Lãi lớn với heo bệnh, heo chết

Hùng tiếp tục dẫn chúng tôi qua lò mổ của bà Th., cách lò mổ của ông L. khoảng 300 m và cũng nằm ở khu phố 2, phường Long Bình.

Hùng tiết lộ: “Ở các lò mổ này, hầu hết họ giết mổ heo không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch thú y, thậm chí giết mổ cả heo bệnh, heo chết.

Trong số này, lò mổ của bà Hoa có tiếng chuyên mổ heo chết, heo bệnh. Nếu anh muốn mua thịt heo giá rẻ thì đến lò này và mua bao nhiêu cũng có”.

Có mặt tại lò của bà, chúng tôi chứng kiến cơ sở này đang giết mổ một con heo nái và bảy con heo con. Toàn bộ số heo này có dấu hiệu xuất huyết dưới da, thịt tím tái và có mùi hôi.

Cạnh đó là số thịt heo bỏ vào bao tải chuẩn bị đưa đi tiêu thụ được vứt bừa bãi trên nền xi măng dơ bẩn.

Bà không giấu giếm, nói rằng toàn bộ số heo này là heo chết, được bà thu gom rồi về giết mổ để cung cấp cho các điểm làm heo quay, quán cơm bình dân ở TP HCM, Bình Dương.

Hùng tiếp tục chỉ chúng tôi một lò chuyên mổ heo chết khác của ông Tâm nằm cách đó không xa. Tại đây, ông N. cho biết mỗi ngày lò của mình làm 20-30 con heo chết, được lấy từ các trang trại nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn.

Trong đó, phần lớn lấy ở các phường Long Bình, Trảng Dài, Tân Phong (Biên Hòa), xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu).

Theo ông N., heo nhỏ thường chết cùng lúc vài ba con. Heo lớn thì thường chỉ chết một con. Một con heo bình thường giá 10 triệu đồng nhưng chết rồi chỉ còn 3,5 triệu đồng.

Nếu mổ ngay thì nhìn thịt vẫn đẹp như heo sống và bán cho thương lái giá cao gần bằng giá bán thịt heo sống. Ông N. cũng cho biết heo của mình chủ yếu bán làm heo quay cho các lò ở TP HCM.

“Sau khi đem heo về là làm sạch cho vào thùng đá bảo quản, chiều tối vận chuyển lên TP HCM tiêu thụ. Mình chỉ cần làm sạch là được, những công đoạn còn lại thì do thương lái hoặc đầu mối làm.

Hầu như ngày nào tôi cũng có hàng để bán” - ông N. nói.

Biết nhưng khó bắt quả tang

Theo một cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, trước đây cơ quan chức năng thống kê ở phường Long Bình (TP Biên Hòa) có gần 60 điểm giết mổ lậu hoạt động thường xuyên.

Đó là chưa kể một số hộ nuôi heo thỉnh thoảng tự giết mổ rồi đem bán. Hiện nay con số này có thể cao hơn và trách nhiệm xử lý thuộc về chính quyền địa phương.

Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, cơ quan chức năng đều biết các lò mổ heo lậu, heo chết hoạt động ở phường Long Bình song rất khó xử lý vì không bắt được quả tang.

Cụ thể, các đoàn liên ngành đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý nhưng khi đến nơi thì các lò đóng cửa, khóa ngoài hoặc ngưng hoạt động.

Trước khi lực lượng chức năng có mặt, xe chở heo chết vẫn chạy trên đường, các thương lái nhộn nhịp đi lấy heo lậu.

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai đề ra kế hoạch đến hết tháng 6/2015, tỉnh sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn lò mổ lậu trên địa bàn.

Thời điểm này, ở phường Long Bình (TP Biên Hòa) có khoảng 60 lò mổ lậu, chiếm gần 1/3 số lò mổ lậu ở cả tỉnh.Các lò mổ này là nguy cơ gây lây lan dịch bệnh cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 3/9, ông Bùi Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Long Bình, thừa nhận ở phường Long Bình còn có nhiều lò mổ heo lậu, trong đó có cả lò mổ heo chết.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn, việc xử lý như kiểu “ném đá ao bèo”.

Theo Pháp luật TP HCM


Tin tức mới nhất