Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…
"Kiều" thời Mai Thu Huyền ghi nhận nỗ lực tối đa
Nhân gian cách bóng buồn sầu
Dặm xa bái vọng cha đâu mau về
Mười năm có lẻ tỉ tê
Hòng mong có được cái lề đỏ son
Chẳng vì khăn tấm áo tròn
Chẳng vì cái bạc, chẳng còn vấn vương
Chỉ mong cho trọn con đường
Thời nay tưởng nhớ người xưa không còn
Tiên Điền chốn ấy ghi danh
Tố Như là chữ, hiệu là Thanh Hiên
Dự án phim điện ảnh Kiều được Đạo diễn Mai Thu Huyền chia sẻ: đã ấp ủ suốt 10 năm. Tại thời điểm thiếu thốn nguồn đầu tư cho dự án, cha của cô đã có ý định muốn bán đất để giúp cô thực hiện giấc mơ đưa Kiều lên màn ảnh.
Trong buổi họp báo tối 8/4 tại Hà Nội vừa qua, Mai Thu Huyền vẫn không giấu nổi cảm xúc khi nhắc đến người cha của mình. Kiều cuối cùng cũng đã có thể ra mắt công chúng, nhưng có lẽ cha của cô sẽ theo dõi cô và đoàn phim ở một nơi khác xa hơn.
Với sản phẩm đầu tay, Mai Thu Huyền cùng toàn bộ đoàn làm phim cho biết sẽ tiếp thu mọi ý kiến khen chê của khán giả, lấy đó làm động lực cho các sản phẩm khác sau này.
Đặc biệt, trên tinh thần nhân văn “khóc Tố Như” đã chia sẻ, dự án phim được đầu tư bài bản ở nhiều góc độ, trong đó tập trung làm sáng các giá trị nhân văn.
Dĩ nhiên, về tổng thể, bộ phim vẫn còn những thiếu sót nhất định, nhưng xét cho cùng vì là sản phẩm đầu tay – lại còn làm phim cổ trang, khán giả cũng nên đón nhận bộ phim trong tâm thế cởi mở hơn, để không chỉ Mai Thu Huyền mà còn cả đoàn làm phim vơi bớt chút áp lực trong thời gian nhận phản ánh.
(Đại thi hào Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên).
Cho tròn một mối tơ vương
Vương ông đã thả, Vương Quan về cùng
Kiều đi bóng nguyệt soi đường
Đạm Tiên theo bước vì tình chị em
Nào đâu cớ sự rối ren
Thanh lâu phải đến vì mang nợ người
Cảnh vật xinh đẹp tốt tươi
Nhưng Kiều héo rũ vì thời lo toan
Lo cho cái giá “ngàn vàng”
Chuộc thân không được sợ vào tay ai
Cành đào lá liễu mảnh mai
Nửa soi gối chiếc, hài tiên phong trần
Đông qua, Xuân tới nắng trong
Những sự tình ấy chẳng trong văn nào
Bởi vì nguyên tác dựa vào
‘Kiều’ nay khác với ‘Đoạn trường tân thanh’
Sự việc có khác dành dành
Nhiều điều làm mới, nhiều điều cũng hay
Kiều thì tính nết thẳng ngay
Thúc sinh giỏi võ, Giám sinh tham tiền
Bá Hiền cũng thật kém duyên
Hoạn Thư, bà Tú thì “hiền” hơn xưa
Ấy là xem được tạm thưa
Đoàn phim đã cố, cũng duyên mà đành
Hay vì một bụng lòng thành
Xem là để đó, thưởng là tùy tâm
Một lời khuyên nhỏ trước khi ra rạp với khán giả, Kiều thực sự là một bộ phim đậm chất tình. Tuy nhiên, với những người tâm huyết, đau đáu với sản phẩm Kiều cũng nên chuẩn bị trước tâm lý để đón nhận một cách cởi mở hơn.
Bởi Kiều là tác phẩm "dựa trên" truyện Kiều - Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, không phải chuyển thể hoàn toàn, vì thế nội dung của phim có thêm thắt nhiều tình tiết, hoặc một số tình tiết sẽ được làm mới sao cho hợp lý với bối cảnh bộ phim.
Ví dụ nho nhỏ (không tiết lộ nội dung phim) đã được thể hiện trong trailer, Kiều trong thời gian ở Thanh Lâu nhưng không mất cái "ngàn vàng", Thúc Sinh lại rất giỏi võ, và phim nhiều cảnh hành động...
Nói chung, với những người quan tâm đến giá trị nhân văn, trải nghiệm giải trí, bộ phim sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, không nên quá đặt nặng vì "khóc Tố Như" mà đánh giá bộ phim là sai lệch, cải biên nặng nề.
Diễn xuất dàn cast chính
Kiều - vai diễn đầu tiên của Trình Mỹ Duyên thực sự còn nhiều điều đáng nói. Về chất giọng Bắc nhưng thỏ thẻ, chưa "tròn vành rõ chữ" nhưng cũng có thể chấp nhận, cảm xúc "một màu" không dữ dội, đấu tranh, chiều sâu nhân vật cũng chưa được bộc lộ nhiều.
Công bằng mà nói, với lần đầu tiên diễn xuất - Trình Mỹ Duyên cơ bản đã đủ và gần đúng, nhưng sẽ tuyệt hơn nếu cô đẩy thêm một chút xúc cảm của mình để "hiểu" cho nỗi lòng của nhân vật thì bộ phim sẽ đúng là "Kiều" hơn.
Lê Khanh và Cao Thái Hà thực sự là điểm nhấn diễn xuất làm người xem đỡ buồn ngủ nhất bộ phim. Nội lực và thương hiệu của NSND Lê Khanh thì khỏi bàn cãi, vai Hoạn Bà tròn trịa không sai, lời nói đanh thep nên thoại của nhân vật đôi khi hơi phô và ít nhưng bởi nhập tâm nên cho người xem cảm giác rất thần. Kiểu cách, điệu bộ, sự quyết đoán đều giống với một quý tộc phong kiến.
Còn Hoạn Thư - Cao Thái Hà, cô còn nhiều khi có những cảnh khó hiểu, mặc dù diễn xuất tròn vai, bộc lộ tâm lý ghen tuông, cào cấu nội tâm, nhưng có lẽ do kịch bản nên chũng ta chưa được thấy một Hoạn Thư "lồng lộn" như theo nguyên tác.
Diễn xuất của các diễn viên còn lại đều ổn, nếu muốn nói thêm thì nên nói về Phương Thanh, người đã "quen mặt" diễn xuất trong nhiều bộ phim lớn nhỏ. Nhập vai Tú Bà, vẻ buông tuồng, phóng túng toát ra khiến người xem thích thú, thái độ bất cần, ham tiền rất giống với một "má mì" lầu xanh.
Lần đầu diễn xuất làu làu
Cổ trang phim ấy dễ đâu mà làm
Kiều thoại vẫn còn dở dang
Giọng còn chưa rõ chưa phô được tình
Thúc sinh lại kém phần hình
Biểu cảm, hành động đứng hình nhiều phen
Hoạn Bà, Hoạn Chị thì khen
Giọng bà đanh thép, thần bà có uy
Chị Hoạn khổ sở tâm tình
Yêu, hờn, giận, tủi phân minh chị làm
Tú Bà vai diễn có kham
Đong đưa, lả lướt lúc cần thì oái oăm…
Sơn lâm hùng vĩ núi đồi
Núi cao thác đổ suối ngàn nở hoa
Cảnh vật lộng lẫy nguy nga
Thanh lâu cũng đẹp bến tàu cũng đông
Phục trang lắm thứ nhiều bông
Áo quần là lượt, mấn hồng xinh tươi
Người thì quyền quý ngời ngời
Người thì lả lướt rạng ngời thanh xuân
Cảnh trong phim rất đẹp, được quay ở Cao Bằng, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Thọ và nhiều địa danh khác. Khung hình với độ rộng cao, bao quát.
Sắp xếp thứ tự cảnh quay tuy có hơi khó hiểu, nhiều lúc chuyển cảnh nhanh - dồn dập nhưng có tính đầu tư cao, lại được thiên nhiên hùng vĩ hậu thuẫn nên đã phần đều làm hài lòng người xem. Quả thực, phải thốt lên rằng không ngờ Việt Nam lại có cảnh thiên nhiên mỹ tú đến nhường ấy.
Trang phục trong phim không rườm rà, dù nhiều màu sắc nhưng lại rất quyện, không tạo cảm giác chói mắt - họa tiết trên áo, vật dụng, đạo cụ đều tỉ mỉ, tinh tế cho thấy sự đầu tư về trang phục rất chỉn chu, điều mà Mai Thu Huyền luôn tâm niệm: Làm nổi bật giá trị truyền thống.
Hồ Cầm cất tiếng yêu Kiều
Mệnh là đào nữ Khúc là bi ai
Nỉ nôi giọt ngắn giọt dài
Trách người quân tử vì ai dối lòng
Tiếng đàn đứt gánh tay trong
Thanh âm ảm đạm tơ lòng bâng khuâng
Một đời luyến tiếc hồng trần
Mới hay duyên mới đã hay duyên tàn
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Vừa hoàng hôn đã lại nay hôn hoàng
Âm nhạc là một trong những điều phim làm tốt nhất. Sử dụng âm nhạc truyền thống, êm đềm hay dồn dập, trữ tình rồi giằng xé, Kiều Mệnh Khúc (OST) ở credit cuối phim mang hồn cốt của Kiều vì lời lẽ mượt mà, tự tình.
... Nhưng "Kiều" Nguyễn Du vẫn mãi cứ là "đỉnh chóp"
À thì phận nữ trái ngang
Đạm Tiên đời trước đời nay Thúy Kiều
Nhưng thời Đạm lại đăm chiêu
Vì Kiều Đạm mới nhiều phen liều mình
Chẳng rằng ẩn hiện sự tình
Làm dài kịch bản nên bình kém hay
Giá mà Đạm bớt nhúng tay
Chỉ hay xuất hiện những khi Kiều cần
Hoạn Bà thời diễn xuất thần
Thoại hay, đanh thép nhưng “sân” không nhiều
Kế hoạch bà vẽ bao nhiêu
Cao trào vừa đến Kiều đã lung lay
Hoạn Thư mong trả thù này
Nhưng không giống với máu ghen đời truyền
Không lồng lộn lại rất duyên
Ai là nữ chính - Hoạn Thư hay Kiều?
Cảnh rừng hùng vĩ linh thiêng
Thị thành tấp nập, thôn quê yên bình
Có điều chuyển cảnh linh tinh
Đau đầu nhức óc tình hình chưa thông
Mới ra biến cố đã xong
Cảnh sau cảnh trước cảnh không đợi người
Thêm là nhân vật vẽ vời
Lắm người, lắm vế chẳng thời nhớ ai
Phương Thanh diễn thật tròn vai
Tú Bà vừa dữ vừa duyên vừa gần
Vẻ phóng túng, bụng giả trân
Cơ mà vai hết, Tú Bà đi đâu?
Còn nhiều chi tiết không đâu
Nào là mai phục, nào là rình ghen
Mai phục sáng mặc áo đen
Nhấp nhô Kiều thấy Kiều hô Kiều gào
Hoạn Thư máu nóng dâng trào
Vẫn bình tĩnh được lý nào vậy đâu!
Khen - chê về một sản phẩm điện ảnh như Kiều còn tùy vào cảm nhận của mỗi cá nhân, nhất là khi bộ phim mang gánh nặng phải thể hiện cho đúng, cho đủ cái hồn cốt của Đại thi hào Nguyễn Du.
Nhưng như đã nói ở trên, không nên vì "khóc Tố Như" mà quá khắt khe với Kiều, dẫu sao đây cũng là một bộ phim "dựa trên" Đoạn Trường Tân Thanh mà thôi. Và Đoạn Trường Tân Thanh vẫn mãi là "tuyệt vời nhất" cho dù bạn có xem hay không xem Kiều.
P.V
Theo Vietnamnet