-    “Cha chạm vào loang lổ rêu phong, mong các con trở lại”. Câu này, hay thật đấy! Khoảng hơn chục năm nữa, khi mày lớn lên rồi thì chắc bố cũng như thế.

Người con trai giơ tay chạm nhẹ vào bức tường. Bức tường cũ đổ nát, cỏ dại mọc đầy lan từ bờ tường bên này sang bờ tường bên kia. Ánh nắng chiều ảm đạm hắt lên khuôn mặt anh. Bàn tay anh run run, từ khóe mắt, một giọt nước lạnh buốt lặng lẽ rơi xuống. Anh khuỵu xuống, quỳ trước hai cánh cổng sắt hoen gỉ. Đầu cúi gằm, anh không ngẩng lên, giống như chưa dám nhìn vào phần tội lỗi khủng khiếp mình từng mắc phải.

-    Bố, con về rồi đây…Con…xin lỗi…

Con đường vắng găm đầy đá sỏi, cào xước tâm trí, bật ra những mảnh ký ức sắc nhọn. Trí nhớ giống như thủy tinh vỡ, càng nắm chặt thì bàn tay càng chảy máu đầm đìa.

Một ngày mưa, con đường đất lầy lội, cậu bé rón rén từng bước chân, hai bàn chân nhỏ bước rõ lâu mới được một quãng ngắn, bùn bắn lên áo quần nhuộm màu đất đỏ. Đằng sau cậu, người đàn ông trẻ thong thả bước đi, nhìn bóng lưng cậu bé và cười. Cậu bé chợt quay đầu lại, vẫy vẫy bàn tay nhỏ xíu và gọi thật to:

-    Bố ơi nhanh lên! Chân bố to mà sao đi chậm thế?

-    Chân bố to nên nặng lắm, không đi nhanh được!

Cậu bé nghe bố nói vậy thì không thắc mắc nữa, liền quay về phía trước tiếp tục đi. Được vài bước thì trượt chân ngã, quần áo đầu tóc lấm lem đầy bùn.

-    Bố ơi cứu con!

Người bố không còn chậm chạp, mà sải những bước dài, mặc kệ bùn bắn lên quần áo. Nhưng bước chân người bố không dừng lại ở nơi con mình ngã, mà đi lên phía trước một quãng, rồi mới quay đầu lại cười:

-    Con bẩn lắm, bố không đỡ đâu, tự đứng lên đi!

Trời mưa té nước ướt mất tuổi thơ rồi…

Cậu bé còn non nớt, không biết rằng người bố đang dạy cậu. Tự bước đi bằng đôi chân của mình. Nếu vấp ngã, thì tự đứng lên.

Người bố cầm một tờ giấy đặt bên cạnh con trai.

Người con trai rời mắt khỏi màn hình laptop, liếc liếc tờ giấy, không nói lời nào.

cha chạm vào long lổ màu rêu

Trên tờ giấy ấy, ghi kết quả học tập của học kỳ, bên cạnh chữ “Giỏi” ở cột học lực, rõ ràng có một dòng chữ bằng mực đỏ ở cột Hạnh kiểm, cùng dòng với tên con trai: Trung bình (thường xuyên nghỉ học không phép).

Người bố vỗ vỗ vai con trai:

-    Có chuyện gì thế con? Bố nghĩ chúng ta cần nói chuyện, như hai người đàn ông!

Người con trai đang tuổi nổi loạn đứng bật dậy, hét lên:

-    Bố để cho con yên được không?

Rồi chạy ra khỏi phòng.

Cậu không để ý rằng, bàn tay bố vỗ lên vai cậu, đã không còn mạnh mẽ như xưa, và mái tóc của bố, từ khi nào đã không còn là một màu đen nữa.

cô đơn

Một ngày mùa thu.

Trong phòng trọ nhỏ, chàng trai trẻ đang cắm cúi sắp xếp đồ đạc thì điện thoại reo:

-    Alo, bố ạ?

Đầu dây bên kia, người bố nói, giọng khàn khàn, và dường như hơi thở có chút khó khăn:

-    Chuẩn bị đồ đạc chưa con? Bên đấy lạnh lắm, nhớ mang đủ áo ấm.

-    Vâng con đang chuẩn bị.

-    Ừ, hôm qua bố vừa gửi tiền, ra rút về mua gì thì mua.

-    Mai đi rồi hôm nay còn mua gì nữa hả bố? Để con rút ra xong gửi người mang về cho bố! Mà sao giọng bố lạ thế? Bố mệt à?

-    Cảm cúm một tí thôi ấy mà, mấy hôm là khỏi, không sao đâu.

-    Vâng, con cúp máy đây. Bố ở nhà giữ gìn sắc khỏe nhé, mai con đi sớm không gọi về nữa đâu.

-    Ừ, đi cẩn thận con nhé!

-    Vâng, con chào bố!

-    Chào con!

Cuộc điện thoại ngắn ngủi chưa đến một phút. Người con trai để điện thoại sang bên cạnh, tiếp tục sắp xếp đồ cho vào vali
.
Ngày mai, cậu sẽ lên máy bay, nơi đến là một chân trời xa lạ, nhưng rất nhanh thôi, sẽ trở nên quen thuộc, đó là nơi cậu sẽ thực hiện ước mơ. Bố cậu chắc sẽ tự hào lắm!

Cách đó gần 300km, nơi quê nhà của cậu, trong căn nhà nơi cậu lớn lên.

Người đàn ông ngơ ngẩn nhìn màn hình điện thoại hồi lâu, rồi đột nhiên giống như không kìm được nữa, lên cơn ho dữ dội. Ông với lấy khăn giấy che miệng, khạc ra một ngụm máu.

Lấy một tờ khăn giấy khác lau hết vết máu trên miệng, ông cười với cái điện thoại:

-    Con trai, con sẽ thành công! Cố gắng lên!

nến

Mấy tháng sau khi người con trai đi du học, người bố qua đời. Số tiền người con trai nhờ người gửi lại nhà trước khi đi trở thành tiền lo đám ma cho bố.

Khi nhận được điện thoại, người con trai ngất xỉu giữa sân trường.

“Cháu đang thi đúng không? Bố cháu dặn cháu đừng về, cứ lo học hành cho tử tế…”

“Yên tâm, ở nhà đã có các bác các chú lo…”

Vậy là người con trai không về thăm bố, tiếp tục lăn lộn nơi xứ người. Mới đấy mà đã hơn 6 năm trôi qua.

Ở đây có bạn bè, có ước mơ, lý tưởng. Ở đó chẳng còn gì, người thân thiết nhất cũng không còn nữa. Vậy thì cần gì phải về?

Anh đang xin việc, định sẽ ở lại đến cuối đời, không về Việt Nam. Đáng lẽ anh đã làm như thế.

Cho đến một ngày anh choàng tỉnh giữa đêm, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Trong giấc mơ, một ngôi mộ cũ mọc đầy cỏ dại, trên bia mộ đề tên bố anh. Anh bật dậy vơ hết đồ đạc ném vào vali.
Mấy tiếng đồng hồ sau, anh có mặt trên máy bay, về nước, lần này sẽ không đi nữa.

Nhà mới của bố không giống như trong giấc mơ. Ngôi mộ xây được quét tước sạch sẽ, chẳng có cỏ dại. Nhà cũ của hai bố con thì cỏ dại mọc kín từ cổng vào, những bức tường cũ đổ nát. Hình như đã lâu không có người đặt chân đến.

Trên nhà mới của bố, nơi bố đang ngủ giấc yên bình, con trai quỳ xuống trước bia mộ, kể lại những gì mấy năm qua con làm được. Ở nhà cũ, nơi hai bố con từng sống với nhau mười mấy năm, nơi chứa đựng tất cả ký ức về bố, con trai quỳ gục xuống, đau khổ và hối hận.

-    Xin lỗi bố! Bây giờ con mới trở về!

Theo Blog Radio